Thầy dạy Toán 65 tuổi sáng tác bài hát "Đánh giặc Corona" dậy sóng cộng đồng mạng: "Chẳng nhẽ trong cuộc chiến này, âm nhạc lại đứng ngoài?"

13/02/2020 22:02 PM | Sống

Ông Lê Thống Nhất (65 tuổi), người được mệnh danh là thầy dạy Toán học có tâm hồn nghệ sĩ, vừa cho ra mắt ca khúc "Đánh giặc Corona" nhận được sự quan tâm và hưởng ứng của cộng đồng mạng.

COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/vùng lãnh thổ trên khắp thế giới. Việt Nam đã ghi nhận 16 trường hợp dương tính với virus. Trong số họ, 7 người đã được xuất viện.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nói, "Chống dịch như chống giặc" ngay từ phiên họp đầu tiên về dịch virus Corona. Cả nước cùng bước vào "cuộc chiến" một cách mạnh mẽ và quyết liệt nhất.

Trên tinh thần đó, mới đây, ông Lê Thống Nhất (65 tuổi) - người được mệnh danh là Thầy dạy Toán học có tâm hồn nghệ sĩ đã sáng tác ca khúc "Đánh giặc Corona", ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội.

Thầy dạy Toán 65 tuổi sáng tác bài hát Đánh giặc Corona dậy sóng cộng đồng mạng: Chẳng nhẽ trong cuộc chiến này, âm nhạc lại đứng ngoài? - Ảnh 1.

Tiến sĩ Toán học Lê Thống Nhất - chủ nhân của ca khúc "Đánh giặc Corona".

Bài hát "Đánh giặc Corona". Nhạc và lời: TS Lê Thống Nhất.

Tiến sĩ Lê Thống Nhất sinh năm 1955 tại TP Nam Định, nguyên quán Nghệ An. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ về phương pháp giảng dạy Toán năm 1996. Ông từng công tác tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với các chức danh Thư ký Tòa soạn tạp chí Toán học & Tuổi trẻ, Phó Tổng biên tập tạp chí Toán Tuổi thơ, Trợ lý Tổng Giám đốc.

Năm 2008 - 2009, ông lãnh đạo Dự án ViOlympic (Giải Sao Khuê 2009, Giải Quốc gia về CNTT và Truyền thông 2009) thuộc Dự án Visky của Công ty FPT. Từ tháng 12/2009 đến nay là Phó Giám đốc phụ trách Phát triển Giáo dục của Công ty VTC Online thuộc Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC.

Hiện tại, TS Lê Thống Nhất là Tổng Giám đốc tại Công ty CP Trường học lớn Việt Nam (BigSchool); đồng thời là một nhà thơ, nhạc sĩ nghiệp dư với rất nhiều tác phẩm trở nên quen thuộc với cộng đồng yêu quý ông.

Hãy cùng chúng tôi trò chuyện với TS Lê Thống Nhất về ca khúc "Đánh giặc Corona" hiện đang gây bão trong cộng đồng mạng.

Cùng trò chuyện với TS Lê Thống Nhất về ca khúc "Đánh giặc Corona". Thực hiện: Minh Nhân.

"Nếu không có điều kiện làm những việc lớn lao, thì ít nhất là sáng tác được một ca khúc ý nghĩa"

Xin chào TS, ca khúc "Đánh giặc Corona" được ông sáng tác trong hoàn cảnh nào, mất thời gian bao lâu?

Đêm và rạng sáng 5/2, một bạn giáo viên dạy Toán ở trường THPT Tĩnh Gia 3, Thanh Hoá gửi cho tôi bài vè mang tên "Chống dịch Corona". Lập tức, tôi điện thoại trao đổi và biên tập ngay bài vè để đưa lên Diễn đàn BigSchool lúc 1h sáng.

Hôm sau ngủ dậy, tôi nghĩ ngay đến việc viết một ca khúc, để có cách nói bằng âm nhạc như phương tiện truyền thông cho chiến dịch phòng chống virus Corona. Tôi đã hoàn thành trong vòng một tiếng đồng hồ, cả phần nhạc và phần lời thứ nhất.

Khi ấy, tôi cảm thấy bài hát vẫn thiếu những thông điệp cần thiết cho cộng đồng, nên đã quyết định viết phần lời thứ 2. Mong muốn của tôi là giúp mọi người hãy nhớ những điều quan trọng để "vì cuộc sống cho mọi nhà" và chúng ta "quyết thắng trận này!".

Tôi nghĩ rằng khi bắt đầu chiến dịch này, bản thân tôi là người đọc rất nhiều, thường xuyên biên tập, lựa chọn thông tin và chia sẻ với học sinh, nên cũng khá ngấm những điều cần nói về bệnh dịch. Bởi vậy ca khúc được viết xong trong gần 2 tiếng loay hoay chỉnh sửa, với tất cả những gì cô đọng nhất, cần thiết nhất đối với cộng đồng. Chúng ta không nên nói những điều quá khoa học hay cao siêu. Ca từ chính là thông điệp mà bất cứ người dân bình thường nào đều cần phải biết. Bài hát càng giản dị bao nhiêu thì dễ đi vào lòng người bấy nhiêu. 

Rất may có 2 bạn Startup trẻ là Phan Bá Mạnh (với sản phẩm "An vui") và Lê Việt Thắng (với "1 Office") đã cổ vũ, hợp tác để tôi có thể nhanh chóng đưa ca khúc tới mọi người. Ca khúc đã được nhạc sĩ Nguyễn Hải (Trung tâm bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, TP Vinh, Nghệ An) - người đã đồng hành cùng tôi hơn 10 bài hát trước đó (đặc biệt là ca khúc "Một Hà Nội của tôi") - tiến hành hoà âm và các ca sĩ Hải Lê, Thế Anh thể hiện để ca khúc tới với công chúng.

 

3h sáng 9/2, tôi hoàn thành việc xây dựng clip, kèm những thông điệp cần nhấn mạnh. Ngay trên Facebook cá nhân, chỉ trong một ngày đón nhận hàng vạn lượt xem, tôi chợt nghĩ rằng trong cuộc chiến này, nếu không có điều kiện làm những việc lớn lao, thì ít nhất là sáng tác được một ca khúc ý nghĩa như thế này.

Thầy dạy Toán 65 tuổi sáng tác bài hát Đánh giặc Corona dậy sóng cộng đồng mạng: Chẳng nhẽ trong cuộc chiến này, âm nhạc lại đứng ngoài? - Ảnh 4.

Sự đón nhận của cộng đồng, nhất là các bạn trẻ có vượt qua suy nghĩ của ông? Vì phải chăng những tác phẩm trước đây của ông chủ yếu hướng đến những lớp thế hệ già dặn, nhiều chiêm nghiệm trong cuộc sống?

Tôi rất mừng và hạnh phúc vì trong cộng đồng, nhiều trang Fanpage lớn đã chia sẻ ca khúc của một ông già 65 tuổi như tôi. Ngay trong tối 12/2, trên một trang mạng xã hội với hàng trăm ngàn lượt theo dõi, chỉ trong 1 tiếng đồng hồ, bài hát đã nhận về gần 100.000 lượt xem. Đến trong mơ, tôi cũng không nghĩ sáng tác của mình có thể lan toả nhanh đến vậy. Đấy là niềm hạnh phúc nhất của người nhạc sĩ khi viết một ca khúc đúng thời điểm, đúng thông điệp và được cộng đồng ủng hộ.

Các bạn không cần xin phép tôi về mặt bản quyền, vì mong muốn lớn lao nhất của tôi là ca khúc đến được với đông đảo khán giả. Đến bây giờ, tôi có thể cảm nhận hàng triệu người đã biết đến bài hát này rồi, chứng tỏ thông điệp mà âm nhạc mang lại có sức lan toả rất mạnh.

Tôi mong muốn mọi người không chỉ nghe, mà còn có thể hát. Bởi thế, từ giai điệu, âm thanh, ca từ đều rất đơn giản, ngắn gọn và khúc chiết. Nếu như có thời gian, tôi sẽ có một bản thu phù hợp với giới trẻ hơn, vì trong ý định ban đầu, phần dạo nhạc giữa 2 bản hát, có thể có một phần đọc rap - chính là xu hướng âm nhạc hiện nay của giới trẻ.

Tôi vẫn nghĩ rằng giới trẻ là thế hệ hăng hái nhất trong truyền thông. Nếu được các bạn ủng hộ để lan toả các thông điệp tối thiểu nhất trong phòng ngừa virus Corona, thì thậm chí có thể thay thế được nhiều phương tiện truyền thông khác, nhất là hiện nay nạn tin giả đang hoành hành. Tôi hy vọng với những ca từ ngắn gọn của mình, người dân hãy cùng nhớ và cùng thực hiện, như tôi nói trong ca khúc, "đánh giặc Corona là từ trẻ đến già".

Trong "cuộc chiến" này, mỗi một người là một chiến sĩ. "Cuộc chiến" này là của chúng ta, chứ không phải của ai khác.

Tôi mong rằng bản thân đã góp được một phần nhỏ bé để lan toả những điều gì truyền thông chúng ta cần phải làm mạnh hơn nữa.

Thầy dạy Toán 65 tuổi sáng tác bài hát Đánh giặc Corona dậy sóng cộng đồng mạng: Chẳng nhẽ trong cuộc chiến này, âm nhạc lại đứng ngoài? - Ảnh 5.

Thường thì những thông điệp như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên đều rất khô khan để đưa vào âm nhạc, ông đã làm cách nào để "xoa dịu" những ngôn từ đó?

Tôi làm thơ nhiều hơn làm nhạc, nên lợi thế là giúp ca từ vần điệu hơn, giúp khán giả có thể nghe rồi hát lại. Các bạn hình dung, tôi rất chú trọng về ca từ, không phải chỉ mang tính nội dung, mà vần điệu tiếng Việt cũng được vận dụng. Nhân đây, tôi cũng muốn nói, trước khi giỏi ngoại ngữ, chúng ta nên giỏi tiếng Việt. Kinh nghiệm cuộc đời tôi đúc kết rằng, rất nhiều việc tôi thành công đều nhờ nghiên cứu rất sâu về tiếng Việt. Đến bây giờ tôi vẫn đang trau dồi bản thân.

Có thể nói rằng các thông điệp khi đưa vào bài hát, không thể viết nguyên xi, tôi đã phải cố gắng làm "uyển chuyển" thêm, hạn chế các câu từ bị trúc trắc. Ca khúc có cách thể hiện riêng so với khẩu hiệu. Nếu phần ca từ khô cứng thì không thể chấp nhận được.

Một người bạn của tôi từng góp ý: "Nếu viết nhiều loại nhạc này sẽ không lên tay được", có nghĩa là không nên sa đà vào loại nhạc tuyên truyền, nhưng tôi đáp lại rằng "Chẳng nhẽ, trong cuộc chiến này, âm nhạc lại đứng ngoài?". Nên thôi, tôi vẫn viết. Nếu không hay, người đời có phê phán thì cũng đành chịu. Tôi không viết nhạc để nói với "giặc Corona", mà tôi muốn tâm sự với cộng đồng của mình nên giai điệu cần nhẹ nhàng.

Rất nhiều bạn trẻ sau khi nghe xong ca khúc đã đề nghị tác giả cho ra đời bản karaoke và thậm chí là remix, ông nghĩ sao về điều này?

Với bản clip gốc, mọi người đã có thể hát theo dưới hình thức karaoke. Bản beat, tôi có đề nghị phòng thu hạ xuống 1 tông để mọi người dễ hát. Còn remix hay không, là do cảm hứng của những người khác, tôi không có năng lực về thể loại âm nhạc mới mẻ này.

Tôi hy vọng trong tương lai được nghe bài hát này dạng remix kết hợp với rap, và có thể khi đại dịch qua rồi, chúng ta vẫn có thể hát lại ca khúc này theo cách nào đó mà các bạn trẻ mong muốn.

Thầy dạy Toán 65 tuổi sáng tác bài hát Đánh giặc Corona dậy sóng cộng đồng mạng: Chẳng nhẽ trong cuộc chiến này, âm nhạc lại đứng ngoài? - Ảnh 6.

Liệu có đơn vị nào đã liên hệ với thầy xin phép lan toả bài hát này đến gần hơn với công chúng?

Hôm qua (12/2), tôi có nhận được đề nghị của 1 cô giáo, nói rằng kể cả đại dịch chấm dứt, thì toàn trường cô cũng sẽ hát bài này, như một kỉ niệm. Chúng ta nên nhớ rằng, chưa bao giờ các nhà trường phải đóng cửa nhiều ngày như vậy. Và tôi nghĩ trong cuộc đời học trò, thì việc được nghỉ học nhiều tuần, là một sự kiện có thể không lặp lại lần thứ 2.

Âm nhạc cho tôi cách thức để nói chuyện với cộng đồng

 

Thầy có nghĩ bản thân sẽ nổi tiếng sau ca khúc "Đánh giặc Corona"?

Có một bạn trẻ nói với tôi thế này, "Thầy ơi, có khi sáng tác này của thầy sẽ trở thành trend nhiều ngày tới". Nếu thế, tôi hạnh phúc quá. Hạnh phúc không phải bản thân tôi nổi tiếng, mà là ở chỗ, người ta càng tò mò, thì họ đến với ca khúc nhiều hơn. Bởi thế, những thông điệp rất cần thiết mà tôi mong muốn truyền tải đến được với mọi người, cuối cùng đã thành hiện thực.

Có người cho rằng, đời người nhạc sĩ hàng chục năm chỉ cần một bản hit là đủ, còn thầy, trong sự nghiệp sáng tác "nghiệp dư", liệu có ca khúc nào cũng đã là hit trong lòng công chúng?

Tôi không nghĩ đến việc sáng tác bài hit, vì quả thực tôi không làm được điều đó. "Hit" nghĩa là phải cực kỳ phù hợp với giới trẻ, nhưng dòng nhạc của tôi chủ yếu dành cho những người đã từng trải nghiệm.

Tôi không cố để viết một bài hit. Toàn bộ con người, khả năng của tôi không phù hợp với những dòng nhạc của giới trẻ. Tuy rằng không được học nhiều về âm nhạc, nhưng tôi biết để cho ra đời một tác phẩm tốt, thì phải viết theo thế mạnh của bản thân, không cố chạy theo một chuẩn mực nào khác.

Trong tương lai, giả sử "Đánh giặc Corona" hit độ 10 ngày là được rồi (cười). 

Tôi nghĩ, nếu có một ban nhạc trẻ hoà âm phối khí, biểu diễn theo kiểu mới để góp phần trên mặt trận truyền thông chống dịch CoVid - 2019, thì may ra, ca khúc này mới có thể trở thành hit. Các bạn trẻ phải sáng tạo tiếp, còn nhiệm vụ của người nhạc sĩ đến đây là hết rồi. 

Một ca khúc được xem là hit chỉ khi nó tập trung sự sáng tạo của nhiều người. Tuy nhiên, hit hay không không quan trọng. Đối với tôi, chỉ mong muốn những thông điệp về dịch bệnh được lan toả mạnh mẽ. Tôi xác định âm nhạc không phải là con đường có tính chất chuyên nghiệp của mình, nhưng nó giúp tôi giải phóng được chính năng lượng của cảm xúc, cho tôi cách thức để nói chuyện với cộng đồng.

Thầy dạy Toán 65 tuổi sáng tác bài hát Đánh giặc Corona dậy sóng cộng đồng mạng: Chẳng nhẽ trong cuộc chiến này, âm nhạc lại đứng ngoài? - Ảnh 8.

Sắp tới, ngoài "Đánh giặc Corona", thầy sẽ cho ra mắt những sáng tác khác liên quan tới tình hình dịch bệnh hiện nay?

Tôi nhận ra, viết về Hà Nội là điều quá khó, và tôi đã mất hàng chục năm trời. Nhưng để viết về dịch bệnh Corona, thì còn khó hơn nhiều.

Hôm trước, cháu nội tôi nghe nhiều lần ca khúc "Đánh giặc Corona" rồi hỏi tôi bao giờ được quay trở lại trường học. Lũ nhỏ đã được tận hưởng kì nghỉ Tết "dài nhất trong lịch sử" tính đến bây giờ. Tôi nghĩ đây cũng là đề tài để sáng tác, nên tối đó tôi ngồi viết nhạc luôn.

Bài hát có tên là "Bao giờ?". Trong đó có câu: "Bao giờ con được tới trường?". Câu hỏi có phải của nhiều em nhỏ không? Tôi không đưa câu trả lời vào bài hát này, để hoàn toàn là lời của cháu tôi. Vì ước mơ của trẻ con là "từng ngày muốn được đến trường, nghe bao lời của thầy cô. Con muốn từng ngày tới lớp, để cùng bè bạn vui bước".

Câu hỏi đó thực ra chưa thể có lời giải, nhưng là động lực để chúng ta tìm cách chấm dứt dịch bệnh càng sớm càng tốt.

Thầy dạy Toán 65 tuổi sáng tác bài hát Đánh giặc Corona dậy sóng cộng đồng mạng: Chẳng nhẽ trong cuộc chiến này, âm nhạc lại đứng ngoài? - Ảnh 9.

TS Lê Thống Nhất sáng tác ca khúc dựa trên những câu nói đáng yêu của cháu nội. Ảnh: NVCC.

Đặc biệt, vẫn là thiếu sót nếu không viết tặng các y, bác sĩ trong chiến dịch phòng ngừa virus Corona. Tuy viết trong hoàn cảnh này nhưng xuất phát từ lòng tri ân tới họ kể cả trong cuộc sống bình thường, bởi chúng ta luôn mang ơn họ những món nợ không bao giờ trả hết. Dịch bệnh chỉ là hoàn cảnh xuất xứ cho một ca khúc muốn viết từ lâu. Đây cũng là tâm tình của tôi đối với những con người khoác màu áo trắng. Ca khúc có tên "Ánh sáng cuộc đời".

Chúng ta không nên nghĩ rằng số ca bệnh Covid – 19 ở Việt Nam hiện nay đang rất ít nên các y bác sĩ được nhàn đâu. Bởi vì ngành y vốn đã vất vả vì bao căn bệnh khác của cộng đồng, nay có đại dịch lại càng vất vả hơn.

Đâu là điều quan trọng để một sáng tác đến gần hơn với khán giả, thưa TS?

Trong sáng tác, chất lượng của tác phẩm thường không tỷ lệ thuận với thời gian, thậm chí có rất nhiều trường hợp là tỷ lệ nghịch. Tôi nghĩ từng ca từ, lời hát phải ngấm dần trong con người, trong cảm xúc phải rất lâu. Cảm xúc đẩy bạn đến ý tưởng nếu đủ độ chín, có thể tư duy điều đó mất nhiều năm, nhưng đặt bút thì nhanh lắm.

Dù thể loại âm nhạc nào đi chăng nữa đều phải đầu tư, đủ cảm xúc và thực sự tự nguyện, không phải cố tình muốn viết, cố gắng gượng ra một sản phẩm, như vậy chắc chắn không thành công. Tôi nghĩ dù cộng đồng không hiểu biết về âm nhạc, nhưng họ là ban giám khảo chuẩn nhất để đánh giá một tác phẩm.

Thầy dạy Toán 65 tuổi sáng tác bài hát Đánh giặc Corona dậy sóng cộng đồng mạng: Chẳng nhẽ trong cuộc chiến này, âm nhạc lại đứng ngoài? - Ảnh 11.

Cho nên là, kinh nghiệm của bản thân tôi, để được công chúng đón nhận, thì nhạc sĩ phải viết đúng những cái cộng đồng cần, cũng giống như nghề dạy học của tôi, hãy dạy những điều gì mà học trò cần. Ca khúc "Tâm tình cô giáo mầm non" mà tôi viết cho cô sinh viên ngành mầm non, Đại học Vinh tháng 5 năm 2015 để thi năng khiếu trong trường lại không ngờ đã trở thành "mầm non ca" như cách nói của nhiều cô giáo mầm non.

Chân thành cảm ơn TS Lê Thống Nhất về buổi trò chuyện thú vị.

Chúng tôi mời TS Lê Thống Nhất tham gia thử thách trả lời bộ câu hỏi về virus Corona, được xây dựng trên trang Lá Chắn Virus Corona bởi MXH Lotus.

Trong đó bộ câu hỏi Bạn đã hiểu đúng về Corona? được xem là cẩm nang từ A đến Z về virus corona, giúp bạn hiểu đúng để bình tĩnh, không sợ hãi và biết ứng phó đúng.

TS Lê Thống Nhất đánh giá rằng khi tạo ra những bộ câu hỏi trắc nghiệm, nghĩa là MXH Lotus đã tạo ra một sân chơi. Nhưng để tạo ra sân chơi này, có thể nói, là phải rất chi tiết về các thông tin, phải biết tạo các câu tính sai để tạo độ hấp dẫn.

"Tôi là người đọc rất nhiều để chắt lọc kiến thức về dịch virus Corona cho học sinh, nhưng có những câu hỏi tôi cũng phải đắn đo. Tôi nghĩ mỗi bộ câu hỏi như một bài thi, và như tôi đã từng nói, có những lúc người ta học để mà thi, nhưng cũng là thi để mà học. Đây cũng là 1 cách học, để tự trang bị kiến thức cho bản thân trước dịch bệnh" - TS Lê Thống Nhất nói.

TS Lê Thống Nhất tham gia thử thách trả lời bộ câu hỏi về virus Corona, được xây dựng trên trang Lá Chắn Virus Corona bởi MXH Lotus. Thực hiện: Ngọc Thoa. 


Thầy dạy Toán 65 tuổi sáng tác bài hát Đánh giặc Corona dậy sóng cộng đồng mạng: Chẳng nhẽ trong cuộc chiến này, âm nhạc lại đứng ngoài? - Ảnh 15.

Theo Minh Nhân

Cùng chuyên mục
XEM