Năm điểm cơ bản trong cuộc biểu tình ở Hong Kong

29/09/2014 16:52 PM |

Hãng tin CNN chỉ ra năm vấn đề bạn đọc cần biết về cuộc biểu tình dữ dội đang nổ ra ở Hong Kong, khiến trung tâm tài chính châu Á tê liệt.

1. Hong Kong không giống các thành phố khác ở Trung Quốc

Nằm ở mũi phía đông nam Trung Quốc, Hong Kong là một thành phố hiện đại với 7 triệu dân. Khi Hong Kong trở về Trung Quốc vào năm 1997, Bắc Kinh cam kết đảm bảo “quyền tự trị cao” cho đặc khu này theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Luật cơ bản của đặc khu hành chính, một bản “hiến pháp thu nhỏ”, cho phép có hệ thống tài chính và luật pháp riêng.

Người Hong Kong được hưởng những quyền tự do dân chủ như tư pháp độc lập, tự do báo chí, quyền biểu tình… Luật cơ bản cũng ghi rõ người Hong Kong được hưởng quyền bầu cử tự do dù không xác định thời gian biểu. Hiện tại, đặc khu trưởng Hong Kong được một ủy ban 1.200 người thân Bắc Kinh lựa chọn.

2. Người dân Hong Kong ngày càng bức xúc

Làn sóng biểu tình nổi lên từ hồi tháng 8, sau khi Bắc Kinh tuyên bố Hong Kong sẽ không được bầu cử tự do vào năm 2017 như đã cam kết từ trước. Các nhóm đòi bầu cử tự do tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình ở khu trung tâm tài chính. Chiến dịch biểu tình có tên “Chiếm trung tâm” (Occupy Central).

Thành phần tham gia biểu tình rất đông đảo và đa dạng, từ học sinh, sinh viên cho đến giáo viên đại học, chuyên gia tài chính, tăng lữ… Sau nhiều tháng cảnh báo, chiến dịch "Chiếm trung tâm" chính thức bắt đầu từ hôm 28/9 với hàng chục nghìn người đổ ra đường.

3. Không phải ai cũng ủng hộ biểu tình

Các nhóm ủng hộ Bắc Kinh như “Số đông im lặng vì Hong Kong” cho rằng các cuộc biểu tình sẽ đe dọa đặc khu hành chính này và dẫn tới sự hỗn loạn. Họ cũng đã tổ chức các cuộc biểu tình chống chiến dịch "Chiếm trung tâm" và đăng quảng cáo trên truyền thông địa phương để phản đối.

Nhiều doanh nhân có tiếng ở Hong Kong cũng công khai bày tỏ lo ngại các cuộc biểu tình ở khu trung tâm tài chính sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của nơi này, một thành phố luôn có tiếng là an toàn, ổn định, môi trường kinh doanh tốt. Khảo sát của ĐH Trung Quốc hồi đầu tháng cho thấy 46% phản đối phong trào "Chiếm trung tâm", còn 31% thể hiện sự ủng hộ phong trào này.

4. Trung Quốc cho rằng Hong Kong “hiểu sai”

Trong một tài liệu công bố hồi tháng 6, chính quyền Trung Quốc khẳng định Hong Kong không có quyền hưởng chế độ “tự trị hoàn toàn” và người dân đặc khu này “hiểu nhầm” về mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Một quan chức cấp cao Trung Quốc tuyên bố việc Bắc Kinh duyệt danh sách các ứng viên bầu cử ở Hong Kong là cần thiết để đảm bảo đặc khu trưởng Hong Kong “yêu Trung Quốc, yêu Hong Kong và sẽ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh và phát triển của đất nước”.

Bắc Kinh cũng chỉ trích Anh và Mỹ đứng sau giật dây các cuộc biểu tình ở Hong Kong. Giới quan sát nhận định cả thế giới sẽ theo dõi xem Bắc Kinh phản ứng như thế nào đối với làn sóng biểu tình dữ dội trong hai ngày qua.

Vấn đề của Bắc Kinh là tình thế hiện tại khá lưỡng nan. Chính quyền Trung Quốc không muốn bị xem là nhượng bộ, nhưng cũng sẽ phải cân nhắc khả năng sử dụng vũ lực để trấn áp biểu tình và những hậu quả của nó.

5. Chính quyền Hong Kong tuân thủ Bắc Kinh

Chính quyền Hong Kong khẳng định người dân đặc khu cần tuân thủ quy định mà Bắc Kinh đưa ra về cuộc bầu cử đặc khu trưởng năm 2017. Theo đó, khoảng 5 triệu cử tri Hong Kong sẽ có quyền bầu cử đặc khu trưởng, nhưng danh sách ứng cử viên sẽ được Bắc Kinh thông qua.

Những người phản đối cho rằng với hệ thống này, sẽ chỉ có các cá nhân thân cận với Bắc Kinh được bầu làm lãnh đạo Hong Kong. Tuy nhiên trong bài xã luận trên CNN, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh tuyên bố đó là cách hiểu sai. “Chúng tôi vẫn chưa thảo luận về các khía cạnh quan trọng và chi tiết của quá trình bầu cử đặc khu trưởng. Cảm xúc thuần túy sẽ không đi đến đâu” - ông Lương Chấn Anh nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
XEM