Thái Lan: Biểu tình bất chấp lệnh cấm
Hôm qua, hàng trăm người Thái Lan biểu tình ở Bangkok bất chấp lệnh cấm được áp dụng nhằm chấm dứt các hoạt động chống hoàng gia và chính phủ kéo dài ba tháng qua nhằm vào Quốc vương Maha Vajiralongkorn và Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.
“Hãy trả tự do cho bạn bè của chúng tôi”, những người biểu tình hô vang trước mặt cảnh sát, ám chỉ việc bắt giữ khoảng 40 người biểu tình trong tuần này. Họ giơ ba ngón tay được coi là biểu tượng của sự phản đối sau cuộc đảo chính năm 2014 của tướng Prayuth (hiện là Thủ tướng Thái Lan).
Ba tháng biểu tình ở đất nước 70 triệu dân phần lớn diễn ra trong hòa bình, cũng như cuộc tuần hành của hàng chục nghìn người hôm 14/10. Nhưng trong một vụ việc, cảnh sát đã xô đẩy những người biểu tình đang chế giễu khi đoàn xe chở Hoàng hậu Suthida đi ngang qua.
Chính phủ Thái Lan đã ban hành lệnh cấm tụ tập chính trị từ năm người trở lên và cấm xuất bản các tin tức và thông tin trực tuyến có thể đe dọa an ninh quốc gia. Người phát ngôn của chính phủ Anucha Burapachaisri nói: “Các biện pháp này là cần thiết để đảm bảo hòa bình, trật tự và ngăn chặn các sự cố tiếp theo sau khi những người biểu tình gây ảnh hưởng đến đoàn xe hoàng gia và vi phạm chế độ quân chủ với ngôn ngữ khiêu khích”.
Các lý do khác được đưa ra cho các biện pháp khẩn cấp là thiệt hại cho nền kinh tế từ các cuộc biểu tình và nguy cơ lây lan coronavirus, cho dù chỉ có một trường hợp lây nhiễm tại địa phương được báo cáo trong hơn bốn tháng.
Tattep Ruangprapaikitseree, một trong số các nhà lãnh đạo biểu tình, nói: “Tình hình lúc này tương đương với một cuộc đảo chính”. Cảnh sát cho biết họ đã bắt giữ hai nhà lãnh đạo biểu tình Parit “Penguin” Chiwarak và Arnon Nampa. Arnon cho biết trên Facebook rằng, anh đang bị buộc phải lên một chiếc trực thăng đến thành phố phía bắc Chiang Mai, nơi anh ta phải đối mặt với cáo buộc xúi giục nổi loạn trong một bài phát biểu vào tháng 8/2020.
Hình ảnh trên mạng xã hội sau đó cho thấy thủ lĩnh học sinh Panusaya “Rung” Sithijirawattanakul được đưa đi trên xe lăn khi cô làm động tác chào bằng ba ngón tay. “Chúng tôi vẫn chưa thể khôi phục một nền dân chủ thực sự”, Sun Pathong, 54 tuổi, người đã tham gia một thập kỷ biểu tình chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế truyền thống của Thái Lan, nói với Reuters. “Tôi sẽ quay lại. Chúng tôi phải tiếp tục cuộc chiến cho dù có liều mạng ”.
Phong trào biểu tình nhằm loại bỏ Thủ tướng Prayuth cho rằng ông đã thao túng cuộc bầu cử vào năm ngoái để giữ quyền lực. Trong khi đó, tướng Prayuth nói rằng cuộc bầu cử diễn ra công bằng.
Những người tuần hành trên đường phố cũng muốn có hiến pháp mới và kêu gọi giảm bớt quyền lực của nhà vua. Họ muốn vai trò của nhà vua phải chịu điều chỉnh của hiến pháp và tìm cách đảo ngược các mệnh lệnh đã cho nhà vua quyền kiểm soát tài sản hoàng gia và một số đơn vị quân đội.