AIIB và trật tự kinh tế thế giới mới
AIIB thể hiện nỗ lực gia tăng ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và tham vọng thay đổi trật tự tài chính và ảnh hưởng đến kinh tế thế giới của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, khu vực mà Hoa Kỳ đang có chính sách xoay trục về và Trung Quốc đang muốn có tầm ảnh hưởng lớn hơn.
Nội dung nổi bật:
- AIIB ra đời dưới sự điều phối và ảnh hưởng của Trung Quốc được xem là đối trọng rất lớn của các định chế tài chính và phát triển lâu này như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vốn được xem là chịu sự chi phối của Hoa Kỳ và Nhật Bản.
- Tháng 10/2014, đại diện của 21 quốc gia châu Á đã ký thỏa thuận thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) với sự khởi xướng từ Trung Quốc. Đúng như tên gọi của nó, AIIB được thành lập với mục tiêu thúc đẩy hợp đầu tư tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước kém phát triển ở Châu Á.
AIIB ra đời dưới sự điều phối và ảnh hưởng của Trung Quốc được xem như là một đối trọng rất lớn của các định chế tài chính và phát triển lâu này là Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vốn được xem là chịu sự chi phối của Hoa Kỳ và Nhật Bản.
AIIB thể hiện nỗ lực gia tăng ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu và tham vọng thay đổi trật tự tài chính và ảnh hưởng đến kinh tế thế giới của Trung Quốc, đặc biệt là ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, khu vực mà Hoa Kỳ đang có chính sách xoay trục về và Trung Quốc đang muốn có tầm ảnh hưởng lớn hơn.
Cơ sở hoạt động và nguồn vốn
AIIB lần đầu tiên được đề xuất bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 10 năm 2013 họp tại Indonesia như một phương tiện để thúc đẩy nguồn vốn tài chính và kinh nghiệm trong phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đến các quốc gia châu Á.
Tháng 10 năm 2014 tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh đại diện của 21 quốc gia châu Á đã ký thỏa thuận thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). AIIB đề ra mục tiêu thúc đẩy hợp tác tài chính trong khu vực, đầu tư tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng tại Châu Á.
Trụ sở chính đặt tại Bắc Kinh, AIIB dự kiến chính thức thành lập vào cuối năm 2015, với tổng nguồn vốn pháp định 100 tỉ USD, với 50% đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, quốc gia này đang có kế hoạch tăng vốn pháp định lên cao hơn nữa. Với sự đóng góp từ Trung Quốc, trong tương lai AIIB sẽ đạt hai phần ba kích thước nguồn vốn của Ngân hàng Phát triển Châu Á. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng AIIB sẽ theo quy tắc đa phương đồng thời áp dụng các thông lệ tốt nhất của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á.
Những quốc gia nào đã tham gia AIIB?
Đến thời điểm hiện tại, đã có 47 quốc gia trong đó có Việt Nam bày tỏ mong muốn tham gia AIIB với tư cách thành viên sáng lập. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Italia, Thụy Sĩ, Brasil, Australia, Hàn Quốc và Nga cũng bày tỏ nguyện vọng tham gia vào AIIB. Các quốc gia như Arab Saudi, Oman, Qatar và Ai Cập cũng đã nộp đơn xin gia nhập dự án này. Trong đó, chính sự đồng ý gia nhập AIIB của Anh – vốn là đồng minh lâu đời với Hoa Kỳ – đã chính thức kéo theo sự đồng ý gia nhập của các quốc gia khác như: Đức, Pháp, Ý, Hàn Quốc, Úc…
Tuy nhiên, cho đến ngày 2/4 Phương tiện truyền thông Trung Quốc đã công bố rằng chỉ có 30 trong số 47 ứng viên đã được chấp nhận. Dự kiến, danh sách thành viên chính thức sẽ được công bố vào ngày 15/4 tới.
Trong khi đó, Hoa Kỳ vẫn đang giữ thái độ lưỡng lự đối với việc tham gia vào AIIB. Giải thích cho quan điểm này, phát ngôn viên Nhà trắng Jen Pseki cho biết “mặc dù chính quyền Hoa Kỳ hoan nghênh ý tưởng thành lập AIIB, song Hoa Kỳ cũng kêu gọi AIIB sẽ tuân thủ những nguyên tắc quốc tế về quản lý và minh bạch”. Với Nhật Bản, theo thông tin mới nhất quốc gia này đã quyết định không tham gia AIIB với tư cách thành viên sáng lập vì lý do tránh làm tổn hại quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ.
Tại sao Trung Quốc muốn phát triển AIIB?
Theo dự toán của ADB, tổng mức đầu tư cơ sở hạ tầng cần thiết trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương từ năm 2010 đến năm 2020 là khoảng 8 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, ADB chỉ có số vốn 160 tỉ USD và WB có 223 tỉ USD cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong nguồn vốn. Theo Oxford Economics vào năm 2025, khu vực Châu Á Thái Bình Dương sẽ chiếm 60% đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu, với thị phần của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ khoảng 22% đến 36% trong thập kỷ tới.
Vì vậy, Trung Quốc tin rằng AIIB sẽ là dự án tốt để triển khai khối lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của quốc gia này ước tính lên tới 4.000 tỉ USD, đồng thời hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào việc mua trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, AIIB cũng hỗ trợ tham vọng của Trung Quốc về chiến lược “vành đai tơ lụa về kinh tế”.
ANZ đã chỉ ra rằng "bằng cách xuất khẩu công nghệ, chuyển giao kinh nghiệm phát triển và tạo điều kiện sử dụng tài chính dài hạn của Trung Quốc đến các nền kinh tế kém phát triển, Trung Quốc sẽ không chỉ tìm thấy một thị trường lớn hơn, thúc đẩy sự thịnh vượng của các quốc gia dọc theo đường vành đai mà còn đa dạng hóa danh mục đầu tư nước ngoài của mình. "
TS. Malcolm Jorgensen tại Viện Lowy đánh giá rằng với việc thành lập, có sự chi phối, và ảnh hưởng rất lớn đến AIIB, Trung Quốc đang thực sự thách thức thế lực của Hoa Kỳ trên trường quốc tế với vai trò dẫn dắt các quốc gia khác theo một trật tự-dựa-trên-các-luật-định (rules-based-order) đã được thiết lập lâu dài kể từ sau Thế chiến Thứ Hai và Nghị định thư Bretton Woods.
Sau Thế chiến thứ Hai, Hoa Kỳ và các đồng minh của mình đã thành lập các định chế tài chính và phát triển lớn và sử dụng trật tự-dựa-trên-các-luật-định để ảnh hưởng đến kinh tế thế giới. Vai trò ảnh hưởng của Trung Quốc trong các định chế này là cực kỳ nhỏ.
Cụ thể, đối với các định chế tài chính lâu đời như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) hay Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), trong khi Hoa Kỳ và Nhật Bản chiếm hạn ngạch lớn và có quyền phủ quyết thì Trung Quốc – mặc dù là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới từ năm 2010 – lại chiếm một tỷ trọng khá nhỏ bé. Hoa Kỳ chiếm 13% hạn ngạch của IMF, 12,7% quyền bỏ phiếu của Ngân hàng Phát triển Châu Á cùng với 12,8% của Nhật Bản trong khi đó Trung Quốc chỉ chiếm 5,7% quyền bỏ phiếu tại đây.
Như vậy, với việc thành lập AIIB, Trung Quốc muốn khẳng định với thế giới rằng sử dụng trật tự-dựa-trên-các-luật-định để thiết lập các mối quan hệ kinh tế quốc tế không còn là quyền độc tôn của Hoa Kỳ nữa. Thay vào đó Trung Quốc đang cho thấy quốc gia này muốn thiết lập trật tự kinh tế thế giới theo cách của riêng mình, đặc biệt là ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Trật tự kinh tế mới đang dần hình thành?
Sự lớn mạnh của Trung Quốc và sự ra đời của AIIB dường như đã tác động lớn các mối quan hệ kinh tế quốc tế vốn đã được duy trì lâu nay. Một trật tự kinh tế đa cực đang dần hình thành và dường như vị trí độc tôn của Hoa Kỳ trong việc dẫn dắt các quốc gia khác đang dần bị lung lay?
Đầu tiên nhiều chuyên gia phân tích tại Viện Brookings cho rằng AIIB đã cho thấy một phương Tây bị chia rẽ nghiêm trọng khi mà nhiều đồng mình lâu năm của Hoa Kỳ như Anh, Đức, Pháp, Canada, Úc…đã “khước từ” thông điệp ngoại giao nhằm ngăn cản AIIB ra đời. Đây được xem là một thất bại ngoại giao rất lớn của Hoa Kỳ, và cũng đồng thời cho thấy sự ảnh hưởng và vai trò chi phối của Hoa Kỳ với các quốc gia vốn được xem là đồng minh đang giảm đi rõ rệt. Dường như đối với các quốc gia phương Tây đã gia nhập AIIB thì lúc này lợi ích quốc gia và chiến lược phát triển mới quan trọng nhất, hơn cả tác động từ phía Hoa Kỳ.
Khu vực châu Á Thái Bình Dương, nơi mà AIIB đang đặt trong tâm gây ảnh hưởng đến sự phát triển trong giai đoạn ban đầu khi mới hoạt động, đang càng ngày nhận được sự quan tâm lớn của các nước phương Tây bởi quy mô lớn các hoạt động kinh tế và ngoại thương đang diễn ra ở đây. Do vậy, duy trì sự ảnh hưởng ở khu vực này sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các quốc gia này. Về mặt lý tính, các quốc gia sẽ tham gia AIIB vì lợi ích của chính họ. Đây chính là lợi thế để Trung Quốc có thể tạo ra nhiều “đồng minh” mới cho mình và tạo nên một trật tự kinh tế mới trên thế giới.
Tác động của AIIB đến kinh tế Việt Nam?
Việt Nam đã quyết định tham gia AIIB. AIIB với mục tiêu là hỗ trợ tài chính nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng phát triển cho các quốc gia đang phát triển ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Vì vậy, sự ra đời của AIIB sẽ có những tác động nhất định đến kinh tế Việt Nam.
Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn công nghiệp hoá và chuyển đổi nền kinh tế theo hướng ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trong bối cảnh này, nhu cầu vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam là rất lớn. Lâu nay Việt Nam nhận sự viện trợ từ Ngân hàng Thế giới, ADB, hay chính phủ các nước khác cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, vốn đầu tư như vậy chưa bao giờ là đủ ở một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, đặc biệt trong thời gian tới. Do vậy, AIIB được xem là một đối tác mới quan trọng có thể hỗ trợ sự phát triển cơ sở hạ tầng cho Việt Nam.
Việt Nam có một ví trí địa-kinh tế-chính trị cực kỳ quan trọng ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Do vậy, rất nhiều quốc gia, và các tổ chức, định chế quốc tế muốn đầu tư ở Việt Nam nhằm tìm kiếm lợi ích kinh tế, thương mại và duy trì sự ảnh hưởng. Đây là một điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn cho phát triển. Tuy nhiên, cũng có những thách thức mà chúng ta phải quan tâm và có những chính sách hợp lý trong việc duy trì mối quan hệ các nền kinh tế khác, đặc biệt là các nước có quy mô lớn nhằm đem lại lợi ích lớn nhất cho Việt Nam.
>> Trung Quốc tăng sức ảnh hưởng ở Thái Bình Dương bằng viện trợ
Phương Huỳnh