Thế giới đang lâm vào trận chiến giữa các vệ tinh

26/09/2016 19:43 PM | Công nghệ

Những công ty khái thác vệ tinh đang cố gắng phóng nhiều hơn nữa vào quỹ đạo, với khoảng 24 vệ tinh sẽ được đưa vào quỹ đạo từ nay đến cuối năm. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do lợi nhuận cận biên của ngành công nghiệp này đang giảm tốc và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Thêm vào đó, chi phí phóng mỗi tàu vũ trụ hiện nay vào khoảng 500 triệu USD đang khiến nhiều công ty hoạt động trong ngành gặp khó khi đang cần nâng cấp và mở rộng dịch vụ.

4 công ty là Intelsat SA, SES SA, Eutelsat Communications SA và Telesat đã chiếm hơn 70% lợi nhuận trong ngành truyền hình vệ tinh là những ông lớn thực sự trên thị trường trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, việc phóng thêm quá nhiều vệ tinh để nâng cấp dịch vụ như viễn thông, Internet... đang khiến mức giá bình quân của ngành giảm xuống, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận cận biên.

Hãng phân tích Northern Sky Research nhận định tình trạng nhiều nhà cung cấp trực tuyến vệ tinh hiện nay phóng nhiều vệ tinh cỡ lớn với công suất khổng lồ, khiến cung đang dần vượt cầu.

Tháng 5/2016, hãng Eutelstat đã hạ mức dự báo lợi nhuận cuối năm nay và cả năm sau, khiến cổ phiếu giảm tới 28% trong 1 phiên.

Trong khi đó, hãng Intelsat đang phải đau đầu với khoản nợ dài hạn hơn 14 tỷ USD và cổ phiếu đã giảm hơn 80% kể từ đầu năm 2014. Cổ phiếu của SES cũng giảm 12% từ đầu năm đến nay.


Thay đổi giá cổ phiếu của các ông lớn Intelsat, Eutelsat hay SES kể từ phiên 12/31/2015 (%)

Thay đổi giá cổ phiếu của các ông lớn Intelsat, Eutelsat hay SES kể từ phiên 12/31/2015 (%)

Theo CEO Daniel S. Goldberg của Telesat, dù nhu cầu thị trường vẫn tăng trưởng nhưng nguồn cung đã vượt cầu từ 1 năm nay.

Vụ nổ phóng vệ tinh mới đây của Facebook không hề ảnh hưởng đến phong trào đưa vệ tinh lên vũ trụ. Trong một thập kỷ qua, dung lượng truyền tải vệ tinh trên toàn cầu đã tăng hơn 4 lần lên 1,5 terabyte/giây. Tốc độ này đủ để truyền tải 3,6 triệu bức ảnh kỹ thuật số.

Không dừng lại ở đó, nhiều chuyên gia nhận định tốc độ này có thể lên đến 8 terabyte/giây vào năm 2020.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ này là do hàng loạt những hãng truyền thông vệ tinh như Avanti Communications Group, Carlsbad, Viasat Inc và Thaicom nhảy vào thị trường và phóng các vệ tinh vào quỹ đạo.


Tốc độ truyền tải của các vệ tinh có thể đạt 4,3 Terabute/giây vào năm 2018

Tốc độ truyền tải của các vệ tinh có thể đạt 4,3 Terabute/giây vào năm 2018

Bóng bóng thị trường vệ tinh?

Nhờ giá thành thấp hơn mà một số hãng như Panasonic Corp hay Global Eagle Entertainment có thể mua công suất đường truyền vệ tinh và cung cấp dịch vụ Wifi hàng không qua vệ tinh.

Trong khi đó, những công ty như Facebook hay Alphabet (Google) lại đang muốn dùng vệ tinh để mở rộng đường truyền Internet cũng như viễn thông tại các thị trường như Châu Phi.

Theo hãng phân tích Comsys, những dịch vụ ngày nay chưa theo kịp được với tốc độ phát triển của đường truyền vệ tinh, thậm chí có thể gây nên tình trạng bong bóng thị trường như vụ bong bóng sợi cáp quang vào thập niên 90 và đổ vỡ vào năm 2001.

Hãng Eutelsat cho biết giá cả của một số dịch vụ đường truyền vệ tinh đã giảm đến 20% trong vài năm qua và dự đoán giá dịch vụ sẽ còn giảm 50% trong 5 năm tới.

Tồi tệ hơn, một số chuyên gia phân tích nhận định nhiều dịch vụ mới như truyền dữ liệu kỹ thuật số thay vì tín hiệu video cho truyền hình có mức lợi nhuận thấp hơn so với công nghệ cũ trước đây.

Hãng Menlo Park cho rằng các ông lớn trong ngành dịch vụ vệ tinh ngày nay đang đánh thấp mối đe dọa thừa cung hiện nay. Công nghệ phát triển nhanh chóng buộc các hãng phải thường xuyên nâng cấp vệ tinh hơn để đáp ứng dịch vụ mới, nhưng điều này cũng khiến họ có ít thời gian để thu hồi vốn sau khi đã vay nợ để xây dựng và đưa vệ tinh vào quỹ đạo.

“Nếu thị trường đổ vỡ, giá giảm mạnh, các nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh thay vì có khoảng 15 năm để thu hồi vốn thì sẽ chỉ còn 3-5 năm. Đây là mối rủi ro vô cùng lớn”, chuyên gia tư vấn Tim Farrar của Menlon Park nhận định.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM