Thị trường thế giới điên đảo vì virus Vũ Hán

28/01/2020 21:32 PM | Xã hội

Thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản đã chứng kiến đợt giảm điểm hôm 28-1 và tình trạng bán tháo cổ phiếu tiếp tục diễn ra trên toàn cầu khi số ca nhiễm và tử vong do virus corona không ngừng tăng.

Chỉ số KOSPI của Hàn Quốc đã giảm 3,1% trong ngày đầu tiên giao dịch sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,6%.

Ông Stephen Innes, chiến lược gia trưởng về thị trường tại AxiTrader, hôm 28-1 cho rằng: "Thị trường nhận thấy mức độ lây nhiễm virus có thể tồi tệ hơn trước khi tình hình trở nên tốt hơn".

 Thị trường thế giới điên đảo vì virus Vũ Hán  - Ảnh 1.

Chứng khoán thị trường châu Á sụt giảm khi Trung Quốc siết chặt biện pháp phòng chống virus corona. Ảnh: AP

Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao về châu Á - Thái Bình Dương tại Công ty Oanda (Mỹ), nhận định sự tăng trưởng kinh tế ở châu Á nằm trong "vùng nhạy cảm" khi Trung Quốc vẫn đang chống chọi với virus corona (2019-nCoV).

Trong khi đó, Mỹ chứng kiến đợt giảm điểm mạnh sau khi kết thúc phiên giao dịch hôm 27-1. Chỉ số Dow Jones giảm 454 điểm, tương đương 1,6%, đây là mức giảm một ngày tồi tệ nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Chỉ số S&P 500 (SPX) và Nasdaq Composite (COMP) lần lượt sụt giảm 1,6% và 1,9%, đây cũng là những mức giảm thấp nhất trong nhiều tháng qua.

Thị trường châu Âu cũng phủ "sắc đỏ" hôm 27-1. Chỉ số FTSE 100 (UKX) của Anh giảm 2,3% trong khi DAX của Đức sụt giảm 2,7%.

Tại Trung Quốc, nền kinh tế sa sút của nước này tiếp tục bị ảnh hưởng khi nhiều doanh nghiệp vẫn đóng cửa do kỳ nghỉ lễ bị kéo dài, du lịch đình trệ trong bối cảnh cơ quan chức năng nỗ lực ngăn chặn virus corona lan rộng trên toàn quốc.

Các nhà phân tích nhận định biện pháp chống virus corona sẽ ảnh hưởng đến kết quả kinh tế trong quý 1/2020 và có khả năng tác động kéo dài.

Một cựu cố vấn của chính phủ Trung Quốc kêu gọi thực hiện các biện pháp như giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để kích thích nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc Huang Yiping, cựu cố vấn của ủy ban chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương Trung Quốc, cho hay khi kế hoạch kiểm soát sự lây lan virus corona là ưu tiên hàng đầu, nhu cầu về dịch vụ sẽ giảm và hoạt động sản xuất, đầu tư cũng như xuất khẩu sẽ gián đoạn.

Những yếu tố này có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp và khiến môi trường tài chính xấu đi.

Theo Xuân Mai

Cùng chuyên mục
XEM