Thế giới hậu HIV, Ebola và Covid-19: Căn bệnh chết chóc đáng sợ bậc nhất vẫn còn chưa xuất hiện đâu

05/01/2021 08:43 AM | Xã hội

Đó cũng chẳng phải nỗi sợ vu vơ, mà là một mối nguy thực tế dựa trên kiến thức khoa học có thật. "Chúng ta nên sợ. Trước kia, chẳng ai biết đến Ebola. Covid-19 cũng thế. Chúng ta phải sợ một dịch bệnh mới," - trích lời bác sĩ Dadin Bonkole

Người phụ nữ với triệu chứng sốt xuất huyết nhẹ ngồi lặng lẽ trên chiếc giường, cố gắng giữ 2 đứa trẻ đang vùng vẫy tìm cách bỏ chạy khỏi căn phòng được thiết kế như nhà giam tại một bệnh viện ở Ingende - ngôi làng hẻo lánh của Cộng hòa Dân chủ Congo. Họ đang chờ đợi kết quả xét nghiệm cho căn bệnh Ebola.

Người phụ nữ chỉ được phép trò chuyện với người thân thông qua một tấm kính nhựa. Danh tính của cô buộc phải giữ kín, nhằm tránh nhận phải sự kì thị từ cư dân địa phương vốn đang rất sợ lây nhiễm Ebola. 2 đứa trẻ cũng đã được xét nghiệm, dù chưa có bất kỳ triệu chứng gì.

Ebola trên thực tế đã có vaccine và phương pháp điều trị, qua đó giảm được tỉ lệ tử vong cho một căn bệnh tưởng như "đã mắc là chết". Tuy nhiên, nỗi băn khoăn của giới chuyên gia nằm ở chỗ khác: Nếu như người phụ nữ này không mắc Ebola, mà là bệnh nhân số 0 của "Bệnh X" (Disease X) thì sao?

Thế giới hậu HIV, Ebola và Covid-19: Căn bệnh chết chóc đáng sợ bậc nhất vẫn còn chưa xuất hiện đâu - Ảnh 1.

Để giải thích đơn giản, "Bệnh X" là một khái niệm trong y học để chỉ một loại virus có khả năng lây lan nhanh như Covid-19, nhưng lại có tỉ lệ tử vong từ 50% - 90% của Ebola. Dù sự tồn tại của "Bệnh X" chỉ là trên lý thuyết nhưng nếu nó thực sự xảy ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tin rằng nó sẽ tạo nên một đại dịch hết sức kinh hoàng. Chữ "X" ở đây có nghĩa "không thể dự đoán" (unexpected).

Và đó cũng chẳng phải nỗi sợ vu vơ, mà là một mối nguy thực tế dựa trên kiến thức khoa học có thật. "Chúng ta nên sợ. Trước kia, chẳng ai biết đến Ebola. Covid-19 cũng thế. Chúng ta phải sợ một dịch bệnh mới," - trích lời bác sĩ Dadin Bonkole, người điều trị cho bệnh nhân nói trên. 

Mầm bệnh mới đang chờ thời cơ xuất hiện

Nhân loại hiện nay đang phải đối mặt với một số lượng chưa xác định các chủng virus mới và đầy chết chóc tại những khu rừng mưa ở châu Phi, theo nhận định của Giáo sư Jean-Jacques Muyembe Tamfum, người đã góp công tìm ra virus Ebola năm 1976, và từ đó đã luôn theo đuổi tìm kiếm các mầm bệnh chưa xuất hiện.

Thời còn trẻ, Muyembe đã lấy mẫu máu từ một bệnh nhân đang mắc căn bệnh lạ gây sốt xuất huyết - thứ đã giết chết 88% bệnh nhân và 80% công nhân viên tại Bệnh viện Yambuku Mission. Mẫu máu ấy được gửi tới Bỉ và Mỹ, và trong đó có một loại virus có dạng giống giun. Giới khoa học gọi đó là Ebola - đặt theo tên của dòng sông đất nước Zaire, nơi có ổ dịch đầu tiên.

Thế giới hậu HIV, Ebola và Covid-19: Căn bệnh chết chóc đáng sợ bậc nhất vẫn còn chưa xuất hiện đâu - Ảnh 2.

Khi đó, để xác định Ebola cần một con đường rất dài, nối từ những khu rừng mưa châu Phi đến các phòng thí nghiệm tân tiến của phương Tây. Còn giờ, phương Tây phải dựa hoàn toàn vào giới khoa học tại châu Phi, để chuẩn bị ứng phó với các chủng virus mới trong tương lai.

Tại Ingende, nỗi sợ về một căn bệnh mới nay còn rõ ràng hơn, kể cả khi bệnh nhân mắc bệnh gần giống Ebola đã phục hồi. Mẫu máu của cô được đưa đi xét nghiệm với mọi căn bệnh có triệu chứng tương tự, nhưng đều cho kết quả âm tính. Nghĩa là, thứ gây bệnh ở cô vẫn đang là điều bí ẩn.

Trả lời phỏng vấn với CNN, Muyembe đưa ra lời cảnh báo về các dịch bệnh lây từ động vật sang người đang đến. Sốt vàng và bệnh Lyme - 2 căn bệnh lây từ động vật sang người - trước kia đã từng gây đại địch. HIV được xác định có nguồn gốc từ tinh tinh, để rồi trở thành căn bệnh thế kỷ. SARS, MERS, Covid-19 đều là virus corona tồn tại trên động vật, nhưng từ loài vật nào thì vẫn chưa thể khẳng định, dù nhiều khả năng là dơi.

Virus mới đang tới

Kể từ khi ca lây nhiễm từ động vật sang người đầu tiên được xác định vào năm 1901 (bệnh sốt vàng), giới khoa học đã tìm ra ít nhất 200 virus nữa có khả năng gây bệnh cho con người. Theo nghiên cứu của Mark Woolhouse, giáo sư dịch tễ từ ĐH Edinburgh (Anh), có khoảng 3 - 4 chủng virus mới được tìm thấy mỗi năm, và đa số đều bắt nguồn từ động vật.

Giới chuyên gia cho rằng, việc các chủng virus xuất hiện thực sự liên quan rất nhiều đến việc con người phá hủy hệ sinh thái và vấn nạn mua bán động vật hoang dã. Khi môi trường sống bị hủy hoại, các loài vật như chuột, dơi và côn trùng bắt đầu sống gần con người hơn. Chúng rất dễ trở thành vật chủ mang bệnh lạ đến cho con người.

Thế giới hậu HIV, Ebola và Covid-19: Căn bệnh chết chóc đáng sợ bậc nhất vẫn còn chưa xuất hiện đâu - Ảnh 3.

Dơi được xem là vật chủ trung gian cho rất nhiều chủng virus corona

Như với Ebola trong quá khứ, giới khoa học xác định nguyên nhân đến từ việc con người xâm lăng quá kinh khủng vào rừng mưa. Trong một nghiên cứu năm 2017, các chuyên gia nhận định 25 - 27 ổ dịch xung quanh các khu rừng mưa tại Trung và Tây Phi bằng dữ liệu vệ tinh trong giai đoạn 2001 - 2014. Nó bắt đầu từ trước đó 2 năm, khi các khu rừng bị tàn phá trầm trọng.

14 năm đầu tiên của thế kỷ 21, khoảng rừng mưa với diện tích lớn hơn Bangladesh đã bị chặt bỏ tại vùng đồng bằng châu thổ sông Congo. Liên hợp Quốc (LHQ) cảnh báo, nếu giữ tốc độ phá rừng như hiện tại, các khu rừng mưa tại Congo sẽ biến mất hoàn toàn vào cuối thế kỷ. Khi đó, động vật hoang dã và virus chúng mang theo sẽ tiếp cận con người, và hoàn toàn có thể gây ra thảm họa.

Những con người tuyến đầu cảnh báo dịch bệnh

Giáo sư Muyembe hiện tại đang đứng đầu Viện Nghiên cứu Y sinh Quốc gia Congo (INRB). Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cùng WHO, các phòng thí nghiệm của INRB có thể xem là hệ thống cảnh báo sớm về một dịch bệnh đã biết, như Ebola. Nhưng quan trọng hơn, nhiệm vụ của họ còn là để tìm kiếm các căn bệnh chưa từng được biết tới.

"Nếm mầm bệnh xuất hiện từ châu Phi, sẽ cần thời gian để nó lan ra toàn thế giới," - Myuembe nhận định. "Vậy nên nếu có thể xác định từ sớm, sẽ có cơ hội cho châu Âu và toàn cầu tìm ra giải pháp đối phó." 

Simon Pierre Ndimbo và Guy Midingi là 2 nhà sinh thái học, và là "thợ săn virus" tại Congo. Trong chuyến đi thực địa mới nhất, cả hai đã thu thập 84 con dơi, và họ phải làm một cách rất cẩn trọng. "Nếu không, chúng sẽ cắn" - Midingi giải thích. Bởi lẽ, chỉ một vết cắn thôi cũng có thể là thời khắc đầu tiên của một dịch bệnh mới.

Thế giới hậu HIV, Ebola và Covid-19: Căn bệnh chết chóc đáng sợ bậc nhất vẫn còn chưa xuất hiện đâu - Ảnh 4.

Ndimbo cho biết, ưu tiên lớn nhất của họ là tìm ra các dấu hiệu quả Ebola trong dơi. Như ổ dịch mới nhất tại tỉnh Équateur không chỉ xác định là lây từ người sang người, mà còn phát hiện ra một chủng virus mới được nhận định một loài vật trong rừng. Chỉ là, loài vật đó là gì thì chưa ai biết.

Những con dơi đã thu thập được lấy máu xét nghiệm Ebola, trước khi gửi tới INRB để nghiên cứu thêm, sau đó được trả về tự nhiên. Trên thực tế, có hàng tá chủng virus corona mới được phát hiện trên các loài dơi trong những năm gần đây. Mức độ nguy hiểm của chúng thì hiện tại chưa rõ.

Ca lây nhiễm Ebola đầu tiên ở người như thế nào đến nay vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, khoa học tin rằng quá trình lây lan ở các chủng bệnh như Ebola và Covid-19 bắt đầu trong quá trình mổ xẻ động vật hoang dã. Tại châu Phi, thịt động vật hoang dã - còn gọi là "thịt bụi" - là nguồn protein chính trong các khu rừng mưa, nhưng giờ đang được vận chuyển trên phạm vi toàn cầu. LHQ ước tính, mỗi năm có khoảng 5 triệu tấn thịt được cung cấp từ khu vực sông Congo đi khắp thế giới.

Chúng ta đã xâm phạm quá nhiều

Tại Kinshasa (Congo), một thương lái trong chợ đang hun khói xác của một con khỉ colobus. Sinh vật nhỏ bé ấy được bán với mức giá 22 USD (tương đương hơn 500 ngàn đồng), tuy nhiên ông cho biết còn có thể mặc cả được nữa.

Colobus là một loài khỉ lông dài tại châu Phi. Chúng đã từng bị săn đuổi nhiều đến mức tuyệt chủng tại một số khu vực của châu Âu, nhưng tay thương lái chia sẻ y có thể vận chuyển một số lượng kha khá tới châu Âu bằng máy bay.

"Thực sự mà nói thì việc vận chuyển khỉ bị nghiêm cấm" - y lý giải. "Chúng tôi phải cắt đầu và tay chân đi, sau đó nhét chung với các loại thịt hợp pháp khác.". Theo chia sẻ, y có đơn vận chuyển gần như mỗi tuần, chủ yếu là từ Ingende - chính là ngôi làng đang khiến giới chuyên gia lo sợ về một dịch bệnh mới.

Thế giới hậu HIV, Ebola và Covid-19: Căn bệnh chết chóc đáng sợ bậc nhất vẫn còn chưa xuất hiện đâu - Ảnh 5.

Những khu chợ bán động vật hoang dã tươi sống được cho là nguồn cơn lây nhiễm của nhiều căn bệnh mới

"Riêng tại Kinshasa đã có khoảng 5 đến 15 tấn 'thịt bụi' được xuất khẩu. Một số tới Mỹ, nhưng đã phần là đến châu Âu - chủ yếu là Brussels (Bỉ), Paris (Pháp) và London (Anh)" - trích lời Adams Cassinga, nhà điều tra tội phạm động vật hoang dã tại Congo.

Trên thực tế, khỉ, trăn và hươu la hun khói, dù trông kinh dị và tàn nhẫn nhưng chúng khó có thể mang theo virus nguy hiểm nhờ quá trình sơ chế. Trái lại, các khu chợ bán động vật tươi sống mới mới được xem là mối nguy thực sự, đặc biệt là khi khu chợ ấy bán các loài động vật sinh sống ngoài tự nhiên.

Có những khu chợ bày bán cá sấu, rồi rùa biển, rùa cạn, thậm chí cả tinh tinh ở những khu chợ đen. "Bệnh X" có thể lẩn trốn trong các loài vật này, lây lan trong quá trình dân lao động nghèo vận chuyển và chế biến chúng để phục vụ cho những người có tiền muốn thử hương vị lạ.

"Số thịt bụi ở đây vốn không dành cho người nghèo, mà để người giàu và có địa vị thưởng thức. Họ tin rằng thịt động vật hoang dã sẽ mang lại sức khỏe và sự cường tráng," - trích lời Cassinga. "Một số khác ăn để thể hiện uy quyền".

Thế giới hậu HIV, Ebola và Covid-19: Căn bệnh chết chóc đáng sợ bậc nhất vẫn còn chưa xuất hiện đâu - Ảnh 6.

Với giới khoa học, các khu chợ như vậy thường sẽ có liên quan đến bệnh lây từ động vật sang người. Như virus H5N1 - còn gọi là cúm gà - và SARS đều xuất hiện như vậy. Riêng Covid-19, nguồn gốc của bệnh vẫn chưa được xác định, nhưng đã có nghi ngờ nó xuất phát từ khu chợ bán thịt tươi sống.

Việc buôn bán động vật hoang dã cũng là dấu hiệu cho thấy các khu rừng đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Congo sở hữu khu rừng mưa nhiệt đới lớn thứ 2 thế giới sau Amazon, nhưng nó đang bị hủy hoại nặng nề bởi nông dân địa phương (chiếm 81% diện tích bị chặt phá). Họ phá rừng để phục vụ cho nông nghiệp.

Khi rừng bị phá hủy, hiển nhiên các loài vật hoang dã sẽ tiếp cận gần con người hơn, kéo theo nguy cơ lây nhiễm lớn. Và một khi chủng virus mới xuất hiện rồi lây lan giữa con người, hệ quả sẽ rất đáng sợ. Covid-19 là một minh chứng, Ebola cũng vậy. Và với việc con người ngày càng can thiệp sâu vào tự nhiên, sự xuất hiện của chủng bệnh mới sẽ không phải là "Nếu" nữa, mà là "Khi nào".

Nguồn: CNN

JD

Cùng chuyên mục
XEM