Thành bại của việc bảo vệ môi trường nằm ở khả năng tái chế của các vật phẩm làm từ nhựa và sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn, chứ không phải cấm sử dụng chúng!
Để trái đất không phải oằn mình gánh chịu hàng triệu tấn rác thải nhựa khó phân hủy, ngoài hạn chế sử dụng các công cụ làm từ nhựa các doanh nghiệp cần thiết kế và dùng bao bì sản phẩm sao chúng có thể dễ dàng tái chế, như cách ‘ông lớn’ SCG đang cố gắng khuyến khích các đối tác của mình tham gia nền kinh tế tuần hoàn.
Với việc cần hàng trăm năm để phân hủy, rác thải nhựa đang trở thành một trong những thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhận thức được vấn đề đó, trong thế kỷ 21, con người đã sáng tạo ra nhiều vật liệu nhằm thay thế nhựa, nhưng vẫn chưa thành công. Càng nghiên cứu, con người càng nhận ra, chẳng vật liệu nào có thể so được với nhựa về tính kinh tế, độ bền cũng như sự tiện dụng.
Ví dụ: cốc giấy có thể hoàn thay thế cốc nhựa, nhưng để sản xuất cốc giấy có thể dùng như cốc nhựa, ngoài tốn cây gỗ để làm giấy thì chúng ta còn phải tráng một lớp nhựa vào bên trong cốc giấy. Theo đó, để tách lớp nhựa đó ra nhằm tái chế, chi phí bỏ ra còn nhiều hơn sản xuất một cốc giấy mới, nên chẳng mấy người làm. Tất nhiên, khi đã kết hợp với một lớp nhựa mỏng, cốc giấy cũng rất khó phân hủy.
Sau đó, các nhà khoa học, các tổ chức chính phủ và các doanh nghiệp lớn tiên phong trong lĩnh vực này đã tư duy theo cách khác: thay vì cấm sử dụng vật phẩm nhựa hay cố đổ tiền nghiên cứu vật liệu mới, tại sao chúng ta không tìm cách tái chế chúng? Thử tưởng tượng xem, nếu 100% rác thải nhựa đều có thể tái chế, chắn chắn môi trường sẽ bớt ô nhiễm hơn. Hay nói cách khác, chúng ta cần khuyến khích nền kinh tế tuần hoàn: sản xuất – sử dụng – quay vòng.
Muốn nâng cao khả năng tái chế của rác thải nhựa, cần sự liên minh của tất cả các bên
Trả lời báo chí trong Hội nghị Nền kinh tế tuần hoàn: Hợp tác cùng hành động do SCG phối hợp với Chính phủ Thái Lan tổ chức, ông Jim Seward – Phó Chủ tịch phụ trách mảng Phát triển bền vững – Công nghệ và Liên doanh của Tập đoàn hóa chất hàng đầu thế giới LyondellBasell (thành viên của Liên minh loại bỏ rác thải nhựa - AEPW); thì phương cách hữu hiệu nhất để giảm tải rác thải nhựa ở Đông Nam Á chính là các bên phải liên minh với nhau.
Đầu tiên, Chính phủ các nước phải truyên truyền, phổ biến những tác hại của rác thải nhựa, nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân cũng như các doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ cũng phải tạo điều kiện cho người dân lẫn doanh nghiệp khi họ tham gia thực hiện nghĩa vụ này.
Về phần người dân, họ cần phải tích cực hơn nữa trong việc phân loại rác thải, giúp việc thu gom và tái chế của các doanh nghiệp dễ dàng hơn. Ngoài ra, người dân cần phải tỉnh táo hơn trong khi tiêu dùng, nên chọn những sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc có khả năng tái chế cao, nhằm góp phần gây sức ép ngược lại các doanh nghiệp.
Về phía doanh nghiệp, bên này cần phải tư duy lại cách thiết kế - sản xuất bao bì, làm sao để có thể sử dụng nhiều lần hoặc dễ dàng tái chế nếu sử dụng một lần. Thay vì ưu tiên tính thời trang, thẩm mỹ và tính độc đáo như trước đây, doanh nghiệp nên ưu tiên khả năng tái chế.
Cũng theo ông Jim Seward, tái chế rác thải nhựa đang là một ngành hấp dẫn tại khu vực Đông Nam Á, bởi trong khi khả năng tái chế của châu Âu vào khoảng trên dưới 90%, thì tại Đông Nam Á mới chỉ khoảng vài chục phần trăm - Việt Nam khoảng 10% và Thái Lan khoảng 25%.
Các đối tác SCG đang bắt tay liên minh bảo vệ môi trường trong Hội nghị.
Cụ thể hơn, ông Graham Houlder – Quản lý dự án Kinh tế tuần hoàn cho Bao bì linh hoạt (CEFLEX) cho biết, 80% sản lượng bao bì linh hoạt của các thành viên trong dự án đang được cung cấp cho châu Âu, cũng như có 4 đến 5 tập đoàn tiêu dùng lớn của thế giới đang dùng sản phẩm bao bì linh hoạt – dễ tái chế, đa năng và có thể tái sử dụng nhiều lần. Đây là một bước tiến quan trọng cho thấy, tiềm năng thị trường của bao bì linh hoạt là rất lớn. Hiện có khoảng 100 đối tác và công ty toàn cầu tham gia CEFLEX.
Chuỗi giá trị bao bì linh hoạt đông mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp tham gia lẫn các bên liên quan. Còn khó khăn lớn nhất của các thành viên trong liên minh này chính là làm sao quản lý tốt nguồn nguyên liệu ban đầu.
Kinh nghiệm sản xuất bao bì thân thiện với môi trường từ SCG
Tại khu vực Đông Nam Á, SCG là một trong những tập đoàn có kinh nghiệp dày dạng nhất trong việc cắt giảm rác thải nhựa cũng như sản xuất bao bì thân thiện với môi trường và dễ dàng tái chế. Hằng năm, họ đều tổ chức hội nghị về chuyên đề này tại quê mẹ Thái Lan và đây đã là năm thứ 10 họ làm điều đó.
Nếu nghiên cứu kỹ các lĩnh vực kinh doanh chính của SCG – một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Thái Lan và cả khu vực Đông Nam Á, không khó hiểu khi họ theo đuổi việc bảo vệ môi trường từ sớm như thế. 3 những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của SCG là bao bì, vật liệu xây dựng và hóa dầu đều là những ngành nghề trực tiếp tác động xấu lên môi trường; nên nếu họ không thể hiện sớm trách nhiệm xã hội, có thể dẫn đến khủng hoảng truyền thông ở một lúc nào đó trong tương lai.
Sản phẩm dùng nhựa mã 3 và 5 gần như không thể tái chế.
Theo báo cáo từ SCG, trong những năm vừa qua, họ đã kết hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào hoạt động của doanh nghiệp với 3 chiến lược như sau.
Giảm sử dụng vật liệu và tăng độ bền vật liệu bằng cách hạn chế sử dụng tài nguyên trong sản xuất cũng như phát triển các sản phẩm với thời gian sử dụng dài hơn, ví dụ như sản xuất bao bì gợn sóng với vẻ ngoài bắt mắt – bền nhưng tiêu tốn ít giấy hơn.
Nâng cấp và thay thế bằng cách đổi mới công nghệ để thay thế các sản phẩm và nguyên liệu thô hiện tại bằng các giải pháp hiệu quả hơn, giúp giảm thiểu tiêu thụ nguyên liệu hoặc làm cho sản phẩm dễ dàng tái chế hơn. Ví dụ: nhà vệ sinh dạng module, tấm tường đúc sẵn, tấm bê tông khí chưng áp linh hoạt, bao bì thực phẩm Fest thay thế thùng xốp và bao bì linh hoạt độ bền cao và dễ dàng tái chế.
Tái sử dụng và tái chế bằng cách tăng cường khả năng tái chế của vật liệu, ví dụ: phát triển sản phẩm với dây chuyền sản xuất sử dụng tỷ lệ vật liệu tái chế cao hơn, hợp tác với các siêu thị và cửa hàn bán lẻ hiện đại nhằm thu thập các hộp giấy và giấy đã qua sử dụng để tái chế; phát triển công thức nhựa với tỷ lệ nhựa tái chế cao hơn.
Trong năm 2018, SCG đã chuyển đổi khoảng 313.000 tấn chất thải công nghiệp thành nguyên liệu thô tái tạo và 313.000 tấn chất thải công nghiệp thành nhiên liệu thay thế. Năm 2019, họ sẽ tiếp tục tích hợp các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn vào sản xuất sản phẩm; đặt mục tiêu giảm sản xuất nhựa sử dụng 1 lần từ 46% xuống 20% cùng tăng tỷ lệ nhựa tái chế, tái sử dụng và phân hủy sinh học lên 100% đến năm 2025.
Ông Roongrote Rangsiyopash – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SCG.
Để có thể thực hiện các mục tiêu đó, SCG đã hợp tác với CEFLEX để định hướng cho dòng sản phẩm bao bì linh hoạt cũng như bao bì thân thiện với môi trường. Ngoài ra, mảng bao bì của SCG còn cộng tác với các doanh nghiệp như Tesco Lotus, Family Mart, AEON, DHL, Lazada Express, Thai Beverage… để tái chế các hộp đựng và giấy đã qua sử dụng.
"Chúng tôi đang triển khai các nguyên tắc về kinh tế tuần hoàn cho gần 20 công ty con của mình (chủ yếu trong lĩnh vực bao bì và xây dựng) tại Việt Nam. Trong thời gian đầu, chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào việc truyền thông và ‘giáo dục’ về tầm quan trọng của việc sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường cũng như khả năng tái chế dễ dàng của sản phẩm từ nhựa cho cán bộ công nhân viên; sau đó, chúng tôi mới truyền thông ra ngoài hay liên minh với các đối tác tại Việt Nam", ông Roongrote Rangsiyopash – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SCG tiết lộ.
Với tầm ảnh hưởng trong ngành bao bì và vật liệu xây dựng tại Việt Nam, hy vọng những nỗ lực sắp tới của SCG trong việc bảo vệ môi trường sẽ tác động tích cực lên ý thức của các doanh nghiệp đang hoạt trong trong cùng lĩnh vực; giúp Việt Nam không còn bêu tên mỗi khi nói đến nước có khối lượng rác thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới.