Thế hệ ALICE: Những kẻ khốn cùng cứ hết tháng hết tiền, có việc làm nhưng phải vật lộn với từng tờ hóa đơn, chẳng đủ 'nghèo' để nhận trợ cấp

19/04/2024 11:54 AM | Xã hội

Thế hệ ALICE ám chỉ những người không đủ nghèo để nhận hỗ trợ dù phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày.

Thế hệ ALICE: Những kẻ khốn cùng cứ hết tháng hết tiền, có việc làm nhưng phải vật lộn với từng tờ hóa đơn, chẳng đủ 'nghèo' để nhận trợ cấp - Ảnh 1.

Tờ Business Insider (BI) cho hay tầng lớp những người lao động có việc làm nhưng đến tháng hết tiền ở Mỹ đã được đặt một biệt danh mang tên "ALICE" (Asset-Limited, Income-Constrained, and Employed), qua đó cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ khốn đốn với cuộc sống hiện tại.

Theo BI, nhiều người Mỹ hiện nay có việc làm đầy đủ nhưng lại cảm giác sống khổ cực khi hết tháng hết tiền, thậm chí còn chẳng đủ thu nhập cho tiền thuê nhà hay chi phí y tế. Tầng lớp này được chương trình "United For ALICE" của United Way đặt tên là "ALICE", ám chỉ những lao động cận mức nghèo theo tiêu chuẩn của chính phủ và đang phải vật lộn trang trải các chi phí cơ bản.

Những người được gọi là ALICE thường hết tháng hết tiền, buộc phải lựa chọn hy sinh tiền thuê nhà để mua thực phẩm hay đi khám bệnh cho con.

Điều đáng nói ở đây là theo United Way, khoảng 29% hộ gia đình ở Mỹ thuộc dạng ALICE, thậm chí khoảng 13% số hộ gia đình đang sống dưới mức chuẩn nghèo liên bang.

Thế hệ ALICE: 29% hộ gia đình Mỹ hết tháng hết tiền, có việc làm mà sống chẳng khác gì nô lệ - Ảnh 2.

Giám đốc Stephanie Hoopes của "United For ALICE" cho biết chính quyền Washington đã có nhiều sáng kiến nhằm hỗ trợ người dân thoát nghèo nhưng chúng đều lỗi thời do không theo kịp tỷ lệ phân bổ ngân sách thu nhập cho nhu yếu phẩm cũng như sự khác biệt vùng miền.

Tệ hơn, do số liệu tỷ lệ nghèo đói trên toàn nước Mỹ đã giảm nên chúng tạo nên ảo tưởng rằng người lao động đang dần sống tốt hơn. Hậu quả là nhiều chính sách hỗ trợ bị cắt giảm, để lại tầng lớp những ALICE sống bấp bênh qua ngày.

Nô lệ cho đồng tiền

Theo BI, tỷ lệ ALICE đã tăng mạnh tại Mỹ trong hơn 10 năm qua tại nhiều bang. Dù thu nhập của người Mỹ đi lên nhưng chúng chẳng theo kịp lạm phát cũng như giá nhà đất tăng cao.

Chính điều này đã tạo nên một tầng lớp đông đảo ALICE, những người chẳng đủ nghèo để nhận trợ cấp dù đang phải vật lộn với cuộc sống. Tầng lớp này có việc làm đầy đủ nhưng sống chẳng khác gì "nô lệ cho đồng tiền" khi không đủ thu nhập trang trải cuộc sống.

"Những lao động ALICE thường thất vọng, căng thẳng ngày qua ngày khi phải lựa chọn giữa mua thuốc cho con hay mua thực phẩm ăn tối? Có nên tắt bớt điện không hay ngừng đưa con đến nơi trông trẻ để tiết kiệm tiền?", giám đốc Hoopers ngậm ngùi nói.

Để đủ điều kiện tham gia chương trình trợ cấp SNAP tại Mỹ, một hộ gia đình 4 người phải có thu nhập dưới 39.000 USD. Với chương trình trợ cấp SSI cho người khuyết tật, mức giới hạn thu nhập phải dưới 23.652 USD/năm.

Thế nhưng theo "United For ALICE", những chương trình này đã tính toán sai hoàn toàn về tỷ lệ lạm phát cũng như những khó khăn thực tế mà người lao động nghèo tại Mỹ đang phải đối mặt.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ tính cả những sản phẩm, dịch vụ mà các ALICE hầu như chẳng bao giờ sử dụng, ví dụ như ăn tối nhà hàng, các thiết bị thể thao hay những tấm vé xem hòa nhạc xa xỉ.

Phía "United For ALICE" đã xây dựng chỉ số "ALICE Essentials" để đo lường chính sách hơn lạm phát của các hộ gia đình thu nhập thấp, loại bỏ các mặt hàng mà tầng lớp này chẳng bao giờ sử dụng.

Kết quả cho thấy chỉ số này tăng cao hơn cả CPI chính thức chứ chẳng đẹp đẽ như chính quyền Washington vẫn nghĩ. Trong 12 tháng qua, các ALICE đã bị tụt hậu quá nhiều về thu nhập so với chỉ số "ALICE Essentials".

Thậm chí giám đốc Hoopers cho hay các ALICE đang phải làm cật lực nhiều hơn để duy trì nhu cầu sống tối thiểu.

Đây chính là nguyên nhân khiến các số liệu kinh tế Mỹ đầy tích cực nhưng người dân nước này vẫn chẳng lạc quan về nền kinh tế.

Theo giám đốc Hoopers, người Mỹ là những lao động chăm chỉ và cố gắng, nhưng vấn đề là các chỉ số kinh tế đang không chính xác, tạo nên một tầng lớp ALICE chán nản với nền kinh tế số 1 thế giới.

Cảm giác của người dân khi sống trong cường quốc số 1 toàn cầu nhưng phải lao động như nô lệ, kiếm từng đồng qua ngày hay phải phân vân chi phí nhu yếu phẩm hàng tháng khiến chẳng ai lạc quan nổi.

"Đây là vấn đề về số liệu chứ không phải người dân Mỹ đang không cố gắng", giám đốc Hoopers kết luận.

*Nguồn: BI

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM