Thế giới sẽ chứng kiến cuộc chuyển giao tài sản lớn chưa từng có sau khi "cơn bão" Covid-19 đi qua?
Sự thay đổi chính sách của các ngân hàng trung ương sẽ hình thành lại trật tự thế giới mới: phần lớn tài sản sẽ được chuyển giao từ người gửi tiết kiệm sang người đi vay, từ người già sang thế hệ trẻ.
*** Bài viết lược dịch từ nhận định của Adrian Blundell-Wignall – nhà kinh tế học kiêm Cựu Chủ tịch Tổ chức hợp tác kinh tế và Phát triển OECD – được đăng tải trên chuyên trang tài chính Financial Review.
Tôi đã rất ngạc nhiên bởi cách mà nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận về những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tất nhiên, tôi không đề cập đến những ảnh hưởng trước mắt như lạm phát, thất nghiệp hay những bất ổn chính trị đang xảy ra ở bờ bên kia của thế giới. Điều tôi quan tâm ở đây là nền kinh tế sẽ hồi phục theo mô hình chữ V, chữ L hay chữ U?
Đương nhiên, sau khủng hoảng y tế và giãn cách xã hội, nhiều khả năng các Chính phủ sẽ dồn hết sức lực để cứu doanh nghiệp ra khỏi cơn khủng hoảng này. Và để làm được điều đó, Chính phủ các nước sẽ cần đến sự hỗ trợ từ Ngân hàng trung ương.
Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch tràn lan, dẫn đến hệ quả là hàng hoá không thể luân chuyển trên thị trường thế giới. Tiền lương có thể tăng cao, nhưng tỷ lệ nợ tích tụ từ nhiều năm trước buộc các ngân hàng trung ương khó có thể thực hiện chính sách tăng lãi suất. Và tất cả những chi phí từ cuộc khủng hoảng này cũng sẽ giống như cuộc khủng hoảng năm 2008: Tất cả sẽ đổ lên đầu những người đang gửi tiết kiệm hiện nay!
Câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao chi phí sau khủng hoảng Covid-19 lại đổ lên đầu những người đang gửi tiết kiệm?
Hãy tưởng tượng bối cảnh thực tế khi yêu cầu giãn cách xã hội được thực hiện trên khắp thế giới. Giai đoạn đầu của các đại dịch cúm luôn khủng khiếp. Trong đại dịch có nhiều người chết từ trước đến nay: Đại dịch "cúm Tây Ban Nha" năm 1918 – khi tỷ lệ tử vong hàng tuần tại 43 thành phố trên khắp nước Mỹ đạt đỉnh trong suốt 5 tuần và nó chỉ dừng lại sau 24 tuần. Ở thời điểm đó, nước Mỹ đã thực hiện cách ly xã hội sớm hơn, và tất nhiên thiệt hại về kinh tế và xã hội cũng ít hơn.
Tới năm 1957, một đại dịch cúm mới bùng phát và có khả năng lây nhiễm cao hơn – cúm A. Tuy nhiên, ở thời điểm đó vắc xin đã phát huy hiệu quả và đẩy lùi dịch bệnh trong vòng 6 tháng mà không cần đến biện pháp phong toả nào. Nền kinh tế phục hồi theo mô hình chữ U dù Chính phủ có hỗ trợ nhưng khá khiêm tốn.
Ở bối cảnh hiện tại, chúng ta đều hi vọng thế giới có thể tìm ra một loại vắc xin mới cho Covid-19, cũng giống như cách mà chúng ta đã vượt qua đại dịch cúm năm 1957. Nhưng ngay cả khi chúng ta chờ đợi và tiến trình này có thể kéo dài hơn dự kiến thì những con số "chết chóc" hàng ngày ở cả Mỹ và châu Âu cũng khiến Chính phủ các nước này không thể đứng yên.
Rõ ràng, đây là một căn bệnh rất dễ lây lan, ít triệu chứng nhưng lại giết chết rất nhiều người; vì vậy số trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng lớn và vượt ngoài tầm kiểm soát hay các cuộc xét nghiệm ở bất cứ quy mô nào.
Điều này lý giải vì sao Đức có tỷ lệ tỷ vong do Covid-19 thấp nhất châu Âu – với 1,4% số người nhiễm; trong khi tỷ lệ tử vong tại Pháp là hơn 10%. Đức đã xét nghiệm trên quy mô lớn hơn và tập trung cách ly với những người nghi nhiễm dù không có triệu chứng. Đức cũng là nơi có nhiều máy thở hơn những người bạn láng giềng.
Tất nhiên, cuộc khủng hoảng y tế lần này sẽ kéo theo khủng hoảng kinh tế và tài chính, nhưng mức độ khủng hoảng ra sao sẽ phụ thuộc vào chính sách của mỗi quốc gia và Chính phủ của họ.
Nhiều kịch bản được đưa ra. Chính phủ các nước có thể tung tiền hỗ trợ các công ty, hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng, quán cà phê... Và khi lệnh phong toả được dỡ bỏ ở hầu hết các quốc gia, việc làm sẽ dần trở lại như chưa từng đón "cơn bão" Covid-19 đi qua.
Các ngân hàng trung ương, với tiềm năng không giới hạn trong việc tạo thanh khoản, đương nhiên sẽ chiếm lĩnh thị trường tiền tệ.
Lãi suất cực thấp sẽ khuyến khích và tạo đòn bẩy cho mọi lĩnh vực: từ kinh tế hộ gia đình, tư nhân đến quốc doanh. Khi đó, việc tiếp cận dòng vốn trở nên dễ dàng hơn, sẽ có nhiều doanh nghiệp mới thành lập và nhiều doanh nhân trẻ xuất hiện.
Kịch bản nào cho tương lai xa và ai sẽ là người gánh chịu chi phí?
Bối cảnh hiện tại buộc các ngân hàng trung ương phải hạ lãi suất và khó có thể tăng trở lại ngay cả khi các nền kinh tế hồi phục và con số nợ vượt trần.
Việc Chính phủ các nước tung ra gói hỗ trợ kinh thế nhằm cứu doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, đồng thời thực hiện giãn cách xã hội có thể đẩy lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, đây có thể xem như chính sách tài khoá "điền vào chỗ trống", chứ không phải chính sách "đám đông chen lấn".
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia thực hiện chính sách hạn chế nhập khẩu và tăng giá hàng nội địa. Điều này cũng sẽ gây sức ép lên chuỗi cung ứng toàn cầu khi nhu cầu tăng đối với những mặt hàng khan hiếm.
Cuối cùng, Covid-19 có thể là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nước phương Tây. Sự phụ thuộc vào Trung Quốc và ngành sản xuất cung ứng dược phẩm yếu kém có thể làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Trong bất cứ giai đoạn nào của khủng hoảng toàn cầu, dù bắt nguồn từ chiến tranh, thay đổi khí hậu hay dịch bệnh, các quốc gia đều cần tự chủ trong những lĩnh vực quan trọng. Đầu tư (tư nhân hay Chính phủ) cho những lĩnh vực này luôn phải được ưu tiên hàng đầu.
Tôi cho rằng nền kinh tế sẽ không thể phục hồi theo mô hình chữ L khi mà các ngân hàng trung ương bị "kẹt" bởi lãi suất thấp, lạm phát và áp lực tiền lương có thể được kiểm soát phần nào. Đó có thể là một viễn cảnh tươi sáng cho những người đi vay, nhưng chắc chắn lại là "câu chuyện buồn" của những người gửi tiết kiệm.
Khi lãi suất thấp, người gửi tiết kiệm sẽ đối mặt với nhiều rủi ro và đồng tiền có khả năng thanh khoản thấp. Covid-19 đã phá vỡ những nguyên tắc mà bấy lâu nay từng được coi là "chân lý". Tiết kiệm không còn đồng nghĩa với an toàn và chắc chắn trong một thế giới đầy biến động!
Nói cách khác, sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, rất có thể thế giới sẽ chứng kiến một cuộc chuyển giao tài sản lớn: tiền sẽ chuyển từ tay người gửi tiết kiệm sang người đi vay, từ người già sang thế hệ trẻ. Đương nhiên, điều này không quá ngạc nhiên bởi những gì mà chúng ta đã chứng kiến sau cuộc khủng hoảng năm 2008.