Thế giới sẽ có thêm 12 nghìn tỷ USD nếu giải cứu được hệ sinh thái

06/05/2017 14:39 PM | Xã hội

Một báo cáo mới đây cho thấy nếu chúng ta đạt hoàn thành được 4/60 lĩnh vực của chương trình phát triển bền vững Liên hiệp quốc, bao gồm nông nghiệp, năng lượng, y tế, phát triển đô thị, thì chúng ta có thể mở cửa các tiềm năng của thị trường trị giá đến 12 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này thì chúng ta phải vượt qua được “Chủ nghĩa gia tăng” (Incrementalism). Những người theo chủ nghĩa này cho rằng nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tăng cường hoạt động nhiều hơn, theo chiều hướng nhanh hơn, tốt hơn một chút thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu trên vào năm 2030 nhưng điều đó không chính xác.

Hãng Volans, PA Consulting hợp tác với UNGC của Liên hiệp quốc đã thành lập dự án nghiên cứu “Project Brealthrough” để thấy rằng không phải cứ sản xuất nhiều hơn, kiếm được nhiều lợi nhuận hơn và làm tốt hơn theo chủ nghĩa gia tăng là chính xác.

Trái đất có những giới hạn cho từng ngành, từng mảng hoạt động của con người và nếu vượt qua chúng, những tác động ngược lại như thiên tai, ô nhiễm... sẽ ảnh hưởng đến chúng ta và làm xói mòn thành quả.

Bởi vậy, thay vì theo đuổi mục tiêu bằng cách tăng cường năng suất, con người nên hướng đến những mảng có khả năng ảnh hưởng đến hàng tỷ người khác trên thế giới như môi trường, năng lượng, lương thực... để có thể thực sự tăng trưởng bền vững.

Để giải quyết những hậu quả của biến đổi khí hậu cũng như vượt qua giới hạn của trái đất, chúng ta cần đổi mới tư duy, công nghệ và mô hình kinh doanh.

Nếu xem xét những khu phát triển công nghệ như The X Prize Foundation hay Google’s X Facility, chúng ta có thể bị ấn tượng mạnh bởi quan điểm của các nhà nghiên cứu nơi đây. Đối với họ, việc đạt 1% hay 10% những mục tiêu của công ty không phải vấn đề mà nếu muốn giải quyết các thách thức hiện nay, tập đoàn phải nghĩ xa gấp 10 lần hơn nữa.

Thế giới sẽ có thêm 12 nghìn tỷ USD nếu giải cứu được hệ sinh thái - Ảnh 1.

Những tiêu chuẩn của Liên hiệp quốc trong 4 ngành.

Công nghệ mới là điểm cần đột phá

Nhà đồng sáng lập Peter Diamandis của X Prize Foundation và Singularity University cho rằng khoa học công nghệ có thể tạo nên một thế giới trù phú. Trái đất có rất nhiều tài nguyên và các doanh nghiệp không thể khai thác hết hoặc sử dụng hiệu quả tất cả chúng chỉ bằng cách tăng năng suất và hoạt động nhiều hơn.

Thay vào đó, chính công nghệ mới là chìa khóa để chúng ta tiếp cận được tất cả nguồn tài nguyên một cách hiệu quả. Thậm chí, công nghệ có thể giúp chúng ta đả thông giới hạn tài nguyên để tìm ra những hướng đi mới.

Hiện nay, con người vẫn quá gắn bó với các công nghệ cũ, từ xe hơi chạy xăng cho đến điều hòa không khí thường hay những hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Không có gì khó hiểu khi nhiều chuyên gia hiện nay vẫn đang tranh cãi liệu chúng ta đã chuyển sang cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 hay chưa bởi con người vẫn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nền kỹ thuật cũ.

Trong khi đó, những ý tưởng mới như Internet of Things, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học mới hay năng lượng sạch lại chưa được đầu tư một cách thích đáng dù khoa học công nghệ mới có thể giải phóng con người khỏi những kỹ thuật cũ và giúp chúng ta vượt qua được những giới hạn về tài nguyên.

Hãy lấy Israel làm ví dụ, họ không có nhiều tài nguyên nước và đất nên đã phát triển hàng loạt các công nghệ mới như tưới nước nhỏ giọt, tưới bằng độ ẩm trong không khí hay bằng sương, trồng cây trên giàn treo... Thậm chí có những công ty Israel có thể trồng nhiều cây gấp 50 lần trên mỗi mét vuông và ít dùng nước hơn 20 lần so với cách truyền thống, một con số vô cùng ấn tượng.

Bên cạnh đó, các công ty cũng cần xem xét lại mô hình kinh doanh của mình nhằm mở rộng thành quả công nghệ, sáng kiến, ý tưởng ra cho mọi người hơn. Những hành vi độc quyền tưởng chừng đảm bảo lợi ích trái lại chỉ khiến họ tự giới hạn bản thân về dài hạn.

Ví dụ điển hình là văn hóa Trung Quốc với việc giữ các bí quyết nghề thuốc đông y, võ học, tạp kỹ, phát minh... cho riêng mình mà không quảng bá rộng rãi để rồi chúng dần mai một và thất thế trước công nghệ phương Tây.

Tất nhiên, việc chia sẻ phát minh cần được thực hiện bài bản nhằm tránh gây thiệt hại cho công ty.

CEO Patrick Thomas của công ty vật liệu tiên tiến Covestro, hãng đã phát triển thành công kỹ thuật biến khí CO2 thành nhựa, nhận định rằng các doanh nghiệp không nên giữ bản quyền cho riêng mình. Đây là một sự thay đổi cơ bản trong cách kiếm tiền và phá vỡ các giới hạn ngày nay.

Nếu giữ bản quyền, sáng tạo đó có thể bị mai một hoặc không được dùng trong khi phổ biến chúng ra bên ngoài sẽ nhân rộng độ nổi tiếng và được mọi người sử dụng. Đây là lý do mà Covestro đi từ con số 0 đến trở thành nhà máy sản xuất nổi tiếng chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm. Rõ ràng, các công ty công nghệ cần có hướng tư duy mới nếu muốn thành công.

BT

Cùng chuyên mục
XEM