Thảm họa điện năng Venezuela: Người có tiền thuê khách sạn 5 sao lánh nạn, dân nghèo xếp hàng múc nước giếng
Hiện tại, vẫn chưa có dấu hiệu điện năng sẽ sớm được phục hồi tại Venezuela.
Tình hình mất điện tại Venezuela đang có chiều hướng xấu đi. Thực phẩm không được bảo quản, các hộ gia đình mất điện nước, điện thoại không bắt được sóng trong tình trạng không có điện.
Từ buổi chiều ngày 7/3 (giờ địa phương), hầu hết Venezuela ngập chìm trong bóng tối. Cuộc khủng hoảng điện năng xảy ra giữa lúc cuộc đối đầu giữa tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và lãnh đạo phe đối lập, "tổng thống lâm thời tự xưng" Juan Guaido vẫn chưa có hồi kết.
Ngày 9/3, một siêu thị nhỏ tại Venezuela thông báo đã bị nhiều kẻ trộm tấn công trong khi cảnh sát được cử đi kiểm soát dòng người biểu tình.
Các cửa hàng, doanh nghiệp, trường học và khách sạn đều đóng cửa vì thiếu điện. Không có chuyến bay nào được thực hiện tại các sân bay trên khắp cả nước. Hệ thống bơm nước không hoạt động, mất nước xảy ra trên diện rộng. Người dẫn phải cầm chai nước xếp hàng lấy nước giếng để phục vụ sinh hoạt.
Bệnh viện không thể hoạt động. Các y tá, bác sĩ phải chật vật tìm cách cứu chữa cho các bệnh nhân với lượng trang thiết bị, thuốc men ít ỏi.
Một phóng viên của Sky News đã ghi lại cảnh tượng khó tin tại Venezuela. Ngay tại khu chợ ở giữa thủ đô Caracas, người mua hàng và người bán hàng đứng đối thoại trong ánh sáng "chập choạng" mặc dù mới buổi trưa. Cũng như những nơi khác trên khắp đất nước, khu chợ không có điện.
Gian hàng bán hoa quả ở một khu chợ ở Venezuela tối tăm giữa ban ngày. Ảnh: Sky News
Sạp hàng duy nhất có ánh sáng là cửa hàng cá. Và chỉ ở đây có máy phát điện để chạy một số bóng đèn tuýp.
Các cửa hàng thịt hầu hết đều đóng cửa và trống rỗng. Ở một số nơi, thịt bắt đầu thối rữa vì không được bảo quản.
Hoa quả và rau được bán nhiều, nhưng chỉ có thể thanh toán bằng thẻ ngân hàng - trong trường hợp máy có tín hiệu - hoặc USD.
Tình trạng siêu lạm phát đồng nghĩa với việc chủ cửa hàng không nhận đồng tiền của Venezuela.
Cảnh bế tắc tiếp diễn
Rosa Gonzalez, chủ cửa hàng hoa quả, cho biết thỉnh thoảng cô cho người mua nợ tiền và hi vọng họ sẽ quay lại trả nợ. Cô hiện tại không có thiết bị làm lạnh để bảo quản thực phẩm.
"Chúng tôi nhận tiền USD, rất nhiều người tới đây thanh toán bằng USD. Chúng tôi cũng nhận đồng euro và chuyển khoản ngân hàng".
"Đôi lúc tôi cho người mua cầm thực phẩm về và trả tiền vào ngày khác. Nếu họ không trở lại, thì đành chịu vậy," cô Gonzalez nói.
Chủ cửa hàng hoa quả Rosa Gonzalez. Ảnh: Sky News
Hầu hết cư dân ở Venezuela đều bị thiệt thòi từ cảnh mất điện, nhưng tầng lớp trung lưu đang phải chịu đựng nhiều nhất vì họ không biết phải đối phó với tình cảnh này ra sao. Những người có tiền thậm chí còn thuê khách sạn 5 sao để "lánh nạn". Nhưng các khách sạn cũng đang hoạt động cầm chừng bởi máy phát điện cũng lâm vào tình trạng quá tải.
Trước đây, xăng dầu không phải là vấn đề lớn với người dân bởi Venezuela là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, khi không có điện, trạm bơm xăng dầu không thể hoạt động. Xe ô tô xếp hàng dài tới cả 1km để chờ được bơm nhiên liệu tại một trạm bơm có máy phát điện.
Trong khi đó, người dân cũng xếp hàng dài bên ngoài các siêu thị với hi vọng siêu thị sẽ mở cửa.
Chính phủ Venezuela cho biết vụ mất điện được gây ra bởi một lỗi kĩ thuật chưa được xác định tại đập thủy điện Guri - nơi cung cấp 80% điện năng cả nước. Tổng thống Maduro và các bộ trưởng đã khẳng định vụ mất điện là do cuộc tấn công mạng từ Mỹ và phe đối lập. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào được đưa ra.
Xe ô tô xếp hàng dài chờ đổ xăng. Ảnh: Sky News
Các chuyên gia điện năng, các nhà thầu điện và những nhân viên của công ty điện Corpoelec thông báo rằng vụ mất điện là hậu quả của nhiều năm thiếu đầu tư.
Trạm biến áp San Geronimo B là nơi kết nối 8 trong 10 thành phố lớn nhất của Venezuela với nhà máy thủy điện Guri thông qua một trong những đường dây cao thế dài nhất thế giới.
Khi phóng viên của tờ New York Times tới đây vào ngày 10/3, trạm biến áp hoàn toàn im lặng thay vì âm thanh ồn ào hàng ngày. Một vài lính Vệ binh Quốc gia và một đơn vị cảnh sát được điều động tới trạm biến áp, nhưng không có nhân viên nào ở đây.
Luis Aguilar, một chuyên gia điện công nghiệp Venezuela, nói trạm biến áp rất quan trọng "trong việc cung cấp điện năng ổn định cho cả nước". Việc trạm này ngừng hoạt động đồng nghĩa rằng khó có thể khôi phục nguồn điện ít nhất cho tới ngày 12/3.
Nguyên nhân của sự cố mất điện vẫn đang được điều tra. Trả lời phỏng vấn, một lãnh đạo trong công ty điện Corpoelec nói đã có một vụ hỏa hoạn làm mất ổn định điện lưới và làm các tua bin ở Guri bị hỏng. Chính phủ đã tìm cách khởi động lại tua bin khoảng 4 lần từ thời điểm đó tới nay.
Lần khởi động cuối cùng đã dẫn tới một vụ nổ ở trạm biến áp thứ cấp gần Guri vào ngày 9/3.
Việc khởi động lại tua bin yêu cầu người vận hành có kĩ năng để đồng bộ hóa tốc độ quay tua bin trùng với tốc độ của 9 tua bin khác tại Guri. Tuy nhiên, theo các nguồn tin, những người vận hành có kinh nghiệm từ lâu đã bỏ việc vì mức lương quá thấp.
Người dân rời khỏi đất nước
Trong khi đó, theo TASS, nhiều người Venezuela đã tìm cách sang Brazil mặc cho lệnh cấm di chuyển qua biên giới của chính quyền Caracas.
Theo kênh truyền hình Globo, có những mạng lưới di chuyển bất hợp pháp để đưa người Venezuela sang bang Roraima của Brazil. Họ có thể tới đó bằng xe ô tô hoặc những chuyến xe buýt - chiều đi luôn đông người đi nhưng chiều về hầu như không có hành khách nào.
"Tôi tới đây với vợ và con trai bởi chúng tôi không thể nào sống ở Venezuela. Mọi thứ đều thiếu thốn, từ thực phẩm cho tới tã lót, và giá cả đều rất cao," một người dân Venezuela có tên Joe Miguel nói trên kênh Globo.
Người này cho biết đã tới Brazil một mình và 10 ngày sau đó quay trở lại để đón gia đình cùng đi. Cũng theo kênh Globo, những chuyến di chuyển bất hợp pháp tiêu tốn khoảng 13 USD và 15 phút để đi từ Venezuela sang Brazil.
Những người không có tiền thường chọn đi bộ. Tuy nhiên, đội tuần tra biên phòng Brazil đã tăng cường lực lượng để kiểm soát những tuyến đường không chính thức và kiểm trả tất cả các phương tiện tiến vào Brazil.
Ngày 20/2, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tuyên bố đóng cửa hoàn toàn biên giới với Brazil, và ngày 21/2 phó tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez tuyên bố đóng cửa tạm thời 3 cây cầu nối với Colombia. Quyết định này được đưa ra sau khi thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido nói sẽ đưa viện trợ nhân đạo từ Brazil sang Colombia.
Chính phủ Venezuela khẳng định rằng sẽ chỉ nhận viện trợ theo luật quốc tế và sẽ không để các loại hàng hóa của phe đối lập đi qua biên giới.