Thấy gì từ vụ thắng kiện bản quyền 9 tỷ USD của Google?

28/05/2016 13:51 PM | Kinh doanh

Chiến thắng của Google trước Oracle khi không phải bồi thường 9 tỷ USD nhờ quyền sử dụng hợp lý (fair use) là một cột mốc quan trọng không chỉ cho hệ sinh thái Android, cộng đồng lập trình Java... mà còn cho sự phát triển chung của giới công nghệ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu như Google không được phép sử dụng 11.500 dòng code của Oralce và đưa lên hệ điều hành Android? Những lập trình viên của “cỗ máy tìm kiếm” sẽ phải nghĩ ra những dòng code chưa từng xuất hiện trên thế giới để tạo một hệ điều hành Android không kế thừa gì từ những thành tựu phát triển trước đó.

Hệ quả là hàng tỷ người dùng trên khắp thế giới sẽ phải chờ lâu hơn nhiều để có được những phiên bản cập nhật, trong khi số tiền phải trả cũng nhiều hơn khi mà những vận dụng không đúng về bản quyền được áp dụng.

Tòa án Mỹ đã ra phán quyết thắng cuộc cho Google bởi công ty này chứng minh được rằng, việc họ sử dụng những dòng code đó trên Android là nằm trong mục sử dụng hợp lý.

Trên thực tế, “không có gì mới dưới ánh mặt trời” và việc sử dụng các ý tưởng, chất liệu của người đi trước để tạo ra những sản phẩm mới xảy ra ở mọi lĩnh vực chứ không riêng gì công nghệ.

Nếu ai cũng phải sáng tạo ra những thứ hoàn toàn mới, chưa từng xuất hiện trước đó thì chắc chắn sẽ có rất ít cái mới được ra đời. Đó chính là lý do Mỹ - quốc gia số 1 thế giới về phát triển công nghệ cũng như bảo vệ bản quyền, đã đề ra quy định về “sử dụng hợp lý - fair use”. Theo đó, bạn có thể sử dụng tài liệu được bảo vệ bản quyền trong một số trường hợp nhất định mà không phải xin phép chủ sở hữu.

“Fair use” không phải là một quy định chống lại bảo vệ bản quyền mà là biện pháp giúp cho sự sáng tạo được phát triển không ngừng. Nó giúp những người mới có thể kế thừa thành tựu cơ bản đã có trước đó một cách hợp pháp.


Chiến thắng của Google được xem là tốt cho tất cả mọi người khi mã nguồn mở Android vẫn giữ được đúng bản chất của nó: nơi tất cả quyền đều mở. Ảnh: tgdaily.

Chiến thắng của Google được xem là "tốt cho tất cả mọi người" khi mã nguồn mở Android vẫn giữ được đúng bản chất của nó: nơi tất cả quyền đều mở. Ảnh: tgdaily.

Fairuse trong nghệ thuật

Trước Google, trong lĩnh vực nghệ thuật, Richard Prince – họa sĩ nổi tiếng bị giễu cợt với biệt danh “ông hoàng nhai lại” cũng thắng vụ kiện tương tự nhờ “fair use”. Năm 2011, Prince từng bị kiện vì dùng hình ảnh từ cuốn sách Yes Rasta mà không xin phép tác giả Patrick Cariou, một trong số đó có giá lên đến 2,5 triệu USD.

Nghệ sĩ này từng bị Tòa án Manhattan (Mỹ) xử thua cuộc, nhưng sau đó Prince kháng án thành công vào năm 2013 nhờ chứng minh mình có quyền “fair use” với bản quyền của Patrick Criou. Prince cho rằng, bằng cách tách rời bức ảnh khỏi bối cảnh của họ, nghệ sĩ này tạo ra các tác phẩm mới mẻ, nhiều giá trị hơn.

Trong lĩnh vực hội họa, cách mà Marcel Duchamp - một trong những thành viên có ảnh hưởng nhất của trường phái Dada làm với bức Mona Lisa cũng “fair use” tương tự như Richard Prince và bức tranh đó được thừa nhận là một tác phẩm biệt lập chứ không phải là nhai lại.

Trở lại với trường hợp của Google và Oracle, "máy tìm kiếm" đã rất công bằng khi thừa nhận mình sử dụng các dòng code của người đi kiện nhưng khẳng định đó là “fair use”. Điều này giống như một ví dụ về sử dụng từ ngữ trong bối cảnh một người đàn ông yêu một người đàn bà có học thức rất cao, và anh chàng không thể nói với nàng: “Anh yêu em điên dại”, bởi vì cậu ta hiểu rằng cô nàng biết (và cô nàng cũng biết rằng cậu biết) những chữ ấy được viết ra bởi một nhà văn nổi tiếng.

Cũng vì thế, để giải quyết điều này, chàng trai sẽ nói: “Như nhà văn X từng nói, anh yêu em điên dại”. Nhưng đây là trong tiểu thuyết, còn thực tế, với những điều phổ quát đã được thừa nhận, mọi người coi đó là “fair use” để mọi việc trở nên đơn giản, thuận tiện cho sự tiến bộ và phát triển chung của xã hội.

Phía sau câu chuyện kiện tụng và “sử dụng hợp lý”

Trao đổi với chúng tôi, cựu giám đốc sản phẩm của một công ty công nghệ nổi tiếng ở Việt Nam bình luận, trong những vụ kiện bản quyền của các thương hiệu lớn, khả năng kiện thắng để lấy được tiền bồi thường rất hiếm khi xảy ra. Trong phần lớn các trường hợp, vụ kiện kéo dài nhiều năm và khó phân thắng bại vì thực tế cũng khó có chuyện một hãng copy hẳn của bên khác để tạo ra sản phẩm mới.

Cũng vì thế, việc thắng kiện của Google là một bước ngoặt quan trọng của “hệ sinh thái Android, cộng đồng lập trình Java và những lập trình viên đang phụ thuộc vào ngôn ngữ lập trình miễn phí để xây dựng những sản phẩm sáng tạo cho người dùng” (lời của đại diện Google).

Ông này cho rằng, đây sẽ là một bàn đạp quan trọng thúc đẩy các hãng phải phát triển và sáng tạo nhanh hơn nhưng cũng giúp cho những người mới có được công cụ tốt để phát triển và cạnh tranh. “Bảo vệ bản quyền kéo dài quá lâu và không cho phép người khác sử dụng bất cứ thành tố nào trong phát minh, sáng chế được đăng ký là cản trở sự phát triển chung.”, ông này nhận định.

Chuyên gia này cũng nhận xét thêm: “Thực tế, không một công ty nào có thể phát triển lớn mạnh chỉ dựa vào việc copy và ăn cắp bản quyền của người khác. Những nghệ sĩ tài năng, công ty công nghệ lớn mạnh được là nhờ kế thừa được những thành tựu và sáng tạo của người đi trước ở mức độ sử dụng hợp lý (fairuse). Chính vì thế, fairuse được thừa nhận trong một vụ kiện lớn như Google với Oracle là thay đổi mang tính cột mốc”.

Hoàng Ly - H.Minh

Cùng chuyên mục
XEM