Thị trường dệt may quý 4 lao dốc, Vinatex vẫn ước tính lãi trên 1.000 tỷ trong năm 2022

22/12/2022 16:55 PM | Kinh doanh

Dù đã đưa ra các dự báo sớm về những khó khăn sẽ tới trong nửa cuối của năm, nhưng tất cả các doanh nghiệp thành viên của Vinatex vẫn bị bất ngờ do thị trường lao dốc theo chiều thẳng đứng.

Thị trường dệt may quý 4 lao dốc, Vinatex vẫn ước tính lãi trên 1.000 tỷ trong năm 2022 - Ảnh 1.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex - mã CK: VGT) vừa tổ chức họp báo công bố kết quả SXKD của Vinatex năm 2022. Theo đó, ước tính đạt mức doanh thu hợp nhất đạt 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch.

Trong khi đó, trong 9 tháng năm 2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn đã đạt 1.186 tỷ đồng.

Vinatex cho biết, từ tháng 8, thị trường có dấu hiệu xấu và từ tháng 9, thị trường dệt may đổi chiều đi xuống. Trong những tháng đầu quý 4, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi thị trường sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh, thông tin báo lỗ từ các đơn vị liên tục được đưa về, đặc biệt là các đơn vị sợi. Điều này phần nào khiến kết quả hoạt động của 1 số đơn vị trong Tập đoàn chững lại.

Dù ngay từ những tháng đầu năm, Tập đoàn đã đưa ra các dự báo sớm về những khó khăn sẽ tới trong nửa cuối của năm, nhưng trước những tình huống khó lường xảy ra, cùng với sự đảo chiều nhanh chóng của thị trường, tất cả các doanh nghiệp thành viên của Vinatex vẫn bị bất ngờ do thị trường lao dốc theo chiều thẳng đứng.

Vinatex cho biết do ngành dệt may Việt Nam chủ yếu là xuất khẩu nên bị ảnh hưởng lớn bởi tổng cầu của thế giới. Trong khi đó, tổng cầu của thế giới lại phụ thuộc vào sự tăng trưởng kinh tế, lạm phát, việc làm, thu nhập của người dân tại các quốc gia. Bức tranh thế giới năm 2022 với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua là những con số chưa bao giờ xảy ra. Với mức độ lạm phát cao, người dân sẽ thắt chặt chi tiêu, giảm sức mua đối với các mặt hàng không thiết yếu trong đó có dệt may.

Dệt may là ngành phản ứng khá nhạy với diễn biến kinh tế vĩ mô toàn cầu, lạm phát tại Mỹ và EU đều lên mức cao nhất 4 thập kỷ, lần lượt ở mức 8% và 10%, lãi suất tại các quốc gia, khu vực này vì thế đều tăng nhanh và mạnh để kiềm chế lạm phát, đổi lại tăng trưởng GDP suy giảm, quy mô nền kinh tế thu hẹp, giảm việc làm và thu nhập, qua đó gián tiếp tác động đến chi tiêu hàng tiêu dùng trong đó có hàng dệt may.

Trong bối cảnh khó khăn đó, xuất khẩu của ngành Dệt May Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 vẫn đạt trên 41 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ 2021. Với kết quả này, Hiệp hội Dệt May Việt Nam dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2022 của ngành Dệt May Việt Nam ước đạt 44 – 44,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021.

Tình hình kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo không mấy tích cực khi IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 2,7%, giảm 0,2% so với báo cáo hồi tháng 7, đồng thời báo cáo cũng cho rằng “những điều tồi tệ nhất còn chưa diễn ra, thế giới có thể đối mặt với suy thoái nghiêm trọng".

Cùng với đó, IMF dự báo lạm phát toàn cầu và lập định vào cuối năm 2022 ở mức 8.8%, tuy nhiên, chỉ số này sẽ vẫn còn neo cao ở mức 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2021. Trong bối cảnh đó, thị trường dệt may toàn cầu, theo tất cả các kịch bản, đều có tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn nhiều những năm qua.

Theo Huyền Trang

Cùng chuyên mục
XEM