Thành tỷ phú USD nhờ “cơn lốc” mua sắm của du khách Trung Quốc
Làn sóng mua sắm mạnh mẽ của du khách Trung Quốc ở nước ngoài đã giúp ông trùm ngành bán lẻ Nhật Bản Ryuji Arai, 71 tuổi, trở thành tỷ phú USD, theo Bloomberg.
Công ty của ông Ryuji Arai - Bic Camera Inc. là hãng bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng có trụ sở tại Tokyo, bán mọi thứ từ mỹ phẩm cho tới rượu với mức giá ưu đãi, trở thành địa điểm mua sắm "nóng" cho du khách tới Nhật Bản.
Lợi nhuận tăng kỷ lục đã giúp giá cổ phiếu Bic Camera tăng hơn 50% trong vòng 1 năm qua. Nhờ đó, tài sản của ông Ryuji Arai tăng vọt lên 1,8 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Ông Arai thành lập Bic Camera 4 thập kỷ trước và đưa công ty lên sàn chứng khoán vào năm 2006. Ông hiện là chủ tịch và nắm giữ 43% cổ phần công ty thông qua các quỹ tín thác và công ty quản lý tài sản La Holdings.
Bic Camera thu hút du khách nhờ mức giá ưu đãi tại các cửa hàng miễn thuế. Công ty này còn cung cấp du khách nước ngoài thêm lựa chọn đặt hàng trực tuyến. Bic Camera thu hút đông đảo du khách Trung Quốc nhờ việc chấp nhận các phương thức thanh toán như Alipay, Wechat và thậm chí cả tiền ảo Bitcoin. Đây chính là chiến lược đang giúp doanh thu của công ty tăng mạnh, nhà phân tích của Thomas Jastrzab của Bloomberg Intelligencenhận xét.
"Việc sớm chấp nhận các phương thức thanh toán mới giúp Bic Camera có được lợi thế lớn trong khi các đối thủ đang tỏ ra thận trọng", Jastrzab nói.
Một cửa hàng của Big Camera tại Tokyo - Ảnh: Bloomberg.
Ông Arai thành lập công ty đầu tiên khi mới ngoài 20 và sau đó tách bộ phận bán máy ảnh thành một công ty riêng. Sau đó ông thành lập Bic Camera khi ngoài 30 tuổi bằng việc mở một cửa hàng tại quận mua sắm Ikebukuro ở Tokyo.
Năm 2009, ông Arai thôi giữ chức chủ tịch của Bic Camera sau bê bối đưa ra kết quả kinh doanh sai sự thật. Tháng 1/2009, giá cổ phiếu công ty này mất gần một nửa giá trị nhưng sau đó phục hồi nhờ tiếp tục được phép giao dịch trên sàn chứng khoán Tokyo. Bic Camera bị phạt 1,3 triệu USD và phải công bố lại kết quả kinh doanh các năm từ 2006 - 2008.
Vài năm sau đó, ông Arai trở lại làm chủ tịch công ty, không bổ nhiệm các giám đốc điều hành và tiếp tục là cổ đông lớn nhất của công ty. Từ đó đến nay, giá cổ phiếu Bic Camera đã tăng gấp 8 lần.
Theo người phát ngôn của công ty, Bic Camera đã hợp tác với Japan Airport Terminal Co. – công ty vận hành nhà ga tại sân bay Haneda, để mở các cửa hàng miễn thuế ở sân bay cũng như ở quận mua sắm giải trí Odaiba của Tokyo.
Những cửa hàng này bày bán các sản phẩm phổ biến với du khách nước ngoài để giúp họ nhanh chóng tìm được thứ mình muốn. Theo Bic Camera, lượng du khách nước ngoài mua hàng của công ty đã tăng gấp 3 lần trong 3 năm qua.
Lợi nhuận ròng của Bic Camera tăng gấp 5 lần trong vòng 4 năm qua - Nguồn: Bic Camera/Bloomberg.
Vài năm trở lại đây, Bic Camera tiếp tục thúc đẩy doanh số thông qua trang bán hàng trực tuyến riêng và các sàn thương mại điện tử như Rakuten và Amazon. Theo báo cáo của công ty, bán hàng trực tuyến hiện chiếm khoảng 10% tổng doanh thu của công ty trong nửa năm kết thúc vào 28/2/2018.
Lợi nhuận ròng của Bic Camera cũng tăng gấp 5 lần lên mức kỷ lục 13,5 tỷ Yên (122,6 triệu USD) trong năm tài chính kết thúc vào 31/8/2017. Công ty này dự báo lợi nhuận sẽ tăng lên 16,4 tỷ Yên trong năm nay.
Chiến lược linh hoạt đã giúp Bic Camera trở thành nhà bán lẻ đồ gia dụng và điện tử lớn thứ 3 tại Nhật, bất chấp những tác động của tình trạng dân số giảm ở nước này.
Theo nghiên cứu công bố vào tháng trước của Nomura Holdings, doanh thu trực tuyến sẽ thúc đẩy tăng trưởng của Bic Camera trong dài hạn. Dù khách hàng sử dụng Bitcoin để mua sắm vẫn chưa nhiều, nhưng lựa chọn thanh toán này dự báo sẽ giúp công ty thu hút nhiều khách hàng ngoại quốc, đặc biệt là trong thời gian diễn ra thế vận hội 2020 Tokyo Olympics.
'Việc nhanh chóng thêm vào các phương thức thanh toán là cách để tạo ra sự khác biệt", nhà phân tích Jastrzab của Bloomberg Intelligence nói. "Việc này cũng giúp nâng cao giá trị thương hiệu khi tạo được tiếng vang với nhóm khách hàng tiềm năng".