'Thế hệ mất mát' ở Nhật: Ra trường đúng lúc khủng hoảng, khi kinh tế đi lên thì đã qua tuổi trẻ, làm việc vất vả vài chục năm mãi chẳng thể thăng tiến
Hiện khoảng 17 triệu người Nhật đang thuộc 'thế hệ mất mát' và họ gặp phải áp lực cực lớn để tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít đi trước tình hình sự nghiệp hẩm hiu như trên.
Khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tái đắc cử Chủ tịch đảng cầm quyền LDP vào tháng trước, nhà lãnh đạo này đã tự hào tuyên bố chính phủ của ông sẽ đánh bại nguy cơ giảm phát đã đe dọa nền kinh tế Nhật nhiều thập niên vừa qua.
Tuyên bố này của Thủ tướng Abe có vẻ không chắc chắn khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang ngày một gay cấn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Nhật Bản đang phải đối mặt với một nguy cơ lớn hơn nhiều so với giảm phát, đó là những lao động thuộc "thế hệ mất mát".
Thế hệ mất mát
"Tại công ty của tôi, hầu như chẳng còn vị trí nào cao hơn để chúng tôi có thể được bổ nhiệm nữa", một chuyên gia 40 tuổi làm việc cho tổ chức tài chính ở Tokyo nói.
Câu chuyện của người đàn ông này không có gì lạ ở Nhật Bản. Thế hệ những người tốt nghiệp đại học cuối thập niên 1980 đầu 1990 bắt đầu theo đuổi sự nghiệp khi nền kinh tế Nhật ở đỉnh bong bóng thị trường và bắt đầu xì hơi. Hậu quả là các công ty thu hẹp lao động, giảm số việc làm khiến những nhân viên của "thế hệ mất mát" buộc phải chấp nhận các công việc thấp hơn kỳ vọng.
Giờ đây khi nền kinh tế Nhật Bản khởi sắc, những ông chú ở tuổi 30-40 cảm thấy lạc lỏng bởi họ không thể cạnh tranh được với thế hệ cao tuổi sống lâu cho những vị trí quản lý dù đã lao động vất vả vài chục năm qua với vai trò nhân viên.
Lao động trung niên Nhật hiện nay thu nhập kém hơn cả lớp trẻ và người già so với 10 năm trước(%)
Báo cáo tháng 2/2018 của Bộ Lao động, Sức khỏe và An sinh Xã hội Nhật cho thấy lượng nhân viên quản lý độ tuổi 40 tại đây đang giảm. Hiện chỉ khoảng 8,4% số lao động năm từ 40-44 tuổi được cất nhắc lên quản lý năm 2017, thấp hơn 3,6 điểm phần trăm so với năm 2007.
Số liệu về thu nhập của lao động tuổi trung niên cũng cho thấy họ thu được ít hơn. Nhân viên trong độ tuổi 40-44 có thu nhập bình quân 327.400 Yên (2.905 USD)/tháng năm 2017, thấp hơn 6,8% so với cách đây 10 năm.
Hiện khoảng 17 triệu người Nhật đang thuộc thế hệ mất mát và họ gặp phải áp lực cực lớn để tiết kiệm nhiều hơn và chi tiêu ít đi trước tình hình sự nghiệp hẩm hiu như trên. Ra trường đúng thời điểm khủng hoảng và lúc kinh tế đi lên thì đã qua tuổi trẻ, những lao động này là một phần khiến tỷ lệ lạm phát của Nhật không thể đạt mục tiêu.
Thông thường nếu một lao động không tìm thấy cơ hội thăng tiến, họ sẽ tìm công việc khác với mức lương hay cơ hội tốt hơn. Tuy nhiên ở Nhật, quy trình đào tạo và hệ thống lương khiến những lao động trung niên khó lòng chuyển việc để tìm kiếm sự nghiệp mới tốt hơn. Trong khi những người già chiếm hết vị trí quản lý thì công ty lại thích tuyển các lao động trẻ mới ra trường hơn là những ông chú già trung niên này.
Thiếu kỹ năng và bị bỏ rơi
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy công ty không đào tạo tốt những lao động thuộc thế hệ mất mát bởi họ còn đang phải đối phó với khủng hoảng, hệ quả là những nhân viên này thiếu kinh nghiệm để có thể cạnh tranh với các thế hệ lao động khác.
Tồi tệ hơn, rất nhiều lao động của thế hệ mất mát tìm đến những công việc bán thời gian hay thời vụ để làm và họ chẳng thể học hỏi thêm những kinh nghiệm cần thiết để cạnh tranh trên thị trường việc làm ngày nay.
Thế hệ mất mát được hình thành thế nào? Số người trong độ tuổi 20-24 (triệu-cột) và tỷ lệ việc làm đề xuất bình quân đầu người (đường)
Giờ đây khi nền kinh tế Nhật khởi sắc, các chuyên gia bắt đầu lo lắng về những thách thức mà thế hệ mất mát có thể gây ra cho nền kinh tế. Giới truyền thông cho biết Nhật Bản có thể sẽ phải tốn tới 30 nghìn tỷ Yên để chăm sóc cho những lao động của thế hệ mất mát này.
Tệ hơn, không có cơ hội việc làm khiến họ không thể mạnh tay chi tiêu, qua đó ảnh hưởng lớn đến thị trường tiêu dùng cũng như những chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe.
Trong khi Nhật Bản gặp khó khăn về lao động khi dân số già hóa nhanh, khiến chính phủ phải nới lỏng thị trường lao động nước ngoài thì có một bộ phận rất lớn những nhân viên của thế hệ mất mát vẫn đang ngồi chờ đợi sự giúp đỡ từ chính phủ. Theo các chuyên gia, đây là một thực tại trớ trêu mà Thủ tướng Abe cần phải xem xét lại.