Báo Anh: Du lịch Việt Nam tự hại mình vì nóng vội

10/08/2015 09:47 AM |

Ngành du lịch Việt Nam đang phải đấu tranh dữ dội để hài hòa yếu tố hiện đại hóa và đầu tư phát triển với bảo tồn trong bối cảnh resort, cáp treo và casino đang đe dọa phá hủy kỳ quan thiên nhiên ban tặng, tờ The Guardian nhận định.

Fred Trịnh nhắm mắt tưởng tượng lại khung cảnh thiên đường ở Phú Quốc đã thu hút anh vào năm 2011 – hai hàng dừa uốn lượn quanh con đường đất đỏ dẫn ra bãi biển hoang sơ. Nhưng khi mở mắt, vị doanh nhân 39 tuổi người Canada gốc Việt phải đối diện với thực tế treo ngay trước mắt.

“Lần đầu tiên đến đây, tôi bị choáng ngợp bởi thiên nhiên nguyên sơ, bãi biển thật tự nhiên và đẹp tuyệt vời như chưa từng có dấu chân người”, Trịnh mô tả vẻ đẹp của Phú Quốc, hòn đảo nằm trong vịnh Thái Lan. “Còn bây giờ, máy xúc hoạt động khắp nơi, chia cắt bãi biển xinh đẹp này thành từng mảnh nhỏ để xây nên những dấu ấn để khách du lịch dễ nhận biết – những thứ tương tự chuỗi khu nghỉ dưỡng và khách sạn trên toàn cầu”.

Sự phát triển ồ ạt đã lấy đi nét hoang sơ, quyến rũ thanh bình từng giúp cho Phú Quốc trở thành điểm đến tinh hoa của Việt Nam trong mắt nhiều du khách có dịp đến đây từ sớm.

“Trong suốt 20 năm vừa qua, ngành du lịch Việt Nam dường như được dẫn dắt bởi câu thần chú đơn giản – “To đồng nghĩa với đẹp”. Nhưng thực tế thì hiếm khi được như vậy. Các tỉnh thay phiên nhau giành giật các dự án đầu tư khổng lồ và lãng quên hầu hết các ưu đãi khác được ban tặng”, Mark Bowyer, chuyên gia về du lịch Việt Nam tại website du lịch trực tuyến rustycompass.com nhận định.

Trịnh cho biết anh đã rất đắn đo để đưa vợ và 5 đứa con trở về Việt Nam lần nữa. “Tôi nói với mọi người ở Canada nên tới Việt Nam trước khi những điểm đến bị thương mại hóa. Giờ đây tôi thấy Việt Nam đang chuyển mình rất nhanh để đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch và sẵn sàng chà đạp lên những gì được thiên nhiên ban tặng giống như các bác sỹ thẩm mỹ đắp nhựa lên người khách hàng để đáp ứng xu hướng sắc đẹp hiện tại”, Trịnh ví von.

Khi tỷ lệ quay lại của du khách quốc tế chỉ vào khoảng 33%, sự phát triển hỗn loạn lại đến đúng vào thời điểm Việt Nam phải gánh chịu sự quay lưng của du khách, thể hiện rõ nhất ở số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang sụt giảm 13 tháng liên tiếp tính tới tháng 6, tỷ lệ giảm 8,2% về lượng so với tháng 05/2015, theo số liệu từ Tổng cục thống kê Việt Nam.

Trong nửa đầu năm 2015, Việt Nam đón tiếp khoảng 3,8 triệu lượt khách nước ngoài, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổng cục du lịch Việt Nam cho rằng nguyên nhân chính của sự lao dốc đến từ Nga và Trung Quốc – 2 nguồn cung ứng khách du lịch chính cho Việt Nam – sự kiện biển Đông xảy ra vào tháng 5/2014 và đồng tiền Nga bị mất giá do trừng phạt kinh tế. Theo Tổng cục thì lượng du khách đến từ các quốc gia khác tuy tăng nhưng vẫn không đủ bù đắp cho số lượng bị mất từ 2 nguồn chính.

“Trong khi đó, Việt Nam không thể thúc đẩy việc quảng bá ra nước ngoài do thiếu kinh phí”, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình được cơ quan truyền thông địa phương dẫn lời vào tháng 5 vừa qua. Các chuyên gia và nhà điều hành cũng than phiền về chính sách thị thực rất phức tạp và không thân thiện của Việt Nam cũng góp phần không nhỏ.

Tín hiệu cho thấy lượng du khách đến Việt Nam đang ngày càng yếu. Ảnh: Hoang Dinh Nam/Getty

Tín hiệu cho thấy lượng du khách đến Việt Nam đang ngày càng yếu. Ảnh: Hoang Dinh Nam/Getty

Hiện nay, Chính phủ đang tiến hành thành lập Quỹ trị giá 100 triệu USD để xúc tiến quảng bá hình ảnh đất nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng vừa ký quyết định mở rộng diện miễn trừ thị thực cho các quốc gia Châu Âu và còn tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến những nỗ lực như vậy”, Kenneth Atkinson, Chủ tịch nhóm công tác về Du lịch thuộc Diễn đàn Doanh Nghiệp Việt Nam, cơ chế quy tụ các Hiệp hội doanh nghiệp và phòng Thương mại trong nước và Quốc tế, cho biết.

Nhưng ngay cả những người ủng hộ chính sách miễn thị thực cũng cho rằng đây không phải là giải pháp căn cơ. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong dịp trao đổi với báo chí gần đây bên lề phiên họp Quốc Hội còn cho rằng nguyên nhân còn nằm ở giao thông không an toàn, vệ sinh an toàn thực phẩm, trộm cướp, nạn ăn xin, lừa đảo cũng góp phần cản trở không nhỏ.

“Điều tệ nhất chính là sự phá hủy một cách có hệ thống vẻ đẹp tự nhiên của đất nước, mà đó chính là thỏi nam châm thu hút khách du lịch, được đặt dưới những từ ngữ rất mỹ miều như hiện đại hóa và vì sự phát triển của nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc một công ty du lịch ở thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của Việt Nam, cho biết. “Một loạt các kỳ quan thiên nhiên đang bị đe dọa dọc chiều dài đất nước".

Điển hình trong số đó chính là dự án xây dựng cáp treo tại hang Sơn Đoòng, một trong những hang động tự nhiên đẹp nhất thế giới nằm khu vực gần biên giới Việt Nam – Lào, chỉ được chính quyền Quảng Bình dừng lại sau khi vấp phải tiếng nói phản đối từ các du khách và các nhóm bảo tồn thiên nhiên.

Ở các nơi khác vẫn luôn tồn tại những dự án đe dọa thiên nhiên như vậy, chẳng hạn như các kế hoạch xây dựng một loạt các sòng bài ở các khu vực danh lam thắng cảnh (điển hình là dự án ở Cao nguyên đá Đồng Văn ở phía Bắc Việt Nam, nơi đã được thế giới công nhân là công viên địa chất toàn cầu trong năm 2010) rộng lớn.

Các nhà bảo tồn cho rằng chính việc quy hoạch yếu kém công tác xây dựng các nhà máy thủy điện và khu nghỉ dưỡng ven biển chính là nguyên nhân chủ yếu gây sạt lở ở Hội An, nơi được UNESCO công nhận Di sản và là một trong những điểm đến ưa thích của du khách khi đến Việt Nam.

“Dường như Việt Nam cảm thấy những kỳ quan mà họ đang sở hữu là không đủ, họ cảm thấy bất an, chính điều đó thôi thúc họ phải “cải thiện” bằng những hệ thống cáp treo, sòng bài và những quán karaoke”, Pamela McElwee, trợ lý giáo sư ngành Sinh thái nhân văn tại đại học Rutgers, người đang bỏ rất nhiều công sức nghiên cứu các khu vực được bảo tồn ở Việt Nam, nhận định đầy ngao ngán.

Nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam đang phải cố gắng cân bằng nhiệm vụ bảo tồn, vừa phải tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng sao cho du khách dễ dàng tiếp cận được các thắng cảnh để cạnh tranh với các quốc gia láng giềng như Thái Lan và Malaysia.

Trong năm 2014, lượng du khách đến các quốc gia này gấp 3 lần con số của Việt Nam, nơi chỉ đón tiếp được vỏn vẹn 7,87 triệu lượt khách, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra là 8,2 triệu lượt khách. Trong tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã bắt đầu chính sách miễn thị thực lên tới 15 ngày cho khách du lịch đến từ các nước như Đức, Pháp, Anh, Ý và Tây Ban Nha, đồng thời tiếp tục xem xét mở rộng các trường hợp miễn thị thực khác.

“Tuy nhiên, chính sách miễn thị thực cho các nước Châu Âu sẽ không có tác động ngay tức thời cho đến giữa năm sau vì hiện tại mọi người hầu như đã có kế hoạch du lịch cho mình trong năm 2015”, Atkinson cho biết.

“Thế nhưng, vấn đề nguy hiểm ở chỗ các cơ quan chức năng có thể vỡ mộng rất nhanh chóng. Họ có thể chỉ nhìn thấy 4 hoặc 5 tháng còn lại của năm 2015 và cho rằng chính sách miễn thị thực không hề có tác động gì cả”.

“Họ cần phải có niềm tin rằng mình đang đi đúng hướng”.

Mai Trâm

Cùng chuyên mục
XEM