9 tháng, người Việt xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng nào nhiều nhất?
Sau 9 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 109,6 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 107,1 tỷ; thặng dư thương mại đạt 2,5 tỷ USD; bằng 2,3% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước tháng 9/2014 ước đạt 12,4 tỷ USD, giảm 6,6% so với tháng trước do lượng tờ khai xuất khẩu hải quan bị ảnh hưởng vào những ngày nghỉ lễ đầu tháng và do xuất khẩu được đẩy mạnh trong những ngày cuối tháng 8.
Tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 109,6 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực FDI đạt gần 73 tỷ USD; tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước và đóng góp hơn 66,6% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Sau 9 tháng, cả nước có khoảng hơn 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, điện thoại các loại, linh kiện và hàng dệt may vẫn duy trì vị trí dẫn đầu. Điện thoại các loại và linh kiện đạt giá trị xuất khẩu 17,08 tỷ USD; tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may đạt 15,5 tỷ USD; tăng 18,9% so với cùng kỳ. Chỉ riêng hai mặt hàng này đã đóng góp gần 30% vào tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước 9 tháng năm 2014.
Theo sau hai mặt hàng chủ lực, hàng giày dép đạt giá trị xuất khẩu gần 7,5 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu các mặt hàng khác cũng đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản: thủy sản đạt 5,7 tỷ USD, tăng 23%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,4 tỷ USD, tăng 14,4%; cà phê đạt 2,8 tỷ USD, tăng 29,2%; hạt điều đạt 1,5 tỷ USD, tăng 23,6%; rau quả đạt 1,1 tỷ USD, tăng 42,7%; hạt tiêu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 43%.
Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 9/2014 ước đạt 13 tỷ USD; tăng 6,6% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 107,1 tỷ USD; tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 46,9 tỷ USD; tăng 12,8%; khu vực FDI đạt 60,3 tỷ USD; tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đặt biệt, trong 9 tháng vừa qua, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng đạt 16,2 tỷ USD, tăng 21,2%; vải đạt 6,9 tỷ USD, tăng 15,1%; xăng dầu đạt 6,2 tỷ USD, tăng 20,1%; chất dẻo đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12,9%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 3,5 tỷ USD, tăng 25,3%; … Hầu hết là các sản phẩm thuộc nhóm nguyên phụ liệu phục vụ cho các ngành sản xuất, chế biến chế tạo.
Một số ít mặt hàng có giá trị nhập khẩu giảm như phương tiện vận tải và phụ tùng (giảm 51,1%); phân bón (giảm 29,1%); xe máy và linh kiện phụ tùng (giảm 17,4%); cao su (giảm 6,3) … Tuy nhiên, trong nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu, giá trị nhập khẩu của nhóm ô tô 9 tháng vừa qua vẫn tăng khá cao; đạt 2,4 tỷ USD; tăng 45,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó ô tô nguyên chiếc đạt 938 triệu USD, tăng 90,2%.
>> TS Nguyễn Minh Phong: Cách hạn chế nhập siêu từ Trung Quốc
Nguyệt Quế