"Thần kỹ thuật" của Google chỉ ra lợi thế giúp Việt Nam tham gia toàn diện vào cuộc đua AI
Trong chuyến thăm Việt Nam mới đây, TS Jeff Dean - Giám đốc Khoa học của Google, đồng sáng lập của Google Translate và Gemini - đánh giá Việt Nam có lợi thế để tham gia vào mọi khía cạnh trong cuộc đua AI, nhưng đồng thời cũng chỉ ra thách thức lớn về nguồn nhân lực.
Những nhận định của TS Jeff Dean được đưa ra trong khuôn khổ sự kiện GenAI Summit 2024 với chủ đề "Chân Trời Mới", do Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, đồng tổ chức bởi New Turing Institute (NTI), Rethink Healthcare Foundation (RHF), Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Đại Học Fulbright.
"Tôi nghĩ Việt Nam là một quốc gia rất lớn với dân số đông. Vì vậy, trong hệ sinh thái AI, các bạn không cần phải giới hạn bản thân chỉ nằm ở một trong 3 khía cạnh ứng dụng, cơ sở hạ tầng hay nghiên cứu. Tôi nghĩ Việt Nam có cơ hội để thực sự làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau", TS Jeff Dean - Giám đốc Khoa học tại Google, đồng sáng lập của Google Brain, Google Translate và Gemini - đánh giá.
Đồng quan điểm với người được mệnh danh là "Thần kỹ thuật" tại Google, ông Steven Trương - CEO VinBrain cũng cho rằng một trong những giá trị cốt lõi của Việt Nam là có 100 triệu dân.
"Với sức mạnh của nguồn nhân lực, tôi nhận thấy Việt Nam có rất nhiều cơ hội để tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh cánh cửa công nghệ đang rộng mở. Sau VinBrain, tôi nghĩ mục tiêu tiếp theo là xây dựng một nền tảng không chỉ được sử dụng cho Việt Nam, hay bị giới hạn ở Đông Nam Á, mà dành cho toàn thế giới. Giấc mơ của tôi là chúng ta có thể đưa mô hình AI hiện đại hóa ra thế giới và đóng góp vào hệ sinh thái toàn cầu", lãnh đạo VinBrain phát biểu.
Bên cạnh nguồn nhân lực, thị trường và hệ sinh thái khởi nghiệp cũng được các diễn giả nhìn nhận là lợi thế của Việt Nam trong "cuộc đua" AI đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới.
"Việt Nam đang ở một vị trí đặc biệt để dẫn đầu sự đổi mới AI trong khu vực Đông Nam Á và hơn thế nữa", ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Quốc gia Google Cloud, nhận định.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều thách thức như chi phí lao động thấp và sự cần thiết phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo AI để tăng năng lực cạnh tranh.
"Tôi nghĩ một thách thức mà các công ty và tổ chức trên toàn thế giới đang phải đối mặt là có rất nhiều tiềm năng áp dụng AI để giải quyết vấn đề thực tế, nhưng cuối cùng không hiệu quả. Hệ thống giáo dục nói chung đang chưa đào tạo được nguồn nhân lực với các kỹ năng AI chuyên sâu, bởi đây là công nghệ tương đối mới.
Tôi nghĩ mọi người muốn tập trung vào việc đào tạo những người đã đi làm sử dụng AI để giải quyết các vấn đề trong công việc hàng ngày của họ. Tuy nhiên, cũng phải khuyến khích các học sinh sinh viên không chỉ học về khoa học máy tính, mà còn cần tìm hiểu những lĩnh vực khác để hiểu về AI, cách chúng có thể được áp dụng. Tôi nghĩ việc này cần một chút thời gian", TS Jeff Dean phân tích.
Về chính sách hỗ trợ, thị trường Việt Nam đang nhận trợ lực rất lớn từ Chính phủ, các tập đoàn lớn trong nước như Viettel, Vingroup để có thể đón sóng AI. Mở rộng ra quốc tế, Việt Nam cũng hợp tác với những "đại bàng công nghệ" như Google, đầu tư mạnh mẽ vào đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai. Google cam kết dành 40.000 học bổng Google Career Certificates hay đào tạo 200 công ty khởi nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến AI thông qua chương trình Google AI Startups Masterclass.
Việc này không chỉ giúp xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao mà còn tạo ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI. Một con số đáng chú ý là Việt Nam dự kiến sẽ cần thêm 100.000 chuyên gia AI trong vòng 5 năm tới để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong khuôn khổ sự kiện, TS Jeff Dean còn nhấn mạnh AI không chỉ là một công cụ mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề phức tạp của xã hội, mà còn đòi hỏi trách nhiệm đạo đức cao từ các nhà nghiên cứu và kỹ sư. AI sẽ là công cụ vô cùng hữu ích, tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn, khi được phát triển đúng cách.