Thảm cảnh của hàng triệu shipper xếp lại tấm bằng đại học và ước mơ đổi đời ở Trung Quốc: Làm hơn 10 tiếng/ngày, không lương cơ bản, không bảo hiểm

01/11/2020 09:34 AM | Kinh doanh

Trong nửa đầu năm 2020, ít nhất 60.000 sinh viên có bằng thạc sĩ và hơn 170.000 người có bằng đại học đã trở thành shipper tại Trung Quốc.

Khi trời ngày càng lạnh và sương mù dày đặc bao trùm Bắc Kinh vào đêm cuối của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh đầu tháng 10 vừa qua, hầu hết các quán ăn và cửa hàng ở trung tâm thành phố đều đóng cửa sớm.

Thế nhưng, Chai Fengning trong bộ đồng phục màu vàng, đội chiếc mũ bảo hiểm của ứng dụng giao hàng lớn nhất Trung Quốc – Meituan, vẫn cần mẫn len lỏi qua các con phố trên chiếc xe đạp điện màu đen.

Chàng trai 23 tuổi này đã trở thành tài xế giao đồ ăn toàn thời gian vào tháng trước sau khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến ngành khách sạn, khiến anh mất công việc lễ tân.

Dù phần lớn người dân Trung Quốc đang trong kỳ nghỉ 8 ngày nhân dịp Quốc khánh và Trung thu nhưng Chai lại không thể đoàn tụ gia đình ở quê nhà Cam Túc mà ở lại Bắc Kinh để làm việc.

Chai nằm trong "đội quân" giao hàng đang phát triển tại Trung Quốc với hình ảnh quen thuộc là lái xe điện hoặc xe tay ga để vận chuyển hàng hóa trên khắp các con phố.

Kể từ khi lệnh phong tỏa được áp dụng vào đầu năm nay tại nhiều nơi ở Trung Quốc để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, lĩnh vực giao hàng đã giúp thương mại điện tử phát triển bùng nổ. Nó đóng vào trò là nguồn lực quan trọng để 1,4 tỷ người dân được cung cấp các mặt hàng thiết yếu của cuộc sống cũng nhưng là nơi "trú ẩn" an toàn khi đón nhận người lao động bị sa thải từ ngành khác.

Tuy nhiên, hàng triệu tài xế giao hàng (shipper), trong đó có Chai, đang thiếu sự bảo đảm về lao động và tài chính. Theo một báo cáo gần đây, hơn 75% trong số 65.000 nhân viên vận chuyển hàng được khảo sát có thu nhập dưới 5.000 nhân dân tệ (tương đương 747 USD) một tháng và hầu hết đều không có bảo hiểm xã hội. Hơn một nửa số người được hỏi cũng cho biết họ làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày và khoảng 60% cho biết họ chỉ được nghỉ hai ngày hoặc ít hơn mỗi tháng.

Zhao Xiaomin, một nhà đầu tư và nhà nghiên cứu độc lập trong lĩnh vực logistics của Trung Quốc nhận xét: "Đây là điều mà tôi nghĩ chúng ta nên thay đổi. Các tài xế đã tạo ra khối tài sản khổng lồ cho ngành, nhưng lợi ích của chính họ đang bị tổn hại về lâu dài. Việc thiếu phúc lợi cũng giải thích tại sao mọi người thường coi đây là công việc tạm thời".

Một báo cáo khác cho thấy nhiều tài xế không được trả lương trong thời gian đại dịch. Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hong Kong đã ghi nhận 25 cuộc biểu tình do những người lái xe không nhận được lương tổ chức.

Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng vọt về chi tiêu cho du lịch và tiêu dùng trong kỳ nghỉ lễ 8 ngày hồi đầu tháng và đây được coi là bằng chứng về sự phục hồi kinh tế trên diện rộng trong nửa cuối năm.

Nhưng nhân viên giao hàng, những người chủ yếu đến từ các khu vực nghèo hơn, kém phát triển hơn của Trung Quốc, vẫn đang phải đối mặt với những thiệt hại kéo dài từ đại dịch - từ mất việc làm cho đến chi tiêu tiêu dùng yếu hơn.

Cục Bưu điện Nhà nước Trung Quốc cho biết từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, hơn 56 tỷ gói hàng đã được vận chuyển - tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ trong tháng này, hàng tỷ gói hàng khác cũng đã được giao do nước này đang chuẩn bị cho lễ hội mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới diễn ra ngày 11/11 tới.

Cũng như nhiều người khác, Zhao Yinzhou, đến từ thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, cũng tìm đến nghề giao hàng để trang trải cuộc sống trong thời điểm khó khăn. Anh là cử nhân ngành quản trị nhân sự và từng làm việc tại một công ty tuyển dụng ở Hàng Châu. Do gia đình gặp biến cố, anh phải nghỉ việc vào đầu năm nay. Sau đó, anh chuyển đến Bắc Kinh để tìm cơ hội mới, ngay trước khi đại dịch bùng phát.

Chàng trai 29 tuổi hiện đang làm tài xế cho Ele.me, nền tảng giao hàng theo yêu cầu lớn thứ hai Trung Quốc chia sẻ: "Nhìn lại, tôi vô cùng hối hận khi nghỉ việc cũ. Nhưng đã quá muộn".

Hiện anh kiếm được khoảng 8.000 nhân dân tệ (1.200 USD) mỗi tháng nhờ giao đồ ăn, cao hơn mức 5.000 tệ mà anh nhận được từ công việc trước đó nhưng ít phúc lợi hơn.

Zhao Yinzhou hiện kiếm được khoảng 8.000 nhân dân tệ (1.200 đô la Mỹ) một tháng nhờ giao đồ ăn, nhiều hơn 5.000 nhân dân tệ mà anh nhận được từ công việc văn phòng tại công ty hậu cần, nhưng với ít lợi ích hơn.

Những tấm bằng đại học bị xếp xó

Theo một thống kê, trong nửa đầu năm 2020, ít nhất 60.000 sinh viên có bằng thạc sĩ và hơn 170.000 người có bằng đại học đã trở thành nhân viên giao hàng. Gần 30% trong tổng số 2,95 triệu tài xế giao hàng sở hữu ít nhất một bằng đại học, tăng nhẹ so với năm ngoái. Dự kiến, sẽ có 8,74 triệu sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học ở Trung Quốc năm nay. Tuy nhiên, triển vọng việc làm của họ rất mờ mịt do tác động của đại dịch.

Một tài xế 44 tuổi họ Cai cho biết ông từng điều hành một quán cà phê ở trung tâm Bắc Kinh. Nhưng 4 năm trước, ông đã phải đóng cửa kinh doanh khi chính quyền ra lệnh đóng các cửa hàng không phép. Kể từ đó đến nay, ông gắn bó với nghề giao hàng.

Ban đầu, ông làm bán thời gian cho Meituan và sau này trở thành nhân viên toàn thời gian. Để có nhiều đơn hàng hơn, ông mua một chiếc xe máy Honda thay vì xe đạp điện. Cũng như nhiều shipper khác, Cai ở lại Bắc Kinh trong kỳ nghỉ lễ để kiếm thêm tiền.

Dù vậy, Cai nói rằng đơn đặt hàng trong giai đoạn này ít hơn và giá mỗi đơn cũng giảm nhiều so với thường lệ. Trong khi đó, Chai cho biết anh chỉ nhận được hai đơn hàng và kiếm được 35 nhân dân tệ (5,25 USD) trong buổi trưa đầu tiên của kỳ nghỉ.

Ngành công nghiệp khắc nghiệt

Zhang Xuelin, một shipper 38 tuổi làm việc cho Sherpa's - một dịch vụ giao đồ ăn nhắm đến người nước ngoài và người giàu ở Trung Quốc - cho biết mình có thể kiếm tới 6.000 nhân dân tệ mỗi tháng bằng tiền boa cách đây 10 năm, khi ứng dụng thanh toán di động vẫn ở giai đoạn sơ khai. Giờ đây, mọi người thanh toán trực tuyến nên tiền boa đã ít hơn nhiều".

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc vào tuần trước, nền kinh tế nước này đã tăng 4,9% trong quý III so với một năm trước đó. Dù chi tiêu của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc dường như bị hạn chế hơn do đại dịch nhưng các shipper cho biết thu nhập của họ vẫn đủ để sống qua ngày. Zhang cho biết hiện anh có thể kiếm tới 400 nhân dân tệ (60 USD) mỗi ngày và gửi ngân hàng khoảng 10.000 nhân dân tệ mỗi tháng nếu tiết kiệm hết mức có thể.

Tháng 2 năm nay, chính quyền Bắc Kinh đã xác định tài xế giao đồ ăn là một nghề chính thức trong danh mục phân loại nghề nghiệp của Trung Quốc. Dù vậy, các shipper được hỏi đều phàn nàn rằng công ty của họ không hỗ trợ đủ phúc lợi xã hội như bảo hiểm thất nghiệp, sức khỏe, lương hưu… mà chỉ có bảo hiểm tai nạn.

Meituan và Ele.me ngày càng áp đặt nhiều yêu cầu khắt khe như rút ngắn thời gian hoàn thành giao hàng đồng thời áp dụng các hình phạt nghiêm khắc nếu shipper vi phạm quy định. Tháng trước, hai công ty này phải đối mặt với sự chỉ trích của sư luận về cách đối xử với tài xế. Điều tra của tạp chí Renwu ghi nhận nhiều tài xế của hai công ty vi phạm luật giao thông để hoàn thành đơn hàng một cách nhanh nhất.

Cai đã bị Meituan phạt 24 nhân dân tệ vì hủy giao hai đơn hàng. Nguyên nhân là vì nhà hàng chuẩn bị đồ ăn quá lâu và nếu ông không hủy, tất cả đơn hàng sau sẽ bị muộn.

Ông bức xúc: "Tiền phạt ngày càng tăng, trước đây họ chỉ phạt 3 nhân dân tệ. Luật lệ do những người có quyền lực đặt ra và họ chẳng quan tâm đến khó khăn của tài xế". Chai thì than thở rằng phản đối cũng vô ích vì các ông chủ sẽ không hề bận tâm. Còn Zhao cho biết anh đang chuẩn bị cho một kỳ thi tư vấn tâm lý để chuyển việc.

Mộc Tiên

Cùng chuyên mục
XEM