Thế giới di động tiến công Indonesia: Vì sao Erablue được thị trường ưa chuộng nhưng 5 tháng mới mở 5 cửa hàng, trái ngược kiểu "mở như vũ bão" ở Việt Nam?
Trong ĐHCĐ 2023 vừa qua, Ban lãnh đạo Tập đoàn Thế Giới Di Động luôn liên tục khẳng định mô hình kinh doanh lấy dịch vụ làm lợi thế cạnh tranh của Erablue được người dân Indonesia ưa chuộng và thị trường điện máy ở đây còn rất nhiều dư địa. Tuy nhiên, dù đã khai trương được gần 5 tháng, Erablue mới chỉ có 5 cái, tốc độ mở vô cùng chậm khác với phong cách mở chuỗi kiểu vũ bão của họ trước giờ.
Mỗi cửa hàng Erablue thu vào từ 4,5 - 5 tỷ đồng/tháng
“ Liên quan tới thị trường Indonesia, cuối năm 2022 chúng tôi mở 5 cửa hàng đầu tiên tại khu vực Tangerang, Jakarta: Ciledug, Ciputat, BSD & Pamulang. Và tới thời điểm này, tín hiệu chuỗi mới này mang lại cũng khá tích cực.
Hiện tại, diện tích trung bình mỗi shop Erablue khoảng 400 m2, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng vào khoảng 4,5 - 5 tỷ đồng/tháng, tương đương với doanh thu của một siêu thị Điện Máy Xanh hoạt động lâu năm tại Việt Nam. Với quy mô và doanh thu như vậy, nếu ở Việt Nam thì chắc có lời rồi!
Nhưng khi sang thị trường nước ngoài, những chi phí ở thời điểm set-up ban đầu khá cao, nên với mức doanh thu này, chúng tôi vẫn phải tiếp tục nỗ lực để tối ưu những chi phí còn lại, cũng như hoàn thiện mô hình kinh doanh và tìm ra công thức đúng nhất. Dự kiến khoảng giữa quý II/2023 chúng tôi sẽ bắt đầu tăng tốc.
Trên tinh thần cẩn trọng, chúng tôi sẽ mở cửa hàng mới chậm và liên tục hoàn thiện mô hình, cho đến lúc chúng tôi tự tin nhất để có thể sẽ phát triển như vũ bão. Kỳ vọng là tại thời điểm đó thị trường cũng bắt đầu sáng sủa trở lại, việc mở rộng tăng tốc sẽ có ý nghĩa hơn ”, ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO công ty CP Thế Giới Di Động chia sẻ trong ĐHCĐ 2023.
Cũng theo ông Đoàn Văn Hiểu Em có 6 nguyên do khiến thị trường điện tử - điện máy của Indonesia còn hấp dẫn hơn cả Việt Nam.
Đầu tiên , Indonesia là một thị trường rất lớn, có diện tích gấp 2,7 lần so với Việt Nam và dân số cũng gấp 2,7 lần Việt Nam.
Thứ hai , tại Indonesia đang có sự chênh lệch lớn giữa sức mua dòng sản phẩm điện thoại và điện máy. Ví dụ, tại Việt Nam nếu thị trường nói chung có quy mô 10 tỷ USD, thì điện máy chiếm 5 tỷ USD và điện thoại tương tự đạt khoảng 5 tỷ USD. Trong khi con số hiện tại ở Indonesia là 80% điện thoại và chỉ 20% là điện máy.
Thứ ba , thị trường Indonesia thì khá minh bạch về vấn đề thuế khóa, không giống Campuchia.
Thứ tư , vấn đề dịch vụ điện máy còn sơ khai ở Indonesia. Tại thị trường này, vấn đề giao hàng và lắp đặt điện máy chưa thực sự tốt - hiệu quả vì nhà bán lẻ chỉ đóng vai trò trưng bày và tư vấn, giới thiệu bán hàng sản phẩm; còn khi có đơn hàng thì toàn bộ trách nhiệm được chuyển về cho các đối tác, tức các hãng sẽ là người giao hàng và tới nhà lắp đặt cho khách hàng. Đây là cung cách mà thị trường điện máy Việt Nam khi chưa có Điện Máy Xanh.
Điều này sẽ tạo nên ùn tắc và làm chậm việc giao hàng, có thể kéo dài từ 5-7 ngày mới hoàn tất. Khi MWG sang thị trường Indonesia, họ sẽ mang theo cả những dịch vụ đã làm rất thành công ở Việt Nam. Đó là lợi thế - sự khác biệt rất lớn của tân binh Erablue tại Indonesia và nó khác biệt hẳn so với các đối thủ khác trên thị trường.
Yếu tố tiếp theo , lần này MWG không chỉ đi sang Indonesia một mình mà họ hợp tác nhà bán lẻ rất lớn là Erajaya – có 1.200 cửa hàng bán lẻ và là thương hiệu số 1 trong lĩnh vực điện thoại. Erajaya cũng là một công ty niêm yết và cũng có nhu cầu phát triển về điện máy. Sau khi hợp tác, hai bên có thể bổ trợ lẫn nhau để có thể giúp Erablue sớm hoàn thiện được mô hình kinh doanh của mình và tăng tốc trong tương lai.
Cuối cùng: ở thị trường Indonesia, các nhà bán lẻ giống có quy mô giống Điện Máy Xanh ở Việt Nam không có nhiều. Cộng số cửa hàng của dai nhà bán lẻ lớn là Electricity và Hartono cũng chỉ tầm từ 100 - chưa tới 200 cửa hàng và phần lớn là nằm trong trung tâm thương mại.
Trong khi các cửa hàng Erablue của MWG là mô hình nằm ở ngoài đường rất tiện lợi cho sự mua sắm của người dân Indonesia. Theo quan sát của MWG, thì tập quán và thói quen mua sắm của người dân Indonesia khá tương đồng với Việt Nam. Do đó, Erablue đón nhận khá nhiều sự ủng hộ từ khách hàng.
Theo đó, lộ trình là trong 5 năm tớI, MWG sẽ mở khoảng 500 cửa hàng và thậm chí có thể là IPO cho Erablue ở Indonesia cùng với đối tác của mình.
“ Thị trường Indonesia khác với Campuchia ở chỗ nào? Nó khác biệt rất lớn. Khi nhìn vào một chuỗi bán lẻ, 2 chỉ số đầu tiên cần đánh giá đó là traffic (lưu lượng khách) và doanh thu. Có traffic tức là có khách vào và có doanh thu thì sớm hay muộn gì cũng biến traffic và doanh thu đó thành lợi nhuận. Ở thị trường Indonesia, doanh thu của Erablue vẫn đang nằm ở đó, chỉ có điều để ‘bài binh bố binh bố trận’ một hệ thống vận hành có thể hỗ trợ một chuỗi lớn, thì rõ ràng 5 shop Erablue này không thể gánh nổi.
Nhưng doanh thu ban đầu của chuỗi cho thấy: khách hàng đang ủng hộ mô hình này, bởi vì nó khác biệt so với những cái mà ở Indonesia đang có. Ở Indonesia, các nhà bán lẻ điện máy chủ yếu hoạt động theo mô hình referral – tức chỉ giới thiệu sản phẩm. Vụ thể: nhà bán lẻ sẽ dựng ra một cửa hàng để cái tivi và cho khách hàng đến xem xong, rồi sau đó giới thiệu khách hàng cho hãng để hãng đi giao hàng và lắp đặt...
Còn cái MWG – Erablue đang làm là full-service, tức chúng tôi là người mua hàng và làm tất cả mọi thứ từ dịch vụ lắp đặt cho đến hậu mãi; đây là điều chưa từng có ở Indonesia trước khi chúng tôi sang ”, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nhấn mạnh.
Sự thận trọng cần thiết của MWG – Erablue
Việc MWG mới mở có 5 cửa hàng Erablue trong gần 5 tháng chào sân đã khiến mọi người khá ngạc nhiên, bởi nó khác với phong cách mở chuỗi kiểu vũ bảo của họ. Vào tháng 2/2022, MWG tuyên bố là sẽ tập trung thật sự vào An Khang và nhanh chóng mở khoảng 200 nhà thuốc khắp toàn quốc, đến cuối tháng 5/2022, mỗi tháng họ còn mở trên dưới 100 nhà thuốc, để cán mốc 500 vào cuối tháng 7/2022.
Sở dĩ MWG lần này thận trọng như thế đến từ rất nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất là ‘bài học’ Bluetronics ở thị trường Campuchia. MWG đã tiến quân sang Campuchia cách đây 6 năm, đầu tiên họ lấy tên chuỗi là BigPhone và cách đây 3 năm đổi thành Bluetronics. Giữa năm 2021, Bluetronics có tổng cộng 55 cửa hàng và là chuỗi bán lẻ điện tử - điện máy lớn nhất Campuchia.
Nhưng tình hình kinh doanh tại Bluetronics ngày càng đi xuống không như kỳ vọng của Tập đoàn, từ số lượng vài chục điểm bán, cuối 2022 số lượng cửa hàng Bluetronics chỉ còn vài cái. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của TGDĐ tiết lộ: mảng kinh doanh tại Campuchia đến cuối năm 2022 lỗ lũy kế 274 tỷ đồng. Năm 2022 là năm chuỗi này lỗ nặng nhất, với khoản lỗ lên đến 187 tỷ đồng.
Vậy nên, đến quý I/2023, MWG đã quyết định rời bỏ thị trường Campuchia để cắt lỗ đồng thời tập trung toàn lực cho thị trường Indonesia. Việc Bluetronics không thành công đến từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan, song nó cũng nói rõ với MWG một điều: xuất ngoại – dù đó là thị trường chưa trưởng thành và trông có vẻ tiềm năng, văn hóa giống Việt Nam, thì vẫn gặp rất nhiều thách thức khó lường.
Tiếp nữa, nền kinh tế nói chung đang trong giai đoạn khó khăn, sức mua của khách hàng giảm ở trên hầu hết ngành hàng. Trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu lũy kế của chuỗi Thế Giới Di Động và Địện Máy Xanh giảm 32% so với 2022 (giai đoạn thị trường bị dồn nén sau Covid-19). Tại Indonesia cũng không khác: khi thị trường điện thoại thông minh của Indonesia lần đầu tiên sụt giảm sau 13 năm tăng trưởng - giảm 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái (YoY) xuống còn 35 triệu thiết bị vào năm 2022, theo IDC.
Sự suy giảm đã xóa sạch hoàn toàn sự tăng trưởng trong ba năm trước, quy mô thị trường cũng giảm xuống mức 2018 – 2019. Trong quý IV/2022, thị trường suy giảm 17,6% so với cùng kỳ năm trước, đi kèm với mức tăng trưởng 3,9% so với quý trước (QoQ), đạt 8,5 triệu thiết bị. Tăng trưởng hàng quý chủ yếu nhờ phát hành sản phẩm và nỗ lực quảng bá của các nhà sản xuất, chứ nhu cầu của người tiêu dùng vẫn yếu.
Bên cạnh đó , sau những thử nghiệm liên tiếp chưa thành công với AVA World, 2 chuỗi An Khang và Bách Hóa Xanh vẫn đang vật vã để có thể nhanh đạt đến điểm hòa vốn hướng đến có lời cộng với đang thời ‘thóc cao gạo kém’; Chủ tịch nguyễn Đức Tài sẽ không còn dám mạnh miệng kiểu "xem như chúng tôi đã đốt 50 tỷ để tìm kiếm một ‘Điện Máy Xanh’ khác" như trong buổi ra mắt AVA World đầu năm 2022. Họ còn ‘vướng’ thêm đối tác Erajaya, muốn làm gì phải có sự đồng thuận của cả hai.
Tuy nhiên, với động thái mới đây của MWG, có vẻ họ đã gần xong giai đoạn thăm dò thị trường Indonesia.
Mới đây, Tập đoàn Thế Giới Di Động và Erajaya đã tổ chức Hội nghị Đối tác Erablue vào ngày 12/4/2023 với sự tham gia của 62 nhà cung cấp hàng đầu đất nước vạn đảo. Theo chia sẻ từ MWG, đây sẽ là cơ hội để Erablue giới thiệu tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị của mình cho các đối tác sản xuất trong lĩnh vực điện tử và viễn thông. Một trong những giá trị cốt lõi chính của Erablue, cũng giống Thegioididong.com và Điện Máy Xanh, đó là lấy khách hàng làm trung tâm.
62 nhà cung cấp nói trên đến từ các doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ ngành điện tử viễn thông cùng toàn thể Ban lãnh đạo MWG; bao gồm ông Nguyễn Đức Tài (Chủ tịch tập đoàn Thế Giới Di Động), ông Trần Huy Thanh Tùng (Tổng Giám Đốc kiêm Nhà sáng lập Thế Giới Di Động), ông Đoàn Văn Hiểu Em (CEO công ty CP Thế Giới Di Động) và các ông Charlie Bae (CEO - PT Era Blu Elektronik), ông Joy Wahjudi (CEO của Erajaya Digital) cùng ban lãnh đạo cấp cao của tập đoàn Erajaya.
Erablue đã sẵn sàng để cùng với các đối tác kinh doanh của mình xây dựng thêm và mở rộng mô hình kinh doanh trong năm 2023 này, cùng dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực bán lẻ điện tử tiêu dùng Indonesia.