3 rủi ro sau có thể khiến lạm phát 2016 tăng gấp 10 lần

18/01/2016 10:38 AM |

BVSC cho rằng diễn biến lạm phát 2016 sẽ khó duy trì ở mức thấp như trong 2 năm vừa qua và cần được theo dõi sát do có một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn.

Lạm phát bình quân năm 2015 chỉ tăng ở mức 0,63%, mức tăng thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng trưởng khá (8,1%), giải ngân vốn FDI tăng tốt (17,4%), tăng trưởng tín dụng vượt mục tiêu (đạt 17%).

Mức lạm phát cực thấp trên sẽ khó duy trì trong năm 2016.

Dựa trên những phân tích định tính, kết hợp với kết quả của mô hình định lượng dựa trên một số yếu tố dự báo về giá cả hàng hóa thế giới (theo IMF) và tăng trưởng cung tiền 18-20% cho năm sau, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra dự báo lạm phát của năm 2016 sẽ dao động từ 3 - 5%.

Ở kịch bản tiêu cực, lạm phát có thể ở mức 6 - 7%.

“Chúng tôi cho rằng diễn biến lạm phát năm 2016 sẽ khó duy trì ở mức thấp như trong 2 năm vừa qua và cần được theo dõi sát do có một số yếu tố rủi ro tiềm ẩn”, Báo cáo chiến lược về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016 do BVSC mới công bố cho biết.


Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Theo BVSC, 3 yếu tố rủi ro tiềm ẩn đối với lạm phát gồm:

Một là, mặt bằng so sánh giá cả năm 2015 ở mức rất thấp trong lịch sử sau một nhịp giảm sâu. Do đó trong năm 2016, giá cả hàng hóa chỉ cần tăng nhẹ trở lại cũng có thể khiến CPI tăng đáng kể.

Thêm vào đó, diễn biến của chỉ số El Nino (đo lường mức độ biến động các hiện tượng thời tiết bất thường của quy luật El Nino hàng năm) cho thấy hiện tượng này đang quay lại mức đỉnh điểm của năm 1997 và có thể còn tiếp tục gia tăng cường độ trong năm 2016, đồng thời đạt mức kỷ lục từ khi theo dõi.

Khí hậu bất thường có thể ảnh hưởng tới giá điện và đặc biệt là nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp trong năm 2016.

Hai là, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ được hơn 1 năm qua, qua đó tạo ra mặt bằng lãi suất tiền gửi khá thấp (thấp nhất trong 10 năm trở lại đây).

Ảnh hưởng có độ trễ của chính sách nới lỏng cung tiền, mặc dù không quá lớn như trong các giai đoạn trước năm 2011 nhưng cũng có thể góp phần làm cho lạm phát 2016 tăng trở lại so với năm 2015.

Ba là, tăng trưởng GDP tiếp tục được cải thiện, giúp cho thu nhập của hộ gia đình tăng lên, tác động tới kênh truyền dẫn là cầu tiêu dùng tăng, và góp phần làm giá cả hàng hóa tăng trở lại.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM