Thị trường dạy thêm từ mẫu giáo lên tới đại học trị giá 120 tỷ USD của Trung Quốc
Hiện tại, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đều tin rằng việc bắt đầu cho con học thêm ngoài giờ sớm hơn những người khác là chìa khoá thành công quan trọng sau này.
Gần 10 triệu học sinh Trung Quốc vừa bước vào kỳ thi đại học điễn ra từ ngày hôm qua.
Gaokao là tên địa phương dùng để chỉ kỳ thi vào đại học tại Trung Quốc. Dù là kỳ thi tuyển sinh trực tiếp vào đại học nhưng ở một mức độ nào đó đây giống như kỳ thi xem những sĩ tử sau này sẽ trở thành lao động chân tay hay công nhân viên chức.
"Mặc dù ở Trung Quốc một người làm nghề giao hàng có thể kiếm được 8.000 NDT đến 10.000 NDT mỗi tháng (1.250 - 1.565 USD) còn những nhân viên văn phòng chỉ kiếm được từ 3.000 NDT - 5.000 NDT (470 - 780 USD) nhưng những phụ huynh vẫn luôn mong ước con họ sau này thoát kiếp lao động chân tay", Bangxin Zhang - đồng sáng lập kiêm CEO TAL Education nói.
TAL là một công ty có trụ sở ở Bắc Kinh, đơn vị cung cấp dịch vụ gia sư lớn nhất Trung Quốc, các trung tâm dạy học của họ được mở tại 36 thành phố trên khắp Trung Quốc với gần 4 triệu học sinh theo học trực tiếp và 35 triệu người đăng ký học trực tuyến. Với vốn hoá thị trường gần 22 tỷ USD, cổ phiếu công ty này đã tăng hơn 50% so với năm trước.
Hiện tại, các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đều tin rằng việc bắt đầu cho con học thêm ngoài giờ sớm hơn những người khác là chìa khoá thành công quan trọng sau này. Điều đó đặc biệt đúng với cha của cậu bé 8 tuổi Mingzhe Ma.
10 năm tới, Ma - một học sinh cấp 2 tại Bắc Kinh sẽ phải thi đại học. Vì vậy từ bây giờ, cậu bé đã phải ôn luyện và dành thời gian học ngoài giờ không kém bất kỳ học sinh cấp 3 nào.
Mỗi tuần, Ma lại dành 4 giờ để luyện piano, 4 giờ để tập cầu lông, 2 giờ để học tiếng Anh và ít nhất 6 giờ để luyện toán và một số môn khác tại TAL.
"Con trai tôi bắt đầu học tại TAL kể từ lớp 1. Ít nhất cũng phải nửa lớp của nó tham gia những lớp học như vậy, nhiều đứa còn học từ 1 - 2 năm trước khi vào cấp 1".
Hầu hết các lớp học thêm có chương trình giống hệt ở các trường học công lập ngoại trừ việc họ đặt mục tiêu để học viên trong lớp học vượt ít nhất là nửa năm so với những bạn cùng trang lứa.
"Áp lực việc thua kém bạn bè khiến các bậc phụ huỵnh lo lắng về việc con cái họ bị tụt lại phía sau".
Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người mẹ quyết định rời khỏi Trung Quốc.
"Nếu cuộc sống là một cuộc đua marathon thì người Trung Quốc luôn cố gắng giành chiến thắng ngay ở điểm xuất phát. Chúng tôi buộc phải rời đi vì áp lực trường học", Malanie - 45 tuổi - người đã đến Hong Kong với cô con gái 14 tuổi của mình vào năm ngoái.
Điều đáng nói là không chỉ học sinh phải chịu áp lực học hành. Giá cả và số lượng giáo viên uy tín hạn chế càng khiến các bậc cha mẹ rơi vào cuộc chiến không đáng có.
"Nó giống như thị trường bất động sản vậy - nhu cầu không bao giờ hết khi giá tiếp tục tăng. Với các lớp học thêm, dù không hề rẻ với nhiều người nhưng giá chưa bao giờ là mối quan tâm hàng đầu với nhiều phụ huynh. Nếu trung tâm nào giá quá rẻ, chúng còn bị nghi ngờ về chất lượng giảng dạy".
Việc tăng chi tiêu cho mảng giáo dục tại Trung Quốc đã tạo nên ngành công nghiệp dạy thêm trị giá 120 tỷ USD với 93% các bậc phụ huynh gửi con họ tới những trung tâm dạy kèm theo báo cáo của HSBC vào năm 2017.
Với nhu cầu lớn như vậy, nguồn cung trở thành một thách thức lớn.
"Là phụ huynh thì ai cũng đều muốn lớp học mà con mình theo có giáo viên tốt nhất. Tôi từng phải đặt lịch dậy từ 3 giờ sáng và sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để đăng ký lớp học có giáo viên tốt cho con. Việc này rất khó khăn", Shi chia sẻ.
Nhưng, những nỗ lực của Shi đã được đền đáp. Cô nói rằng lớp học tại TAL có hiệu quả, và con gái cô đã vươn lên xếp thứ 7 từ mức 47 trong số 170 học sinh trong trường chỉ sau vài tháng. Tuy nhiên, áp lực nặng nề với cả con và chính bản thân khiến Shi đang suy nghĩ lại về tương lai của cô con gái.
"Tôi cảm thấy rất buồn khi chứng kiến ngay cả những đứa trẻ học mẫu giáo cũng phải ngồi trong lớp dạy thêm. Tôi muốn con gái mình dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Khi lớn hơn một chút, bản thân tôi cũng không thể dành nhiều thời gian cho nó".