Thất bại của WeFit dưới góc nhìn của các nhà đầu tư ‘thiên thần’: Lựa chọn mô hình kinh doanh quá rủi ro, phát triển quá nhanh dẫn tới ‘vỡ trận’

01/06/2020 07:17 AM | Kinh doanh

Theo các nhà đầu tư ‘thiên thần’ kỳ cựu ở Việt Nam, họ đánh giá rất cao team WeFit – đặc biệt là founder Khôi Nguyễn, nhưng họ không ngạc nhiên lắm với ‘cái chết’ của startup này. Ngay từ khi tiếp xúc với WeFit ở thời điểm ban đầu, họ đã có rất nhiều nghi ngại với mô hình kinh doanh mà WeFit lựa chọn.

"Theo quan điểm của tôi, Covid-19 chỉ là ‘giọt nước làm tràn ly’ chứ không phải nguyên nhân chính khiến WeFit phá sản. Tôi cũng không đồng tình với rất nhiều phán xét chủ quan về WeFit.

Tôi đánh giá rất cao team của WeFit – nhất là founder Khôi Nguyễn. Cả đội đã nỗ lực rất nhiều và mang về những thành quả nổi bật lúc ban đầu. Trong giai đoạn khởi phát của WeFit, tôi đã gặp gỡ và nhiều lần ngồi với Khôi. Lúc đó, tôi cũng đã thấy mô hình kinh doanh mà họ lựa chọn tồn tại một số vấn đề và cũng mường tượng được những khó khăn lớn mà WeFit sẽ gặp phải sau này…", nhà đầu tư ‘thiên thần’ Nguyễn Tiến Trung nhận định trong Tọa đàm online "Các nhà đầu tư có ‘ngủ đông’ sau Covid-19?".

Anh Nguyễn Tiến Trung là founder Công Ty Cổ Phần đầu tư Khởi nghiệp Quốc gia (NSCI), Nhà sáng lập và Chủ tịch công ty Kanyo Vietnam SJC, đồng sáng lập của Song Han Incubator. Hiện anh Trung đang đầu tư vào 8 đến 9 startup khắp Việt Nam.

Có thể nói, WeFit đã ‘vỡ trận’ bởi phát triển quá nhanh, chính xác là khi mở rộng mô hình kinh doanh sang mảng làm đẹp.

Khả năng quản lý đối tác – khách hàng của team WeFit có nhiều hạn chế. Một điểm yếu khác của team WeFit là quản lý dòng tiền. "Trong những năm 2017 – 2018, khi trao đổi với team WeFit, tôi có đề cập đến những điểm yếu nói trên của họ. Tuy nhiên, vì quy mô của WeFit còn nhỏ nên những điểm yếu đó vẫn chưa ảnh hưởng xấu đến vận hành doanh nghiệp như bây giờ", anh Trung hồi tưởng.

Mặt khác, mô hình kinh doanh của WeFit có thể thành công ở quốc gia khác, song tại Việt Nam nó không chạy tốt, bởi ‘sự láu cá’ của một bộ phận khách hàng. Do phát triển quá nhanh, WeFit không có thời gian phát hiện sớm vấn đề cũng như kịp sửa chữa. Tuy nhiên, dù WeFit thất bại, họ cũng có những cái được riêng!

Đồng quan điểm, anh Trịnh Minh Giang - Chủ tịch VMCG, sáng lập Strategy Academy, chủ nhiệm Vườn ươm Lãnh đạo trẻ trong Kỷ nguyên số (YDLI) cũng cho rằng, nguyên nhân thất bại chính của WeFit là ở việc lựa chọn mô hình kinh doanh.

"Tôi cũng có cái nhìn sát sườn hơn khi tương tác với WeFit, lúc họ tham gia thi Shark Tank năm đầu tiên. Các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ thường rõ ràng như trong sách; khi chúng ta nhìn vào sẽ biết nó sẽ thất bại hay không. Ngay từ đầu, chúng ta có thể thấy mô hình của WeFit có những khó khăn gì, rủi ro cao ra sao!", anh Giang khẳng định.

Còn theo anh Trần Trí Dũng - Cố vấn của chương trình Khởi nghiệp Thụy Sỹ (Swiss Entrepreneurship Program), Thư ký Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam (VMI) thì WeFit không hẳn chỉ mang tới điều tiêu cực cho giới khởi nghiệp, ít ra các startup Việt Nam đã học được rất nhiều kinh nghiệm hay từ ‘case’ WeFit.

"Tôi cho rằng, việc chọn thời điểm thông báo phá sản của WeFit khá thông minh. Họ chọn thời điểm lúc đỉnh dịch tại Việt Nam vừa qua, các doanh nghiệp háo hức quay trở lại còn giới truyền cũng đang tập trung vào những câu chuyện tích cực. Thế nên, thông tin tiêu cực WeFit đưa ra đã trôi qua rất nhanh. Nếu WeFit chọn thời điểm muộn hơn hoặc sớm hơn, hẳn họ còn bị ‘soi’ dữ hơn", anh Dũng chia sẻ.

Cho đến thời điểm hiện tại, WeFit vẫn đang cố gắng giải quyết ‘hậu sự’. Rõ ràng, tại Việt Nam, một công ty muốn đăng ký thủ tục phá sản cũng không đơn giản như tưởng tượng. Chúng ta đang đợi WeFit giải quyết như thế nào hậu phá sản để học hỏi kinh nghiệm. "WeFit vẫn đang liên tục xin lỗi. Nhưng theo tôi, xin lỗi thôi chưa đủ. Startup này phải thể hiện được những cam kết của mình với thị trường – đối tác một cách gọn ghẽ cũng như xử lý tốt mối quan hệ dân sự giữa các bên", ông Dũng gợi ý.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM