Thế hệ con một 'nếm trái đắng': Gấp đôi gánh nặng kinh tế, sinh con và chăm cha mẹ già

22/10/2022 09:12 AM | Sống

Từng được coi là “tiểu hoàng đế” nhưng đến nay những người thuộc thế hệ con một tại Trung Quốc đang gặp phải vô vàn khó khăn, từ áp lực kinh tế đến trách nhiệm gia đình.

Năm 1978, Trung Quốc tìm mọi cách để làm chậm tốc độ gia tăng dân số, khi đó đã gần 1 tỷ người. Chính phủ đã chấp thuận một đề xuất trong đó quy định các văn phòng kế hoạch hóa gia đình khuyến khích những cặp vợ chồng nên có một con, nhiều nhất là hai con. Một số địa phương đã tiến xa hơn và bắt đầu thực thi quy tắc "một con".

Năm 1980, nhằm kiểm soát gia tăng dân số bằng 0 vào năm 2000, chính sách một con chính thức có hiệu lực trên cả nước, chỉ ngoại lệ đối với người dân tộc thiểu số và các hộ gia đình ở nông thôn.

Đến nay, khi chính sách đã hoàn toàn chấm dứt nhưng những hệ quả vẫn chưa dừng lại. Những người đầu tiên sinh ra trong chính sách một con của Trung Quốc giờ đây phải chịu gánh nặng - vừa nuôi con nhỏ, vừa phải chăm sóc cha mẹ già.

Chú thích ảnh

Khẩu hiệu sinh một con trên đường phố Trung Quốc năm 1983 - Ảnh: The Paper

Nỗi khổ của "con cưng"

Yin Fan là một bà mẹ đơn thân hơn 30 tuổi. Khi Yin mang thai con gái, cha cô đang sống ở một thành phố khác, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn thần kinh thực vật, bị teo cơ và nhanh chóng mất khả năng vận động. Là con một trong nhà, cô một mình gánh vác trách nhiệm chăm sóc con nhỏ lẫn cha già.

Yin thuộc thế hệ những đứa trẻ đầu tiên sinh ra bởi chính sách một con của Trung Quốc. Giờ đây, họ bị mắc kẹt giữa nghĩa vụ chăm sóc con cái và cha mẹ già yếu, bị ràng buộc cả về tài chính lẫn tình cảm.

Vào lúc hoàng hôn, một chiếc ôtô màu trắng đậu ở tầng dưới một khu dân cư ở Hợp Phì. Sau khi tắt máy, Ngô Ân không xuống xe, một mình ngồi lặng lẽ. Sau một ngày làm việc, đây là mười lăm phút cô đặc biệt trân trọng và nó chỉ thuộc về riêng cô. Ngoài cửa sổ xe, trời tối dần, đèn đã sáng lúc nào không rõ. Nhìn khung cửa sổ nhà mình, cô không có dũng khí đi lên vì biết lúc này người cha bị ung thư giai đoạn cuối của cô đang ngồi xem TV còn mẹ ngồi cạnh buồn bã.

Ngô Ân 26 tuổi và là con một trong gia đình. Còn nhiều thứ đang chờ cô quyết định: bệnh tình của bố, kế hoạch điều trị và cả việc chọn nghĩa trang ở đâu. Cô không biết dựa vào ai lúc này, ngoài bản thân mình.

Theo Feng Xiaotian, giáo sư xã hội học nhân khẩu học tại Đại học Nam Kinh, Trung Quốc hiện có hơn 170 triệu gia đình "bánh mì kẹp" (biệt danh khác của thế hệ con một) như vậy.

Lớn lên vào những năm 1980 với tư cách con một trong gia đình, những người như Yin thường được gọi là "tiểu hoàng đế" vì thu hút mọi sự chăm sóc, quan tâm. Song giờ đây, họ lại trở thành thế hệ mang nhiều gánh nặng nhất ở Trung Quốc.

Trong ba thập kỷ qua, khi thế hệ "bánh mì kẹp lớn lên" và lập gia đình, Trung Quốc đã trải qua một sự chuyển dịch sâu sắc sang một xã hội già hóa ít trẻ em. Từ năm 1990 đến 2021, tuổi thọ trung bình của người dân Trung Quốc tăng từ 68,6 lên 78,2. Tỷ lệ người trên 65 tuổi tăng hơn gấp đôi, từ 5,3% lên 13,5%. Tỷ lệ sinh giảm xuống dưới 1% vào năm 2020 và nước này dự kiến bước vào thời kỳ tăng trưởng dân số âm vào năm 2025.

Chú thích ảnh

Gia đình con một ở Bến Thượng Hải năm 1993 - Ảnh: CFP

Với việc cha mẹ sống lâu hơn và các cặp vợ chồng sinh con ở độ tuổi lớn hơn, những thách thức mà gia đình "bánh mì kẹp" phải đối mặt ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ và tác động tới phần còn lại của xã hội.

Áp lực kinh tế vì nuôi con nhỏ

Thiếu hụt tiền bạc, thời gian và năng lượng là những lo lắng phổ biến nhất mà các gia đình "bánh mì kẹp" phải đối mặt. Sinh con, đặc biệt sinh con thứ hai, thường là điểm khởi đầu của những cuộc khủng hoảng.

"Đây là khoảng thời gian căng thẳng nhất đối với tôi", Liu Li (37 tuổi), nhân viên một doanh nghiệp nhà nước, cho biết.

Vợ của Liu làm tại ngân hàng, tổng thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng là 20.000-30.000 nhân dân tệ (tương đương 2.900-4.300 USD). Đó là mức thu nhập khá của tầng lớp trung lưu ở thị trấn nhỏ. Nhưng kể từ khi sinh đứa con thứ hai, họ luôn kẹt tiền.

Song, ngay cả những vợ chồng có thu nhập ổn định và tiết kiệm hợp lý vẫn dễ mắc kẹt trong vấn đề tài chính do thời gian eo hẹp, khó khăn về sức khỏe bởi gánh nặng nuôi dạy con cái.

Được biết, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ đến năm 18 tuổi ở Trung Quốc là 485.000 nhân dân tệ vào năm 2019, cao gấp 6,9 lần GDP bình quân đầu người của nước này. Thậm chí, chi phí nuôi dạy trẻ còn cao hơn ở các thành phố lớn, lên tới hơn một triệu nhân dân tệ ở Thượng Hải và 969.000 nhân dân tệ ở Bắc Kinh.

Áp lực trách nhiệm vì chăm cha mẹ già

Wang Guangzhou, nhà nghiên cứu tại Viện Dân số và Kinh tế Lao động thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết áp lực của việc nuôi dạy con cái chủ yếu là vấn đề kinh tế, trong khi chăm sóc người già là vấn đề về thời gian và sức lực. Trong thập kỷ tới, khi các bậc cha mẹ của thế hệ một con bước vào độ tuổi 70 và 80, áp lực chăm sóc người cao tuổi sẽ ngày càng lớn.

Với xu hướng kết hôn và sinh con muộn, áp lực của việc chăm sóc người già và nuôi con nhỏ càng có nhiều khả năng xảy ra cùng lúc. Theo Điều tra xã hội năm 2019, 27% gia đình thành thị ở Trung Quốc gồm những người từ 60 tuổi trở lên và trẻ em từ 14 tuổi trở xuống, có nghĩa là cứ bốn gia đình thì có một gia đình phải đối mặt với áp lực kép này.

Đối với thế hệ "con một", kịch bản tồi tệ nhất là cha mẹ của họ đột nhiên bị bệnh nặng hoặc tàn tật, về thể chất hoặc tinh thần.

Wang tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho biết: "Bố mẹ ốm không chỉ khiến bạn tốn kém mà còn khiến tâm trí bạn rất căng thẳng. Nó không giống như việc nuôi dạy một đứa trẻ, với hy vọng lớn lên mỗi ngày. Một khi người cao tuổi không thể tự lo cho mình trong cuộc sống hàng ngày, hy vọng mỗi ngày một phai nhạt".

Chú thích ảnh

Theo Feng Xiaotian tại Đại học Nam Kinh, tỷ lệ bố mẹ có con đầu lòng làm việc các thành phố là khoảng 60%, dựa trên một cuộc khảo sát quốc gia năm 2015 đối với 12 thành phố và một cuộc khảo sát năm 2016 đối với năm thị trấn ở tỉnh Hồ Bắc.

Nie tại Học viện Tài chính và Luật Thượng Hải cho biết, nếu cha mẹ của một cặp vợ chồng đã kết hôn sống ở hai thành phố khác nhau, việc chăm sóc cả bốn cha mẹ cùng một lúc càng khó khăn hơn. Những trường hợp như vậy đặc biệt phổ biến ở các siêu đô thị như Bắc Kinh và Thượng Hải, nơi chi phí nhà ở cao là vấn đề đầu tiên khi con cái muốn đưa cha mẹ đến sống cùng - Nie nói.

Một học giả xã hội học nói: "Thành thật mà nói, đây là vấn đề hầu như không có giải pháp khi con cái của thế hệ 'bánh mì kẹp' phải chăm sóc cha mẹ già. Đây là nỗi buồn của thế hệ chúng tôi và của cha mẹ chúng tôi".

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM