Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua

19/09/2014 17:56 PM |

Ít ai biết được, trong 60 năm qua, để có được bộ mặt đô thị như hiện tại, đã có tới 7 lần Hà Nội thay đổi Quy hoạch tổng thể cùng hàng trăm quy hoạch phân khu, chi tiết khác được điều chỉnh.

Tại Hội thảo "Đô thị Hà Nội 60 năm xây dựng và phát triển" vừa được tổ chức tại Hà Nội, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã giới thiệu chi tiết về công tác quy hoạch Thủ đô trong 6 thập kỷ qua.

Chúng tôi tổng hợp thông tin khái quát về những lần thay đổi quy hoạch quan trọng của Hà Nội trong 60 năm qua để giới thiệu tới bạn đọc.

1. Quy hoạch tổng thể Hà Nội 1954 - 1960

Định hướng thành phố phát triển hoàn toàn nằm phía hữu ngạn sông Hồng. Khu vực trung tâm: là khu vực Ba Đình - Hoàn Kiếm và phần phía Nam Hồ Tây. Qui mô đất đai: 7.000ha.

Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua (1)

2. Quy hoạch tổng thể Hà Nội 1960 - 1964

Lần đầu tiên bản đồ án “Quy hoạch tổng mặt bằng Thủ đô Hà Nội” được hoàn thành vào năm 1960 với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô.

Định hướng thành phố phát triển chủ yếu ở khu vực phía Nam sông Hồng và một phần khu phía Bắc (Gia Lâm, Đông Anh). Chủ yếu về phía Tây Bắc là các khu Phú Thượng, Xuân La, Xuân Đỉnh, Cổ Nhuế, phía Tây là khu vực Cầu Giấy, Dịch Vọng, Yên Hoà, Trung Hoà, Tây Nam chủ yếu dọc theo QL6, phía Nam là khu vực Giáp Bát, một phần khu vực Định Công.

Quy mô đất đai 130km; Dân số 380.000 người. Hành chính: gồm 4 quận nội thành và 4 huyện ngoại thành.

Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua (2)

3. Quy hoạch Hà Nội trước năm 1979

Ngày 17/7/1976 “Luận chứng kinh tế kỹ thuật phát triển và xây dựng Thủ đô đến năm 2000” được Nhà nước phê duyệt tại số 163/CP làm cơ sở cho việc lập quy hoạch tổng mặt bằng thủ đô Hà Nội năm 1981.

Tháng 12/1978, Hà Nội mở rộng thêm về phía Bắc và phía Tây. Ngoài 4 khu nội thành và 4 huyện ngoại thành thì có bổ sung thêm 2 thị xã là Sơn Tây, Hà Đông và một số huyện khác.

Diện tích Hà Nội theo quy hoạch khi đó là 2.100km, phát triển đa cực Hà Nội và Vĩnh Yên nối 2 cực bằng hệ thống giao thông cao tốc.

Phương án sau 1979, Hà Nội phát triển độc cực tập trung tại khu vực phía Nam sông Hồng là chủ yếu. Quy mô diện tích 13.550ha, dân số 1,5 triệu (đến 2000).

Hành chính: Vùng ngoại thành mở rộng lên Ba Vì, Vĩnh Phúc. Tổng diện tích: 2130km2.

4. Quy hoạch Hà Nội năm 1981

Kết hợp với các chuyên gia Liên Xô thuộc Viện Quy hoạch Lêningrat (1961), Quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2000 được hoàn thành và được phê duyệt ngày 24/4/1981.

Đây là Quy hoạch tổng thể của Thủ đô Hà Nội được nghiên cứu một cách hoàn chỉnh với việc xác định các định hướng phát triển và các chỉ tiêu tính toán quan trọng đối với khoảng thời gian 20 năm (1981-2000). Dự kiến phát triển xây dựng hạn chế trong 4 quận nội thành đến năm 2000 (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) sau đó mở rộng thành phố về phía Đông Anh, Gia Lâm.

Từ năm 1986-1992: Định hướng thành phố phát triển chủ yếu tại khu vực phía Nam sông Hồng. Phần đất phía Tây hồ Tây chuyển thành đất dự trữ phát triển. Quy mô, diện tích 13.500ha ; Dân số: 1,5 -1,7 triệu, chỉ tiêu đất đô thị 90m2/người khu vực nội thành.

Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua (3)

Ranh giới hành chính rộng 2123km2, dân số 2.462.105 người, trả lại một phần đất cho Hà Tây, Vĩnh Phúc đưa Sóc Sơn về Hà Nội. Tổng diện tích: 927km2.

5. Quy hoạch Hà Nội năm 1992

Theo đường lối của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), VII (1991), Hà Nội tiến hành điều chỉnh “Quy hoạch điều chỉnh tổng mặt bằng của Thủ đô Hà Nội đến năm 2010”. Quy hoạch này được Nhà nước phê duyệt tại quy ết định số 132 TTg ngày 18/4/1992.

Thành phố Hà Nội được mở rộng về không gian nông thôn ven đô và được xếp vào hàng đô thị lớn ở Châu Á. Theo quy hoạch, quy mô dân số là 1,3 triệu người trong giai đoạn đầu và đến năm 2010 là 1,5 triệu người (có dự phòng đất và các điều kiện khác phát triển tới 1,7-2,0 triệu người) với tốc độ phát triển 1,5%. Quy mô đất đai từ 7.500 - 8.000ha với chỉ tiêu đất đô thị khoảng 50m2/người (hình 5).

Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua (4)

Bố cục qui hoạch: Lấy trung tâm Hoàn Kiếm, Ba Đình làm trung tâm để bố cục qui hoạch với những trục hướng tâm, xuyên tâm kết hợp các đường vành đai. Thành phố phát triển chủ yếu bán dọc theo các trục đường chính là cửa ngõ với cơ cấu mở, tạo sự xen kẽn các vùng cây xanh, mặt nước đi sâu vào trung tâm, cải tạo sinh thái môi trường đô thị.

6. Quy hoạch tổng thể Hà Nội năm 1998

Ngày 20/6/1998, tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố Hà Nội đến năm 2020.

Phạm vi nghiên cứu quy hoạch: Bao gồm thành phố Hà Nội trung tâm và các đô thị xung quanh thuộc thuộc các tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phú, Bắc Ninh, Hưng Yên với bán kính ảnh hưởng từ 30 - 50km, diện tích lên đến khoảng 7.860 Km2.

Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua (5)

Định hướng thành phố phát triển hai bờ sông Hồng. Hà Nội đóng vai trò thành phố trung tâm trong chùm đô thị Hà Nội.

Qui mô dân số thành phố trung tâm 2,5 triệu người; chuỗi đô thị phía Tây 1 triệu; cụm đô thị phía Bắc 0,5 triệu.

7. Quy hoạch tổng thể Hà Nội năm 2011

Ngày 29/05/2008, Địa giới hành chính Hà Nội đã được mở rộng với quy mô 3.344,6km (lần mở rộng lớn nhất từ trước đến nay), dân số 6,7 triệu người. Ngày 26/07/2011, tại Quyết định số 1259QĐ-TTg Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua (6)

Thủ đô Hà Nội được phát triển không gian theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, được liên kết với nhau bởi hệ thống đường giao thông vành đai kết hợp mạng lưới các trục giao thông hướng tâm có liên kết với mạng lưới giao thông khu vực và quốc gia.

Đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh được liên kết bởi mạng giao thông công cộng phát triển dựa trên hệ thông giao thông đô thị tốc độ cao, năng lực vận chuyển lớn, viễn thông và các hạ tầng kỹ thuật khác.

8. Sơ đồ 17 quy hoạch phân khu thực hiện giai đoạn 1

Phát triển không gian dựa trên kết nối các yếu tố tự nhiên như hệ thống sông hồ, đa dạng sinh học và văn hóa truyền thống, làng xóm, làng nghề hiện hữu…

Thiết lập hành lang xanh ngăn cách và hạn chế sự phát triển lan tỏa của các khu vực đô thị, đồng thời là không gian bảo tồn các vùng nông nghiệp nông thôn đảm bảo sự cân bằng và phát triển bền vững. Hành lang xanh chiếm khoảng 70 % diện tích đất tự nhiên của thành phố.

Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua (7)
Quy mô dân số tối đa của Hà Nội (năm 2050) đạt khoảng 11 triệu người, trong đó dân đô thị khoảng 7,5 triệu người. Đến năm 2030 dự kiến đất xây dựng đô thị khoảng 55.200 ha. trong đó đất dân dụng khoảng 34.900 ha, đất ngoài dân dụng 20.300ha.

9. Sơ đồ các quy hoạch phân khu thực hiện giai đoạn 2

Lần đầu tiên Hà Nội thực hiện (quy hoạch phân khu, một số quy hoạch chuyên ngành, các loại quy chế...) với sự phức tạp cao.

Trong bối cảnh đó, toàn bộ hệ thống chính trị của thành phố đã vào cuộc để triển khai quy hoạch chung nhằm đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng cao làm tiền đề phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước, kêu gọi đầu tư phát triển trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng.

Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua (8)

Trong các năm 2011-2014, nhiều Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện ngoại thành, các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở chuyên ngành thẩm định và trình UBND Thành phố phê duyệt.

10. Quy hoạch chung các quận huyện

Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã tổ chức lập 32 đồ án quy hoạch chung các huyện, nhiều đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị.

Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều đồ án quy hoạch đô thị (Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu, Quy hoạch chi tiết) và các Quy hoạch chuyên ngành theo kế hoạch của UBND Thành phố giao.

Cụ thể là: Các quy hoạch phân khu phía Đông đường vành đai 4 (S1, S2, S3, S4, S5) đã được phê duyệt.

Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua (9)

11. Quy hoạch 2 bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài

Lần đầu tiên và từ rất sớm sau khi Quy hoạch chung được duyệt, thành phố đã chỉ đạo tổ chức triển khai lập 01 đồ án quy hoạch chi tiết với quy mô rất lớn (Quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài - con đường sẽ được vinh dự mang tên đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Bật mí những quy hoạch Hà Nội 60 năm qua (10)
Đánh dấu tư tưởng chiến lược trong việc chuyển trọng tâm phát triển sang phía Bắc sông Hồng; tạo mũi nhọn, động lực không chỉ cho phát triển đô thị mà cả phát triển kinh tế - xã hội một cách có trọng điểm.

>> Ấn tượng với những tấm bản đồ thế giới siêu sáng tạo

Theo Vũ Minh

Cùng chuyên mục
XEM