Lạm phát tăng thấp nhất trong 14 năm qua
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 0,58% - mức tăng thấp nhất trong vòng 14 năm qua. Lạm phát vì vậy cũng duy trì ở mức rất thấp.
Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2015. Theo đó, CPI tháng 11/2015 đã tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 0,34 so với cùng kỳ năm 2014.
Như vậy, tính từ đầu năm 2015, CPI mới chỉ tăng 0,58%, mức tăng này thấp nhất trong vòng 14 năm qua.
Mức tăng nhẹ này là do giá nhóm hàng vật liệu xây dựng và nhà ở tăng được bù đắp mới mức giảm của nhóm giao thông.
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng 1 năm qua
Cụ thể, ở nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện nước và chất đốt tăng mạnh nhất trong tháng, ở mức 0,32% so với tháng trước. Chỉ số gia nhóm này tăng là nhờ vào tác động của việc tăng giá gas bán lẻ từ ngày 1/11 cũng như việc tăng giá nước sinh hoạt ở một số địa phương trong cả nước.
Trong khi đó, CPI tháng 11 tăng nhẹ nhờ một phần giảm của nhóm giao thông ở mức giảm 0,38% so với tháng trước do tác động chính từ việc giảm giá xăng dầu vào các ngày 19/10 và 3/11 vừa qua.
Bên cạnh đó, các nhóm khác có biến động gần như không đáng kể. Các nhóm hàng có mức tăng thấp như: thiết bị và đồ dùng gia đình (0,19%), đồ uống và thuốc lá (0,16%), may mặc, mũ nón, giày dép (0,14%).
Lạm phát cơ bản (loại trừ giá lương thực, thực phẩm, năng lượng, dịch vụ y tế, giáo dục) trong tháng 11 tăng 0,05% so với tháng trước và tăng 1,72% so với cùng kỳ năm 2014. Bình quân 11 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,08% so với cùng kỳ.
Việc lạm phát tăng rất thấp được Chính phủ đánh giá cao sau giai đoạn lạm phát tăng phi mã - có những lúc tăng gần 20% trong các năm trước. Tuy nhiên, việc lạm phát giảm quá sâu như hiện nay cũng khiến nhiều người lo ngại. Đó là sự xuất hiện của "người anh em" giảm phát.
Trên một số phương diện, giảm phát có thể gây ra những tác động tiêu cực hơn cả lạm phát, khi khiến nền kinh tế không thể phát triển (Trong khi đó, lạm phát cao thì vẫn có thể giúp tăng trưởng kinh tế nhanh hơn).