Công ty mẹ của kỳ lân VNPAY sắp huy động tiếp 200 triệu USD sau khi đã nhận được số tiền tương tự từ GIC và SoftBank
VNPAY hện là công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho hơn 40 ngân hàng, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp. Tính đến tháng 7/2020, vốn điều lệ của doanh nghiệp này được tăng mạnh từ 150 tỷ 1.000 tỷ đồng.
Theo DealStreetAsia, VNLIFE – công ty mẹ của kỳ lân VNPAY – đang tiến gần đến việc hoàn tất vòng gọi vốn với giá trị hơn 200 triệu USD.
Được biết, VNLIFE – tên chính thức là CTCP Tập đoàn cuộc sống Việt - là công ty holding được lập ra với mục đích ban đầu là để sở hữu toàn bộ cổ phần VNPAY. Trong đó, CTCP Giải pháp Thanh Toán Việt Nam (VNPAY) được thành lập tháng 3/2007 là công ty hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Về phía VNLIFE, trong năm 2019 Công ty đã thực hiện tăng vốn từ 150 tỷ lên 217,7 tỷ đồng và tính đến tháng 8/2019 xuất hiện 2 cổ đông nước ngoài là Ardolis Investment Pte Ltd – đại diện quỹ GIC – sở hữu 13,24% cổ phần và SVF Pioneer Subco (Singapore) Pte Ltd – đại diện SoftBank – sở hữu 19,62% cổ phần.
Cũng vào tháng 7/2019, một số tờ báo quốc tế đã đưa tin về việc 2 quỹ đầu tư hàng đầu thế giới là GIC và SoftBank có mong muốn rót 300 triệu USD vào VNPAY. Với khoản đầu tư kỷ lục vào một công ty công nghệ như vậy, khi đó VNPAY đã được đồn đoán là có thể là kỳ lân (startup có định giá tối thiểu 1 tỷ USD) tiếp theo của Việt Nam, sau CTCP VNG.
Thông tin lúc bấy giờ cho hay, SoftBank mong muốn đầu tư 200 triệu USD và GIC muốn đầu tư 100 triệu USD. Tuy nhiên số liệu chính thức từ báo cáo tài chính của VNLIFE cho thấy doanh nghiệp này chỉ nhận đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng ~ 196 triệu USD trong năm 2019.
Trở lại với VNPAY, việc tung ra rất nhiều khuyến mãi để hướng người dùng làm quen với việc thanh toán bằng mã QR khiến chi phí của VNPAY tăng lên rất nhiều tuy nhiên với doanh thu khá lớn và tăng trưởng cao nên VNPAY vẫn có lợi nhuận, thậm chí là lãi khá cao.
Ghi nhận giai đoạn 2017 - 2018, VNPAY có lãi trước thuế lần lượt là 125 tỷ và 194 tỷ đồng trước khi giảm mạnh xuống còn 45 tỷ đồng năm 2019 do chi phí bán hàng tăng rất mạnh. Ngược lại, hầu hết các ứng dụng thanh toán khác như Ví điện tử Momo, Moca hay ZaloPay đều đang lỗ rất lớn.