Thấy gì khi nhân viên ngân hàng đi bán hàng online?

27/12/2019 08:45 AM | Xã hội

Trong thời đại 4.0, việc giới thiệu và chào bán sản phẩm, dịch vụ qua các kênh mạng xã hội đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là các nhân viên ngân hàng không phải dùng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng mình mà là để ...bán hàng online như một hình thức kinh doanh cá nhân để kiếm thêm thu nhập.

Đi sâu vào câu chuyện của những banker bán hàng online, chúng ta sẽ thấy được nhiều điều hơn thế…

Chúng ta phải nhìn nhận chân thật với nhau rằng, vẫn còn một bộ phận không nhỏ nhân viên ngân hàng đang không thể sống bằng lương. Người ta cứ kháo nhau rằng lương ngân hàng này 30 triệu, ngân hàng kia 20 triệu và thấp nhất cũng trên dưới 10 triệu. Tuy nhiên, đó là lương bình quân tính cho cả lãnh đạo và nhân viên. Còn thực tế, những nhân viên lao vụ, bảo vệ, nhân viên ngân quỹ, nhân viên hành chính, văn thư, thậm chí là giao dịch viên, lương dao động tầm từ 4 đến 8 triệu đồng/tháng. Với số tiền lương đó, nếu ở Sài Gòn, Hà Nội phải thuê nhà trọ, nuôi con nhỏ,...thì không cần nói ra chúng ta cũng hiểu vẫn còn nhiều banker phải sống vất vưởng với lương ngân hàng.

Banker bán hàng online trước tiên cũng vì muốn tăng thêm thu nhập để trang trải cuộc sống. Nhưng cũng có nhiều trường hợp bán hàng online như một sở thích hay một đam mê nào đó, chứ không phải tất cả vì thu nhập. Thật ra, dân ngân hàng không chỉ sống bằng nguồn tiền lương mà còn bằng nhiều nguồn thu nhập khác. Ví dụ như những gia đình banker có điều kiện, có nhà trọ cho thuê, có quán ăn riêng hoặc các banker ở vùng nông thôn thì có thêm vườn cây, ao cá để cải thiện thu nhập. Và bạn cũng dễ dàng bắt gặp, nhiều banker cuối tuần quần quật với công việc đồng áng, chăn nuôi, trồng trọt hay buôn bán nhỏ tại gia đình.

Banker thường bán online nhiều hàng hóa khác nhau. Nhưng tựu chung các banker thường rao bán nhà đất (kiểu "cò" để hưởng hoa hồng), bán mỹ phẩm, thực phẩm, quần áo, quà đặc sản vùng miền hay tất cả những thứ gì có thể bán được. Thậm chí đến ngay cả một ly cà phê, một ly trà sữa, một trái rau câu dừa...banker cũng có thể bán online.

Việc bán hàng online là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ. Há chẳng phải Amazon, Alibaba...cũng đã trở thành những gã khổng lồ từ việc bán hàng online đó sao? Và banker bán hàng online không phải là điều xấu, vì nó chính đáng và là một cách kiếm tiền không vi phạm pháp luật, ít nhất là tại thời điểm này (ở đây chúng ta tạm gác qua việc đóng thuế thu nhập hay đóng phí quảng cáo trên mạng xã hội). Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, các nhà băng cũng nên thẳng thắn nhìn nhận lại vấn đề nhân viên ngân hàng mình tham gia bán hàng online trên cơ sở một số vấn đề sau:

Thứ nhất, nhân viên ngân hàng bán hàng online ngay trong giờ làm việc thì sao có thể tập trung toàn tâm cho công việc? Đang làm việc, có tin nhắn inbox đặt hàng, có comment về sản phẩm thì lại check, trả lời và tổ chức triển khai công tác giao hàng các thứ. Chưa kể, những khách hàng mua hàng online của banker đâu đó lại có những có những đồng nghiệp của họ. Nghĩa là trong một thời điểm nào đó trong giờ làm việc, một giao dịch mua bán online thành công ít nhất đã có 2 nhân viên ngân hàng lãng phí thời gian cho công việc. Còn nếu việc bán hàng online sau giờ làm việc, đó là quyền của các banker. Tuy nhiên, nếu cứ mải mê bán hàng online, nhân viên ngân hàng không thể chuyên tâm để tiếp thị, chăm sóc khách hàng hoặc học quy trình nghiệp vụ.

Thứ hai, nói đi thì cũng nói lại. Để nhân viên ngân hàng tập trung 100% cho công việc, các ngân hàng cần có chính sách lương đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho nhân viên, có xét đến các yếu tố về hệ số đắt đỏ tại các thành phố lớn, tiền nhà trọ, xăng xe, sinh hoạt cá nhân và nuôi con nhỏ,...Vì một khi nhân viên ngân hàng không sống được bằng lương thì bắt buộc họ phải tìm một công việc nào đó để tăng thêm thu nhập. Và bán hàng online cũng chỉ là một trong những cách banker kiếm thêm tiền mà thôi.

Thứ ba, các ngân hàng và mỗi banker cũng nên có những quy chuẩn hình ảnh định vị giá trị thương hiệu cho riêng mình. Khách hàng sẽ nghĩ sao nếu một giao dịch viên ngân hàng bán hàng theo kiểu quay clip hay live stream trên mạng xã hội để quảng cáo sản phẩm đại khái như: "Xin chào các bạn! Em là… Nay em xin giới thiệu đến các bạn sản phẩm…Cả nhà ủng hộ em nhá!". Hình ảnh một banker ngân hàng XYZ nào đó cũng có thể ít nhiều tạo niềm tin cho khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng không chỉ tin vào cá nhân banker đó mà còn tin vào cả ngân hàng mà nhân viên đó đang công tác.

Và bạn ít khi thấy những biên tập viên các chương trình thời sự của các đài truyền hình mà bán hàng online như dân ngân hàng. Bởi lẽ một điều đơn giản, biên tập viên cần phải giữ gìn hình ảnh cá nhân, không được phép sa đà vào việc bán hàng trên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến hình ảnh đơn vị công tác. Như đã nói, bán hàng online không xấu, nhưng nếu không tỉnh táo, dân ngân hàng rất dễ bị cuốn theo dòng xoáy và dần dần làm giảm đi hình ảnh cá nhân của mình.

Mùa lễ hội cuối năm lại về, Tết Canh Tý lại đến với bao bộn bề, lo toan. Và có lẽ đâu đó, dân ngân hàng đang tất bật cho mùa vụ kinh doanh oline cuối năm. Sau mỗi hình ảnh nhân viên ngân hàng bán hàng online là biết bao nỗi niềm của người trong cuộc, là biết bao hoàn cảnh, biết bao gia đình banker đang vật vả tìm kế mưu sinh. Chúng ta không phê phán nhưng cũng không nên cổ súy cho việc banker đắm chìm trong việc bán hàng online. Các anh chị banker ơi! Nghề ngân hàng có nhiều cách để kiếm tiền, tăng thu nhập bằng rất nhiều sản phẩm, dịch vụ của chính ngân hàng mình. Tại sao chúng ta thờ ơ, xao nhãng với việc bán sản phẩm ngân hàng để tuổi trẻ "sống mòn" tại các nhà băng? Trên thực tế chắc cũng không có nhiều trường hợp vừa bán hàng giỏi tại ngân hàng lại vừa bán hàng online tốt. Và không ai khác, các banker hãy xác định rằng bạn sẽ quyết tâm trở thành một banker chuyên nghiệp hay chỉ là người lơ ngơ khởi nghiệp trên những "phiên chợ online" không định hướng?

Theo Hoài Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM