Thế khó của Thế giới di động: Tại sao ông lớn bán lẻ thảo liên tiếp 4 công văn gửi chủ nhà, nhất định đòi giảm bằng được tiền thuê mặt bằng?

10/10/2021 07:30 AM | Kinh doanh

Theo báo cáo cập nhật của VCBS, trong số 2.000 cửa hàng bị đóng cửa của MWG thì hầu hết là những cửa hàng đóng góp doanh số lớn (khoảng 85-90% tổng doanh thu cả 2 chuỗi TGDĐ và ĐMX trong điều kiện hoạt động bình thường). Trong khi đó, MWG trả giá cao hơn 10-15% đối thủ để thâu tóm mặt bằng đẹp.

3 tháng – 2 cuộc khủng hoảng

2021 là một năm khó khăn với hầu hết các doanh nghiệp. Nhưng với CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), năm nay còn đáng quên hơn khi không chỉ hoạt động kinh doanh gặp khó khăn chưa từng có, mà còn phải đối mặt với 2 cuộc khủng hoảng truyền thông kéo dài.

Cuộc khủng hoảng đầu tiên đến từ Bách Hoá Xanh. Tháng 6 và tháng 7, trong bối cảnh giãn cách xã hội diện rộng tại TpHCM và các tỉnh miền Nam, chợ truyền thống phải đóng cửa, Bách Hoá Xanh nhận về nhiều chỉ trích từ khách hàng khi tăng giá bán quá cao so với thị trường, mắc nhiều sai phạm trong việc niêm yết sai giá, không niêm yết giá,…

Khi những câu chuyện về Bách Hoá Xanh vừa mới hạ nhiệt được 1 tháng, MWG lại rơi vào tâm điểm của dư luận, lần này là vấn đề giảm giá thuê mặt bằng của chuỗi cửa hàng điện thoại Thế giới di động (TGDĐ).

Thế khó nào khiến MWG kiên quyết tìm cách giảm chi phí thuê? - Ảnh 1.

Từ đầu tháng 8/2021, "mồi lửa" của cuộc khủng hoảng đã nhen nhóm khi công văn ký ngày 2/8, thông báo về việc không tính hoặc giảm giá thuê mặt bằng của TGDĐ đã bị lan truyền trên mạng xã hội. Nhưng phải đến 29/9, khi ông Trần Kỷ Mùi – một chủ mặt bằng của TGDĐ đăng tải hình ảnh công văn 2/8 kèm theo công văn thông báo thanh toán, sự việc mới thực sự bùng nổ. Ông Mùi cho rằng TGDĐ đã đơn phương không tính và giảm tiền thuê khi chưa có sự đồng thuận của mình.

Không riêng ông Mùi, nhiều chủ nhà khác cũng lên tiếng, chỉ trích cách làm này của phía TGDĐ là “kẻ cả, áp đặt”.

Giữa bão dư luận, MWG chọn cách im lặng, không đưa ra lời giải thích chính thức. Công ty tiếp tục gửi công văn thứ 4 (ngày 6/10) cho một số đối tác, đề nghị phản hồi trước 25/10 để thống nhất mức giảm phí thuê mặt bằng, nếu không sẽ xúc tiến các thủ tục để thanh lý hợp động theo điều kiện bất khả kháng.


Thế khó của MWG trong đại dịch: Khi lợi thế biến thành bất lợi

Có thể thấy, MWG đang tỏ ra rất cứng rắn và kiên quyết trong việc giảm chi phí thuê mặt bằng cho chuỗi TGDĐ/ĐMX.

Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch tập đoàn này cũng từng chia sẻ rất nhiều về chuyện thuê mặt bằng của MWG trong sự kiện Shark Tank Forum 2020, thời điểm doanh nghiệp này cũng đã trải qua làn sóng Covid nhưng chưa nghiêm trọng như năm nay.

Ông Tài tiết lộ tỷ lệ chi phí mặt bằng trên doanh thu của mỗi cửa hàng chỉ khoảng 1,5-2%, trong khi với FPT – ông dự đoán tỷ lệ này là 4-5%. Nguyên nhân không phải do công ty thuê được mặt bằng rẻ hơn mà do doanh thu của chuỗi TGDĐ/ĐMX lớn hơn đáng kể so với đối thủ.

Vị chủ tịch cho biết: "Tại sao tỷ lệ chi phí mặt bằng/doanh thu của chúng tôi thấp hơn, đơn giản vì doanh thu của mình cao hơn thiên hạ, vậy thôi. Nếu 2 cửa hàng đối diện nhau chắc chắn doanh thu TGDĐ có thể gấp 1,5, thậm chí gấp 2 lần của đối thủ cạnh tranh.

Điều này không có nghĩa tôi đè chủ nhà ra bắt họ cho thuê rẻ, bởi đây là quan hệ thương lượng, đâu ai đè được ai. Thậm chí tôi có cảm giác còn trả cao hơn người khác 10-15% bởi mình đang lấy vị trí chiến lược và sẵn sàng trả hơn để lấy nó".

Có thể hiểu đơn giản, trong bối cảnh bình thường, khi chưa có Covid, việc trả giá thuê mặt bằng cao hơn đối thủ giúp MWG thâu tóm những vị trí đẹp, ở trung tâm. Những lúc ấy, chi phí này không đáng lo ngại do đã được bù đắp bởi nguồn doanh thu lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, Covid-19 xuất hiện, đặc biệt là làn sóng thứ 4, những cửa hàng ở vị trí đặc địa nhất cũng chịu tổn thương và áp lực nhiều nhất. Theo báo cáo cập nhật của VCBS, trong số 2.000 cửa hàng bị đóng cửa của MWG (chiếm khoảng 70% tổng số cửa hàng hiện tại) thì hầu hết là những cửa hàng đóng góp doanh số lớn (khoảng 85-90% tổng doanh thu cả 2 chuỗi TGDĐ và ĐMX trong điều kiện hoạt động bình thường), do chủ yếu nằm ở những thành phố lớn. Trong nửa cuối tháng 7, doanh thu bán hàng online tại những khu vực bị phong toả gần như không có, do hoạt động giao hàng bị hạn chế.

Thế khó nào khiến MWG kiên quyết tìm cách giảm chi phí thuê? - Ảnh 2.

Nhìn vào báo cáo tài chính, từ năm 2020, lý do giúp MWG vẫn duy trì được kết quả kinh doanh khả quan là nhờ sự tăng trưởng vượt trội của chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX), bù đắp cho sự suy giảm của chuỗi TGDĐ. Thậm chí năm 2021, doanh thu của BHX lần đầu tiên vượt TGDĐ, với 17.600 tỷ đồng cho lũy kế 7 tháng năm 2021 (tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái). Số lượng cửa hàng BHX cũng tăng vượt trội, trái ngược với TGDĐ.

Thế khó nào khiến MWG kiên quyết tìm cách giảm chi phí thuê? - Ảnh 3.

Là một nhà kinh doanh, nhìn thấy doanh thu giảm nặng nề, trong khi giá thuê cao hơn mức trung bình, MWG khó có thể ngồi im với "con cưng" TGDĐ. Và nếu như khó có thể thúc đẩy doanh thu thì phải tìm mọi cách cắt giảm phí thuê.

"Thấy một chi phí thuê lớn thì tìm cách để cắt nó đi. Theo các bạn tài chính thì tiền thuê mặt bằng là một chi phí cố định (Fixed Cost), nghĩa là đã trả thì không thể đổi được. Chúng tôi sẽ cho nó thành biến phí (Variable Cost), đi một vòng và lấy về 200 tỷ tiền thuê.

Vì đây là khó khăn thật chứ không phải mình tung hỏa mù với đối tác của mình. Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ?", ông Tài chia sẻ tại Shark Tank Forum 2020.

Có tạo ra tiền lệ xấu?

Trên thực tế, MWG không phải là doanh nghiệp duy nhất quyết liệt tìm cách giảm chi phí thuê mặt bằng.

Còn nhớ hồi tháng 5, CGV đã kiện đối tác cho thuê sau khi đàm phán giảm phí thuê không thành. Theo đơn kiện, năm 2017, CGV đã ký kết mức giá thuê 413 triệu đồng/tháng, thời hạn 20 năm kể từ ngày 9-8-2018 để thuê mặt bằng tại TTTM Lapen Center. Tuy nhiên, từ khi Covid-19 ập đến, doanh thu của CGV gần như trở về 0 do luôn là đối tượng đóng cửa đầu tiên – mở cửa cuối cùng trong mỗi đợt giãn cách. Sau nhiều lần đàm phán nhưng vẫn không tìm được tiếng nói chung trong việc giảm giá thuê, CGV đã đâm đơn kiện đối tác cho thuê, yêu cầu tòa án tuyên chấm dứt hợp đồng thuê do hoàn cảnh thay đổi cơ bản và không bên nào có lỗi khi chấm dứt hợp đồng.

Được biết, ít nhất 2 "chủ nhà" của CGV đã bị đơn vị này đưa ra toà.

Cùng chịu áp lực chi phí mặt bằng lớn, cùng đàm phán giảm phí thuê nhưng điểm khác nhau cơ bản giữa cách làm MWG và CGV nằm ở chỗ: nếu như CGV đàm phán không thành và tìm đến toà án để giải quyết thì MWG chọn cách gửi công văn tuyên bố tự động giảm giá thuê, bất chấp có được sự đồng thuận từ đối tác cho thuê hay không. Một điểm khác biệt đáng kể khác, đó là đối tác cho thuê của CGV là các công ty lớn sở hữu TTTM, còn chủ nhà của MWG chủ yếu là cá nhân, yếu thế hơn về mặt đàm phán.

Thế khó nào khiến MWG kiên quyết tìm cách giảm chi phí thuê? - Ảnh 4.

(Ảnh: Bình An)

Hành động đơn phương của MWG, được Luật sư Trương Thanh Đức nhận định là không đúng luật, không đúng thoả thuận và cũng không đúng theo cách ứng xử với thị trường, với khách hàng.

Theo Luật sư, sự kiện bất khá kháng không xoá bỏ nghĩa vụ trả tiền. Chưa kể, dịch bệnh là sự kiện bất khả kháng theo quy định của pháp luật, nhưng có được áp dụng miễn trách vào hợp đồng và áp dụng vào nghĩa vụ nào, mức độ nào mới là quan trọng. Tại Mỹ và Anh, chính phủ hiện còn không tuyên bố dịch bệnh là bất khả kháng.

"Nếu nói vì bất khả kháng mà không trả tiền thuê nhà, thì khác gì bạn bảo với chủ nhà rằng, vì tôi thất nghiệp nên đương nhiên không phải trả tiền nhà, hay nói với ngân hàng rằng, vì tôi thua lỗ nên khỏi thực hiện nghĩa vụ trả tiền vay ngân hàng", Luật sư Trương Thanh Đức bày tỏ.

Như vậy, nếu cách làm của MWG được ủng hộ hoặc làm ngơ, phải chăng sẽ tạo ra tiền lệ xấu cho thị trường về sau?

Hoàng Thuỳ

Cùng chuyên mục
XEM