Thị trấn không có gì ngoài ‘điều kiện’: Cư dân lái máy bay đi ăn sáng, hầu như nhà nào cũng có bãi đỗ trước cửa
Một người chia sẻ: "Ở đây, bạn không cần xem dự báo hay bước ra ngoài mới biết thời tiết thế nào vì khi nghe tiếng máy bay, bạn sẽ biết ngay đó là một ngày đẹp trời".
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, thị trấn Spruce Creek ở Florida (Mỹ) là một căn cứ quân sự còn hiện nay, nó đã trở thành một cộng đồng dân cư độc đáo: Nơi sinh sống của 5.000 người dân với 1.300 ngôi nhà nhưng lại có tới 700 nhà chứa máy bay và bãi đỗ riêng trước mỗi căn nhà.
Ở Spruce Creek, phương tiện di chuyển chính không phải ô tô mà là máy bay. Nơi này được coi là sân bay dân dụng lớn nhất thế giới. Khoảng một nửa dân số của thị trấn này sở hữu máy bay, từ máy bay phản lực tư nhân đến những chiếc máy bay cổ có từ năm 1940.
Một truyền thống thú vị ở Spruce Creek là mỗi sáng thứ 7, các gia đình sẽ tập trung tại đường băng, cất cánh theo nhóm 3 người và bay tới một trong những sân bay địa phương để ăn sáng. Họ gọi đây là "Saturday Morning Gaggle".
Một cư dân chia sẻ: "Ở đây, bạn không cần xem dự báo hay bước ra ngoài mới biết thời tiết thế nào vì khi nghe tiếng máy bay, bạn sẽ biết ngay đó là một ngày đẹp trời".
Ước tính, cần có ít nhất 169.000 USD để sở hữu một căn hộ nhỏ ở Spruce Creek. Trong khi đó, biệt thự lớn hơn với nhà chứa máy bay có giá lên tới hàng triệu USD. Ngoài máy bay, cư dân của Spruce Creek (chủ yếu là phi công chuyên nghiệp, bác sĩ, luật sư, nhà đầu tư bất động sản…) còn sở hữu nhiều siêu xe như Porsche, Lamborghini hay Corvettes…
Carlos Bravo, một cư dân lâu năm của Spruce Creek cho biết vào đầu Thế chiến II, Hải quân Mỹ đã lập ra nhiều căn cứ huấn luyện tại Florida. Họ xây dựng Spruce Creek và thêm một sân bay vào cuối năm 1943.
Sau chiến tranh, nơi đây được bán cho thành phố Daytona Beach năm 1957 và gần như không được sử dụng nhiều đến khi kỹ sư McKinley Conway nảy ra ý tưởng biến nó thành một sân bay dân sự.
Conway muốn biến Spruce Creek thành khu dân cư nơi người dân có thể lái máy bay ngay từ cửa nhà. Thành phố Daytona Beach nói rằng ông có thể mua khu đất này. Conway sau đó tập hợp một nhóm nhà đầu tư và đến tháng 7/1970, dự án được phê duyệt.
Khi nhà đầu tư Jay Thompson mua lại sân bay Spruce Creek vào cuối những năm 1970, ông tập trung biến nơi đây thành một không gian sống giống câu lạc bộ ngoài trời với nhà sinh hoạt cộng đồng, các sân tennis, sân golf 18 lỗ và nhà hàng. Một trong những đường băng ban đầu của thời là căn cứ quân sự vẫn tồn tại cho đến nay, trong khi các đường khác đã được cải tạo thành đường lăn cho máy bay.
Theo ông Bravo, không có sân bay dân sự nào có quy mô lớn và hấp dẫn như Spruce Creek. Ông làm phi công từ năm 16 tuổi và đã mất nửa năm tìm một sân bay phù hợp để có thể sử dụng chiếc máy bay của mình đi đến Chicago.
Ông chia sẻ: "Khi đến đây, cảm giác như tôi đến Disneyland lần đầu tiên vậy. Nó trông như một khu phố thực sự trong khi hầu hết các sân bay dân sự khác chỉ có một dải cỏ nhỏ ở trung tâm với những ngôi nhà đủ kiểu. Nơi đây thực sự sang trọng".
Dù không phải tất cả cư dân ở Spruce Creek đều là phi công nhưng không có gì lạ khi bước vào một nhà chứa máy bay và nhìn thấy những bức tường được bao phủ bởi các bộ phận của máy bay cổ và kỷ vật liên quan. Nơi đây cũng có một số người nổi tiếng sinh sống như tài tử John Travolta. Ông từng gọi Spruce Creek là nhà.
Nhờ gần các điểm đến như Bahamas, Spruce Creek cũng là một nơi khá nổi tiếng cho các kỳ nghỉ. Theo Bravo, khoảng một nửa số nhà tại đây được sử dụng làm nơi nghỉ dưỡng.
Một số ngôi nhà còn có tháp quan sát, nơi bạn có thể ngắm máy bay bay lượn rõ hơn. Ngoài ra, Spruce Creek còn có trạm tiếp nhiên liệu, trạm sửa chữa máy bay và nơi cho thuê nhà chứa máy bay. Các nhà chứa máy bay đều có đường dẫn trực tiếp đến đường băng. Đội ngũ an ninh của Spruce Creek tuần tra 24/24 để đảm bảo an toàn cho cư dân và tài sản.
Bên cạnh đó, cộng đồng bay này còn tổ chức nhiều lễ hội hàng năm. Ví dụ vào dịp Giáng sinh, bạn sẽ thấy Ông già Noel bay trên bầu trời nhưng là trong một chiếc máy bay chứ không phải cưỡi xe tuần lộc.
Nguồn: TL