Thủ tướng Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok, các thủ lĩnh biểu tình bị bắt giữ
Cảnh sát tiến hành một cuộc đột kích lúc sáng sớm 15/10 nhằm giải tán những người biểu tình bao vây văn phòng của Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha sau khi ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok.
Nhóm biểu tình, được biết tới với cái tên đảng Nhân dân, xác nhận rằng cảnh sát đã bắt giữ 4 thủ lĩnh của họ trong chiến dịch giải tán lúc sáng sớm. Nhóm này cũng tuyên bố họ sẽ tụ tập lúc 16h chiều tại ngã tư Ratchaprasong. Nằm giữa khu mua sắm chính của Bangkok, Ratchaprasong thường là nơi tập trung của những người biểu tình và cũng là nơi xảy ra cuộc đụng độ làm nhiều người thiệt mạng năm 2010.
Ngày 14/10, hàng chục nghìn người biểu tình đã vượt qua hàng rào của cảnh sát, tuần hành tới Văn phòng Thủ tướng Prayuth. Cuộc biểu tình này kéo dài từ tháng 7 tới nay nhằm kêu gọi cải cách chế độ quân chủ ở Thái Lan với 10 yêu sách. Nhiều nhà quan sát cho rằng cuộc biểu tình này là chưa từng có bởi Hoàng gia là yếu tố cấm kị ở Thái Lan. Những người xúc phạm Hoàng gia có thể bị phạt tù.
Vụ bắt giữ diễn ra không lâu sau khi Thủ tướng Prayuth ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok, trong đó cấm các cuộc tụ tập đông người. Tối 14/10, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ thực thi các hành động pháp lý chống lại những người biểu tình không tôn trọng chế độ quân chủ, một trong những phản ứng chính thức đầu tiên trước các cuộc biểu tình. Trong khi đó, tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok không cho phép tụ tập từ 5 người trở nên. Những người vi phạm có thể bị bắt giữ. Nó cũng cấm truyền thông đưa những thông tin "gây tổn hại đến an ninh quốc gia" và "gây hoảng loạn".
Punchada Sirivunnabood, phó giáo sư chính trị tại Đại học Mahidol gần Bangkok, cho rằng: "Tình trạng khẩn cấp có thể thúc đẩy phong trào biểu tình. Người biểu tình có thể tiếp tục hoạt động khi thất vọng vì Chính phủ không lắng nghe yêu cầu của họ".
Các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng đã đè nặng lên thị trường chứng khoán và tiền tệ của quốc gia Đông Nam Á này. Kể từ đầu năm tới nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã chuyển sang bán ròng 10,6 tỷ USD tài sản ở Thái Lan. Thị trường chứng khoán Thái Lan hứng chịu mức giảm lên tới 1,1%, nối dài chuỗi giảm điểm lên tới 21% kể từ đầu năm tới nay.
Mingze Wu, một nhà kinh doanh tiền tệ tại StoneX Group ở Singapore, cho biết: "Tình hình ở Thái Lan chắc chắn không phải là điều kiện lý tưởng cho các nhà đầu tư, đặc biệt là khi các cuộc biểu tình leo thang. Chúng tôi có thể thấy dòng tiền từ Thái Lan đổ sang các quốc gia khác trong khu vực. Đồng baht chắc chắn sẽ yếu hơn".
Các cuộc biểu tình, chủ yếu do sinh viên lãnh đạo, đã phá vỡ những điều cấm kỵ về việc công khai trỉ trích Hoàng gia Thái Lan. Những người biểu tình đặt câu hỏi về những khoản thuế họ đóng góp được chi cho các công việc Hoàng gia cũng như luật ngăn cấm người dân thảo luận về chế độ quân chủ ở nước này. Người biểu tình cũng kêu gọi ông Prayuth từ chức.
Trong thông báo được Thủ tướng Prayuth ký và công bố rạng sáng ngày 15/10, các cuộc biểu tình ở thủ đô Bangkok có thể dẫn tới bạo lực nhiều hơn, ảnh hưởng đến nền kinh tế và sự an toàn của người dân, làm tổn hại khả năng kiểm soát virus corona của Thái Lan.
Thực tế, các cuộc biểu tình ở Thái Lan được tiếp thêm động lực trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất đang bao trùm quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch và thương mại này. Tình trạng khẩn cấp ở Bangkok có thể làm chậm lại quá trình tái mở cửa ngành du lịch của Thái Lan, vốn được khởi động trong tháng này.