Tham vọng của Trung Quốc "khóa chặt" cả làng Olympic: Nhiều giấc mơ đột ngột vỡ tan
Vận động viên, nhân viên bị giới hạn trong "bong bóng" khép kín suốt thời gian tham gia Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 và tuân theo các quy định phòng dịch nghiêm ngặt.
Nước chủ nhà Trung Quốc lập hàng rào ngăn cách làng Olympic với thế giới bên ngoài ở thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Để ngăn gần 22 triệu cư dân Bắc Kinh khỏi những rủi ro của đại dịch COVID-19 mà các vận động viên Olympic mùa Đông 2022 có thể mang tới, Trung Quốc đã xây dựng một "thành phố trong thành phố" - nơi không ai có thể tiếp xúc với người bên ngoài.
"Bong bóng" Olympic
Trong vòng 2 tháng, hàng chục nghìn vận động viên và nhân viên hỗ trợ Olympic và Paralympic sẽ sống, làm việc và thi đấu trong một "bong bóng" tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của Trung Quốc, trải dài trên các khu vực trung tâm và quận Yanqing ở ngoại ô thủ đô Bắc Kinh, thành phố Trương Gia Khẩu thuộc tỉnh Hà Bắc lân cận.
Họ sẽ di chuyển trong "vòng tròn khép kín" giữa các địa điểm thi đấu, khách sạn và cả quán bar được kết nối bằng mạng lưới giao thông chuyên dụng.
Xe bus chuyên dụng trong "bong bóng" Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022. Ảnh: Reuters
Kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc về việc cách ly hoàn toàn Olympic với cộng đồng dân cư rộng lớn cho thấy quyết tâm theo đuổi chính sách chống dịch "Không COVID-19" của giới chức nước này.
Với việc biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao đã xâm nhập Trung Quốc trong những tháng gần đây và nhiều thành phố buộc phải phong tỏa để chống dịch, nước này cũng đã thắt chặt hơn nữa các hạn chế về Olympic, đưa ra quyết định vào phút chót là ngừng bán vé xem Olympic cho khán giả trong nước vào giữa tháng 1/2022.
Các nhà tổ chức không có nhiều lựa chọn. Họ đã bố trí hệ thống xe đưa đón vận động viên sử dụng làn đường riêng và người dân địa phương đã được khuyến cáo nên tránh xa xe chở đoàn Olympic, kể cả khi xe gặp tai nạn giao thông, để phòng ngừa COVID-19.
Những người tham gia Olympic phải duy trì "vòng tròn khép kín" và tránh tiếp xúc với người ngoài. Những người bên trong "bong bóng" này chỉ được phép ra ngoài khi rời Trung Quốc hoặc đi cách ly, để ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng.
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach cũng thừa nhận những hạn chế của "bong bóng" tại một cuộc họp báo vào ngày 3/2. "Khi bạn nhìn xung quanh và nói chuyện với mọi người, rất tiếc là bạn chỉ có thể nói chuyện với những người bên trong bong bóng này", ông nói.
Nhóm cư dân Trung Quốc lớn nhất mà các vận động viên và nhà báo được tiếp xúc là 19.000 tình nguyện viên, nhiều người trong số họ sẽ ở trong "bong bóng" hơn 3 tháng.
Một trong số đó là Meixuan, 23 tuổi, chuyên làm công việc giám sát viên tại Trung tâm Truyền thông. Cô cho biết đã được nhận vào vị trí này sau khi trải qua một bài kiểm tra viết và vài vòng phỏng vấn tại trường đại học và với Ban tổ chức Olympic.
"Tôi không lo sẽ bị nhiễm COVID-19. 1 tháng ở bên trong "bong bóng", chúng tôi cảm thấy rất an toàn. Tôi thay khẩu trang 4 lần/ngày và rửa tay thường xuyên", Meixuan cho biết.
Những giấc mơ tan vỡ
Olympic mùa Đông này không phải là sự kiện lớn đầu tiên diễn ra trong đại dịch mà chính phủ Trung Quốc đã phải thiết lập chính sách kiểm soát chặt chẽ nhằm phòng chống dịch.
Một hàng rào ngăn cách khu vực vòng kín bên trong Sân trượt băng tốc độ quốc gia. Ảnh: Getty
Herman Hu - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thể thao và Ủy ban Olympic Hồng Kông - cho biết, tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc hồi tháng 3/2021 - cuộc họp chính trị thường niên lớn nhất ở Trung Quốc, các nghị sĩ đã được xét nghiệm nhiều lần trước và sau khi rời phiên họp. Những người tham dự không được phép tiếp xúc với bất kỳ ai bên ngoài cuộc họp, và tất cả nhân viên hỗ trợ bao gồm cả nhân viên khách sạn phải có mặt 2 tuần trước khi hội nghị bắt đầu.
"Trung Quốc thực sự rất có kinh nghiệm trong việc kiểm soát đại dịch. Nhưng tất nhiên, bạn biết đấy, hoạt động thể thao vẫn có những rủi ro nhất định", ông Hu nói.
Những vận động viên có kết quả dương tính khi lên máy bay hoặc khi xuống sân bay Bắc Kinh sẽ không được di chuyển đến làng Olympic, mà sẽ phải cách ly cho đến khi âm tính trở lại.
Chẳng hạn như trường hợp của vận động viên nhảy cầu trượt tuyết hàng đầu thế giới Marita Kramer của Áo. Cô có kết quả dương tính chỉ 2 ngày trước khi bay đến Bắc Kinh. "Có vẻ như giấc mơ của tôi đã biến mất trong vòng 1 ngày", cô bày tỏ trên Instagram của mình.
Vận động viên môn skeleton (trượt băng nằm sấp) người Bỉ Kim Meylemans cũng thể hiện bức xúc khi bị đưa đi cách ly bổ sung dù đã khỏi COVID-19 từ đầu tháng 1, ngay trước thềm Olympic.
Trong khi cách ly, Meylemans thường xuyên cập nhật về cảm xúc của mình qua mạng xã hội. Cuối cùng cô đã được chuyển trở lại làng Olympic một ngày trước khi cuộc thi bắt đầu sau nhiều lần xét nghiệm âm tính liên tục.
Một nhân viên trong trang phục bảo hộ đầy đủ chuyển hành lý tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh. Ảnh: Getty
Trong khi đó, những người đủ điều kiện vào "bong bóng" Olympic phải xét nghiệm COVID-19 hàng ngày và tuân thủ hàng loạt quy định khác như bắt buộc đeo khẩu trang N95, khu vực ăn uống phải có vách ngăn bằng nhựa.
Các ca nhiễm mới đã lan rộng kể từ khi "bong bóng" này đi vào hoạt động từ ngày 4/1. Tính đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 435 ca dương tính tại sân bay hoặc bên trong "bong bóng", trong đó có 142 vận động viên hoặc thành viên các đội tuyển quốc gia.
Trong khi đó, tại Olympic mùa Hè Tokyo 2021 chỉ ghi nhận hơn 100 ca lây nhiễm trước lễ khai mạc, phản ánh phần nào khả năng lây nhiễm mạnh hơn của biến thể Omicron.