Thất nghiệp - “Nỗi ám ảnh” của Hy Lạp sau 9 năm khủng hoảng tài chính
9 năm sau ngày Hy Lạp nhận được Chương trình cứu trợ quốc tế, đến nay tỷ lệ thất nghiệp vẫn là nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân Hy Lạp.
Quy chế trả lương linh hoạt – một phần trong các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” đang đẩy hàng triệu người Hy Lạp vào cảnh sống chỉ biết đến ngày hôm nay, không cần quan tâm tương lai.
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn là nỗi ám ảnh của hàng triệu người dân Hy Lạp. Ảnh: Reuters
Khởi nghiệp bằng hoạt động rửa thuyền và ô tô trên đảo Skyros gần một thập kỷ trước, khi đó, anh Nikos Vourliotis vẫn còn là một thanh niên trẻ, với nhiều ước mơ và hoài bão. Thế nhưng từ khi nhà chức trách Hy Lạp khởi động các biện pháp khắc khổ để đổi lấy chương trình cứu trợ của các chủ nợ, cơn ác mộng thực sự bắt đầu với anh Vourliotis. Mức thuế cao trong thời kỳ khắc khổ đã giết chết doanh nghiệp mới đi vào hoạt động của anh. Giờ anh Vourliotis buộc phải chuyển nghề vận chuyển thức ăn nhanh, chính thức gia nhập danh sách ngày càng được nối dài những người Hy Lạp trong một nền kinh tế không ổn đỉnh, với mức lương thấp và nhiều giờ làm việc ngoài trời.
Ông bố 2 con Vourliotis cho biết, giờ anh chẳng dám nghĩ đến tương lai, chỉ có thể nghĩ về công việc hiện tại: “Tương lai ư? Đối với tôi, tôi chỉ sống trong hiện tại. Tôi không quan tâm nhiều đến tương lai. Khi bạn có 2 đứa con, bạn buộc phải nhìn vào thực tại để chắc chắn rằng bạn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với gia đình. Bạn không có khoản nợ và khoản nợ không tăng.”
May mắn hơn anh Vourliotis, anh Panagiotis Mitrogiannis, 39 tuổi – một kỹ sư viễn thông đã mất việc song có được một công việc ổn định hơn tại một siêu thị, với mức lương 780 euro/ tháng. Tuy nhiên, anh Mitrogiannis cho biết, mức lương của anh không nhận theo tháng mà theo từng quý. So với đại bộ phận người dân Hy Lạp, anh vẫn được xem là người may mắn:
“Đây là tháng thứ 20 tôi không có tiền. Tôi không có tiền theo từng tháng. May mắn là tôi còn nhận được sự hỗ trợ của bố mẹ. Tôi sống một mình nên cũng dễ xoay xở. Nhưng nếu bạn có nhà, có ô tô, bạn sẽ không thể chấp nhận được điều đó”.
Từ năm 2010, Hy Lạp rơi vào khủng hoảng tài chính công nghiêm trọng, đẩy quốc gia này tới bờ vực phá sản cũng như đe dọa vị trí thành viên của nước này trong Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) . Ba gói cứu trợ quốc tế đã được triển khai trong 9 năm qua, đổi lại Hy Lạp phải tuân thủ những điều kiện ngặt nghèo từ các chủ nợ quốc tế như các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” không được lòng dân, cải cách nhiều lĩnh vực công.
Là một phần trong các biện pháp khắc khổ để giúp nền kinh tế cạnh tranh hơn, Hy Lạp đã cho phép các chủ lao động được phép sử dụng hợp đồng trả lương linh hoạt bằng cách trả lương cho người lao động ở mức lương tối thiểu, loại bỏ thỏa ước thương lượng lương tập thể.
Quy chế mới đã đẩy hàng triệu người dân Hy Lạp phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp và mức lương thấp trong điều kiện làm việc không ổn định. Ước tính cứ 2 người Hy Lạp có 1 người thất nghiệp. Số liệu được đề cập trong một báo cáo cuối năm 2016 cho thấy, một nửa dân số Hy Lạp tuổi từ 18-35 đều đang sống dựa vào sự hỗ trợ tài chính của người thân. Điều kiện sống thay đổi buộc nhiều người dân Hy Lạp phải chuyển hướng sang các công việc bán thời gian, công việc tạm thời để đáp ứng nhu cầu cuộc sống.
Quy chế mới từ khi ban hành vấp phải sự phản đối của các nghiệp đoàn. Đại diện của nhiều nghiệp đoàn cho rằng, quy định mức lương linh hoạt đã bóp méo thị trường việc làm và tạo thời cơ cho các chủ lao động vô lương tâm trục lợi.
Chỉ còn 2 ngày nữa, tức ngày 7/7 tới, hàng triệu cử tri Hy Lạp sẽ tham gia tổng tuyển cử. Việc làm đang trở thành một cương lĩnh hàng đầu của các đảng phái nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri. Đảng Dân chủ mới bảo thủ đang dẫn trước các cuộc thăm dò dư luận so với đảng Syriza cầm quyền, với cam kết đầu tư tạo công ăn việc làm mang lại thu nhập cao cho người lao động. Trong khi chính phủ sắp mãn nhiệm của đảng Syriza cũng tranh thủ vận động các lá phiếu của cử tri cho đảng, với cam kết tăng mức lương tối thiểu lên 11% và khôi phục lại thỏa ước tập thể.