Thị trường gọi xe có thêm người chơi mới do Trung Quốc chống lưng

06/09/2017 11:32 AM | Kinh doanh

Uber đang phải đối mặt với công ty mới được Trung Quốc chống lưng, hứa hẹn cung cấp các chuyến đi giá rẻ hơn tại Luân Đôn (Anh).

Hôm 5/9, Taxify ra mắt ứng dụng gọi xe tại Luân Đôn (Anh), giá rẻ hơn một nửa và cam kết không tăng giá giờ cao điểm cho đến hết tháng. Ngay cả sau khi thời hạn này kết thúc, Taxify vẫn rẻ hơn Uber 10%, theo CEO Markus Villig. Ông cho biết họ có lợi thế của người đi sau vì không phải nỗ lực để kiến thiết thị trường mà thay vào đó chỉ cần thâm nhập, hiệu quả hơn, gọn nhẹ hơn và lấy lãi ít hơn.

Taxify trình làng tại thủ đô nước Anh trong bối cảnh Uber đang chật vật phục hồi từ hàng loạt bê bối khiến cựu CEO Travis Kalanick phải nghỉ việc. Dường như ứng dụng thu hút được khá nhiều sự chú ý vì nó lọt vào danh sách phổ biến trên App Store của Apple tại Anh cùng ngày. Dù vậy, ngay cả khi Taxify tuyên bố có “hàng ngàn tài xế đăng ký” trước khi khởi động, dịch vụ của họ vẫn chậm trễ hơn Uber tại một số khu vực trung tâm Luân Đôn và buộc hành khách chờ lâu hơn.

Người phát ngôn công ty khẳng định ở giai đoạn đầu, đây là hiện tượng bình thường. Về dài hạn, họ sẽ giúp khách hàng có thời gian chờ xe ngắn nhất. Thời gian chờ xe đặc biệt cạnh tranh tại vài điểm, chẳng hạn nhà hát Royal Opera House.

Taxify xuất hiện khi thị trường đã quá đông đúc. Những ứng dụng khác như Gett và MyTaxi đang phải đối đầu với nhiều hãng taxi truyền thống để hoạt động. Hãng bắt đầu hoạt động tại Estonia năm 2013 và tính hoa hồng từ tài xế thấp hơn Uber cũng như các đối thủ khác để khách hàng được đi rẻ hơn.

Taxify hiện có hơn 2,5 triệu khách hàng tại 19 nước châu Âu, Trung Mỹ và châu Phi. Hãng dự định ra mắt tại Paris trước cuối năm 2017. Ông Villig tiết lộ công ty có lãi trong 12 tháng qua. Ngoài ra, ông cũng có những bạn bè quyền lực, trong đó phải kể đến Didi Chuxing, ứng dụng gọi xe hàng đầu Trung Quốc, đã đánh bại Uber. Tháng trước, Didi Chuxing nói sẽ đầu tư vào Taxify và giúp ứng dụng phát triển.

Đây chỉ là một trong vài quan hệ hợp tác mà Didi thiết lập với đối thủ Uber trên toàn cầu bất chấp giữa Didi và Uber vẫn có liên quan về tài chính. Didi đã mua lại mảng kinh doanh của Uber tại Trung Quốc, đổi lại Uber có 18% cổ phần trong Didi và Didi có cổ phần trong Uber.

Trước sự có mặt của đối thủ mới, Uber cho biết hàng triệu người dân Luân Đôn đang dùng dịch vụ của họ và thời gian chờ xe trung bình chưa tới 3 phút. Người phát ngôn công ty nhận xét cạnh tranh là một điều tốt vì nó giúp cải thiện chất lượng dịch vụ.

Theo Du Lam

Cùng chuyên mục
XEM