Theo nghiên cứu: Giờ vào học quá sớm sẽ giảm khả năng học tập của học sinh
Thời gian vào học muộn hơn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho học sinh. Một nghiên cứu từ Đại học Minnesota xác nhận rằng, thời gian vào lớp muộn hơn sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập.
Khi bước sang tuổi vị thành niên, chu kỳ ngủ của thanh thiếu niên dường như bị thay đổi. Các em thường thức khuya và dậy muộn hơn do cơ thể tiết ra melatonin - một loại hormone điều hòa giấc ngủ. Một số nghiên cứu cho thấy, melatonin sẽ khiến học sinh rơi vào trạng thái buồn ngủ liên miên cho đến ít nhất là 8 giờ sáng. Do đó, thời gian vào học muộn hơn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho học sinh.
Giảm nguy cơ tai nạn ở thanh thiếu niên
Có một số nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông ở độ tuổi vị thành niên như: vừa lái xe vừa nói chuyện với bạn bè, nhắn tin trong khi điều khiển phương tiện giao thông... Một số học sinh khác lại chưa có phản xạ tốt để ứng phó với những tình huống khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, buồn ngủ lại là nguyên nhân gây ra nhiều vụ tại nạn ở tuổi teen.
Trên thực tế, buồn ngủ gây ra hơn 100.000 vụ tai nạn mỗi năm. Với thiếu niên, lái xe trong trạng thái buồn ngủ sẽ khiến các em sẽ phản ứng rất chậm với những tình huống khi tham gia giao thông và gần như không thể tập trung. Do đó, chuyển thời gian vào lớp học sang ít nhất 8:00 sẽ giúp học sinh có cơ hội ngủ nhiều hơn mỗi đêm và giảm nguy cơ tai nạn giao thông.
Cải thiện thành tích học tập
Rõ ràng là thiếu ngủ có ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập. Học viện Y học về Giấc ngủ Hoa Kỳ (AASM) cho biết, thiếu ngủ ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc và học tập, bởi nó sẽ giảm sự tập trung, làm chậm khả năng phản xạ với công việc, suy giảm khả năng đưa ra quyết định và gây chứng đãng trí. AASM cũng nói thêm rằng, những người thiếu ngủ dễ mắc sai sót hơn so với những người ngủ đủ giấc.
Những tác động này có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập của học sinh. Tiến sĩ James Maas - một chuyên gia hàng đầu về giấc ngủ nói rằng, giờ vào học quá sớm như vậy sẽ không tốt chút nào. Ngay cả khi các bài giảng và hoạt động thú vị cũng sẽ làm giảm sự tỉnh táo, trí nhớ và sự hiểu biết của học sinh.
Năm 1998, Amy Wolfson, Ph.D. và Mary Carskadon đã khảo sát hơn 3.000 học sinh phổ thông. Họ phát hiện ra rằng những người có điểm kém (C, D hoặc F) thường ngủ ít hơn 25 phút so với những sinh viên đạt điểm A và B. Những học sinh có thành tích kém cũng đi ngủ muộn hơn khoảng 40 phút so với những học sinh được điểm cao.
Một nghiên cứu từ Đại học Minnesota xác nhận rằng, thời gian vào lớp muộn hơn sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến kết quả học tập. Các nhà điều tra đã so sánh thời gian đi học của hai nhóm học sinh là 8:30 sáng và trước 8h30 sáng. Kết quả là các học sinh đi học muộn đạt điểm số cao hơn rất nhiều. Họ cũng có ít cảm giác trầm cảm và buồn ngủ hơn vào ban ngày.
Giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm
Học sinh thiếu ngủ sẽ có khả năng bị trầm cảm hoặc mắc các chứng rối loạn tâm lý cao hơn so với những học sinh ngủ đủ giấc. AASM báo cáo rằng, việc thiếu ngủ sẽ dẫn đến tình trạng lo lắng, cáu kỉnh, thiếu động lực và các triệu chứng trầm cảm khác. Việc trì hoãn thời gian bắt đầu đi học có thể làm giảm các triệu chứng này. Đó là kết luận được chứng minh bởi nghiên cứu của Đại học Minnesota.
Khi học sinh, sinh viên dậy quá sớm để đi học, các em sẽ ăn nhiều thức ăn không tốt cho sức khỏe hơn mức cần thiết. Ngoài ra, những học sinh mệt mỏi có thể tìm đến thức ăn có nhiều đường hoặc caffein với hy vọng cải thiện tình trạng tồi tệ tạm thời. Điều này khiến họ có nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo Leigh ann Morgan