Thị trường bán tranh hàng trăm triệu USD và những bí ẩn sau đó
Điều gì khiến ai đó mua tác phẩm Salvator Mundi của Leonardo da Vinci với giá 450 triệu USD? Bạn có thể nghĩ đó là một khoản đầu tư, khi trước đó nó chỉ được bán với giá 10.000 USD vào năm 2005.
Từ góc độ kinh tế, nghệ thuật có thể là một khoản đầu tư. Dù các nghiên cứu chỉ ra rằng đầu tư vào nghệ thuật cho những kết quả khác nhau. Nghệ thuật cũng đem lại những lợi ích tâm lý. Đó là thứ gì đó có thể thưởng thức, trải nghiệm hoặc phô trương, và điều này có thể là lý do quan trọng cho cái giá rất cao dành cho Salvator Mundi.
Nghệ thuật như một khoản đầu tư
Hiệu quả đầu tư vào nghệ thuật cũng rất khác nhau, phụ thuộc vào một số yếu tố. Ví dụ, tác phẩm nghệ thuật gắn liền với những phong trào hiện đại sẽ vượt trội hơn các tác phẩm theo trường phái nghệ thuật khác.
Nghệ thuật đương đại hiện đang vượt trội so với trường phái ấn tượng. Nhu cầu mạnh mẽ cho các tác phẩm đương đại cùng với nguồn cung hạn chế đã dẫn đến việc một số nghệ trước đây không được để ý tới như Keith Haring đang được các nhà sưu tầm đón nhận. Tuy nhiên, thường thì các tác phẩm của các họa sĩ hàng đầu được săn đón nhiệt tình nhất.
Phân tích gần đây chỉ ra rằng 25 họa sĩ hàng đầu (bao gồm Jean-Michel Basquiat, Andy Warhol và Gerhard Richter) chiếm 1,2 tỷ USD trong tổng số 2,7 tỷ USD thu được từ các tác phẩm nghệ thuật đương đại trong các buổi bán đấu giá nghệ thuật toàn cầu vào năm ngoái.
Các nghiên cứu học thuật về đầu tư vào nghệ thuật cho những kết quả khác nhau. Ví dụ, nghiên cứu về thị trường nghệ thuật ở Canada cho thấy lợi nhuận thấp hơn đầu tư vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nghiên cứu này xác định những lợi ích khác mà đầu tư vào nghệ thuật đem lại, bao gồm đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Tuy nhiên nghiên cứu dựa trên 35.000 bức tranh bởi những họa sĩ Úc hàng đầu cho thấy lợi nhuận tài chính chúng đem lại trung bình từ 4 – 15%. Lợi nhuận từ các họa sĩ Úc như Brett Whiteley và Jeffrey Smart thậm chí còn vượt qua lợi nhuận của thị trường chứng khoán. Nghiên cứu này cũng cho thấy các bức tranh sơn dầu và màu nước cũng như các tác phẩm được bán bởi một số nhà đấu giá nhất định sẽ được bán với giá cao hơn.
Các ‘kiệt tác’ như những tác phẩm của Leonardo da Vinci thực tế lại đem lại lợi nhuận ít hơn so với mức trung bình của thị trường nghệ thuật nói chung.
Tuy nhiên, vì nghệ thuật đem lại các lợi ích thông qua tiêu dùng như danh tiếng, trang trí…, nó khác với việc mua cổ phiếu và trái phiếu. Lợi nhuận có thể thấp hơn, nhưng nghệ thuật vẫn hấp dẫn đầu tư.
Thị trường nghệ thuật Úc phản ứng những gì đã diễn ra trong thị trường toàn cầu của nghệ thuật đương đại. Ví dụ, 5 tác phẩm của các họa sĩ Úc được bán với giá cao nhất trong năm 2017 chiếm gần 10% tổng giá trị của tất cả các tác phẩm đã được bán ra.
Tác phẩm Earth Creation 1 của cố họa sĩ người Úc Emily Kame Kngwarreye, dù không thu hút được sự chú ý như tác phẩm của Leonardo, cũng được bán với giá 2,1 triệu AUD gần gấp đôi giá của nó một thập kỷ trước.
Nghệ thuật phục vụ nhu cầu tiêu dùng
Sự thỏa mãn về mặt thẩm mỹ của nghệ thuật, một cảm giác được thách thức hoặc gợi cảm hứng, mang tính chủ quan và rất khó để đo lường. Nhưng điều đó không có nghĩa là tiêu thụ các tác phẩm nghệ thuật không làm tăng giá trị của chúng.
Các nhà kinh tế học sử dụng thuật ngữ ‘lợi nhuận tâm lý’ hoặc ‘lợi ích tâm ý’ để miêu tả những lợi ích của việc tiêu thụ nghệ thuật. Chúng được chia làm 3 loại chính.
Một trong số đó là sự thỏa mãn khi ủng hộ cho các tác phẩm nghệ thuật và những người họa sĩ. Động lực này đặc biệt quan trọng với những người quyên góp các bộ sư tập của mình cho bảo tàng ủng hộ các tác phẩm nghệ thuật, tuy nhiên nó lại không trực tiếp liên quan đến giá của các tác phẩm được đem đấu giá.
Thêm vào đó, lợi ích tâm lý còn đến từ các lợi ích trang trí của các tác phẩm nghệ thuật nhằm tạo điểm nhấn cho không gian. Lợi ích này gần nhất với ý tưởng ban đầu của họa sĩ khi sáng tạo ra những tác phẩm này.
Loại lợi ích tâm lý cuối cùng liên quan đến danh tiếng có được từ việc sở hữu tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt khi nó được sử dụng để thể hiện khiếu thẩm mỹ tốt, sự giàu có và quyền lực. Ví dụ, các lối vào và tiền sảnh của các văn phòng thường trưng bày các tác phẩm đương đại lớn và nổi bật.
Các nhà kinh tế học gọi hiện tượng đó là “tiêu dùng phô trương”. Khi mọi người trở nên giàu có, nhu cầu cho nghệ thuật cao cấp của họ cũng tăng lên. Tất nhiên, các tác phẩm nghệ thuật có truyền thống lâu đời sẽ được sử dụng như một tuyên bố quyền lực.
Tóm lại, những yếu tố thúc đẩy thị trường nghệ thuật, đặc biệt đối với giới thượng lưu, là sự kết hợp của đầu tư và tiêu dùng, cũng như nguồn cung hạn chế. Ngoài ra, các phân tích bán hàng cho thấy các chiến dịch thị trường của nhà đấu giá cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy giá của các tác phẩm mỹ thuật.