Thách thức tìm lời giải cánh đồng mẫu lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam nhìn từ chuyện trồng mía của Thành Thành Công và trồng lúa ở Lộc Trời

05/07/2019 14:56 PM | Kinh doanh

Khi nói về việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn, Chủ tịch Thành Thành Công cho rằng, "chỉ cần quyết tâm thì sẽ làm được", tuy nhiên, vì Thành Thành Công là doanh nghiệp lớn có đủ tài lực, với doanh nghiệp nhỏ mọi chuyện khó khăn hơn rất nhiều.

Một trong những lý do khiến nền nông nghiệp Việt Nam không thể bật lên được để trở thành một thế lực đáng gờm trên trường quốc tế, mặc dù sở hữu rất nhiều lợi thế mà ít nước trên thế giới có được, là bởi chúng ta không có vùng nguyên liệu bền vững. Hay nói đơn giản hơn, chúng ta không có đủ các cánh đồng mẫu lớn.

Theo Ipsard, sở hữu đất nông nghiệp bình quân đầu người của Việt Nam hiện đạt khoảng 0,07ha; con số này chỉ bằng 1/4 so với Thái Lan (khoảng 0,27ha/người). Trong khi đó, diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người của thế giới đã đạt gần 0,2ha.

Nghiên cứu của Ipsard cũng chỉ ra, trên 70% mảnh đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có diện tích nhỏ hơn 0,5ha; mỗi nông hộ vẫn sở hữu trung bình đến 3,1 mảnh đất trồng cây hàng năm...

Còn theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2016, cả nước có 27.284.906 ha đất canh tác nông nghiệp và thống kê năm 2018 cho thấy, chỉ có 10% trong số đó là được chuyển đổi sang phương thức sản xuất cánh đồng lớn, chủ yếu là với cây lúa, mía, hoa màu.

Bởi, chỉ khi có cánh đồng mẫu lớn, chúng ta mới có thể sử dụng cơ giới hóa và áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, có như thế chúng ta mới có thể giảm giá thành sản xuất, chất lượng nông sản đồng đều và sản lượng ổn định; mới có thể cạnh tranh được với nông sản của các nước khác.

Nhận thức được điều đó, trong vài năm gần đây, tất cả các tỉnh thành có thế mạnh về nông nghiệp cũng như các doanh nghiệp trong mảng nông nghiệp đã ra sức phát động phong trào xây dựng cánh đồng lớn, song kết quả thu lại còn rất hạn chế.

Diện tích đất canh tác được xếp vào dạng "cánh đồng mẫu lớn" ở các tỉnh thành còn rất ít và chỉ vài doanh nghiệp có tiềm lực lớn như Thành Thành Công hay Lộc Trời mới có thể bước đầu thu được thắng lợi.

Theo các chuyên gia, ngoài việc nhà nước phải thay đổi Luật hạn điền, thì cần có những luật định bổ trợ mạnh mẽ hơn nữa, thì mới có thể đẩy nhanh quá trình này.


Khó với trái cây

Trong một Hội nghị kêu gọi đầu tư của tỉnh Bến Tre năm 2018, chị Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu – một trong những đầu tàu về xuất khẩu trái cây ở miền Tây, thì dù nhận được rất nhiều đơn hàng lớn của các doanh nghiệp trên khắp thế giới, song Chánh Thu không dám nhận vì họ không có vùng nguyên liệu bền vững hay các vùng trồng lớn, đủ cung cấp số lượng ổn định – giá cả phải chăng – chất lượng tốt.

Thế nên, vấn đề lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu lớn của Việt Nam không phải là chuyện không có đơn hàng mà chính là không có vùng trồng lớn - "nhà kho" đủ lớn và chất lượng.

Còn theo Chủ tịch tỉnh Bến Tre - Cao Văn Trọng, hai nguyên do khiến Bến Tre không có vùng sản xuất mẫu lớn là bởi chính sách nông thôn mới và giá đất đang tăng cao.

Chính sách nông thôn mới đã đổ ra một lượng lớn tài lực làm đường tới tận ngõ ngách nông thôn, khiến người dân ở đây ngày càng di cư khuếch tán ra khắp nơi, người chết còn chôn tại nơi người sống ở, kéo theo những mảnh ruộng lớn bị chia năm sẻ bảy. Bình quân mỗi hộ dân ở Bến Tre có không quá 4 đến 5 công đất (1 công đất = 1/10ha), số hộ dân có trên 1ha rất hiếm.

Thách thức tìm lời giải cánh đồng mẫu lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam nhìn từ chuyện trồng mía của Thành Thành Công và trồng lúa ở Lộc Trời - Ảnh 2.

Chính sách nông thôn mới đã khiến việc tích tụ ruộng đất để xây dựng vùng trồng lớn của các doanh nghiệp trong ngành trái cây trở nên bất khả thi. Ảnh: Nông Thôn


Bây giờ, các doanh nghiệp muốn tích tụ đủ đất để tạo ra vùng trồng lớn buộc phải mua lại những mảnh vườn nhỏ của người dân nhưng hiện tại, giá đất nông nghiệp tại Bến Tre cao ngang với đất thổ cư. Do đó, gom đủ đất tạo vùng chuyên canh lớn gần như là điều không thể với hầu hết doanh nghiệp.

Trước mắt, theo Chủ tịch tỉnh Bến Tre, có 2 phương án để giải quyết ngay vấn đề này. Thứ nhất, khuyến khích người dân và doanh nghiệp cùng vào hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp sẽ đóng vai trò đầu kéo của HTX, kết nối đầu ra, đầu vào cũng như điều hành sản xuất.

Thứ hai, nếu doanh nghiệp vẫn muốn tự tạo ra vùng trồng cho riêng mình bằng cách thuê quyền sử dụng đất của nông dân thì Bến Tre sẵn sàng hỗ trợ 20% chi phí thuê theo đúng Quy định 57 và hỗ trợ chi phí đầu tư cũng như phát triển hạ tầng cho vùng nguyên liệu đầu tư.

"Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ điểm nghẽn này, tỉnh phải tổ chức lại cuộc sống ở nông thôn, cố gắng làm sao xây dựng các khu tập trung, dồn lực thiết kế một cuộc sống đầy đủ tiện nghi để người dân thấy vào đó sống tốt hơn so với phân tán.

Vấn đề đặt ra là phải dồn được nguồn lực xây dựng đường nông thôn để kiến tạo hệ thống cơ sở hạ tầng ở vài khu vực để người dân tập trung vào sinh sống, có như vậy mới tạo ra vùng nguyên liệu lớn. Nơi sinh sống phải tách biệt với nơi sản xuất", ông Trọng đưa ra giải pháp.

Trong lúc đợi lãnh đạo các tỉnh miền Tây giải quyết được gốc rễ của vấn đề, Chánh Thu cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây khác đang khuyến khích các địa phương thành lập HTX cũng như tranh thủ đi khai phá và xây dựng những cánh đồng trái cây lớn ở những tỉnh còn nhiều đất trống như Đồng Nai, Tây Ninh.


Dễ hơn ở lúa – mía

Trong tất cả, lúa với mía là 2 loại cây trồng dễ xây dựng cánh đồng lớn nhất, vì chúng thường được canh tác trên những cánh đồng trống trải, ít xen kẽ nhà dân, nên khả năng thành công cao hơn.

Ngoài diện tích lớn và không có quá nhiều vật cản chia cắt giữa các thửa/vườn với nhau; thì điểm mấu chốt của cánh đồng mẫu lớn là nông dân phải cùng nhau thực hành sản xuất theo một quy trình chung trong tất cả các khâu, từ quy trình kỹ thuật, quản lý sản xuất, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Theo thông tin từ Tập đoàn Lộc Trời, hiện họ có hơn 5 vùng nguyên liệu ở các tỉnh miền Tây với mô hình cánh đồng mẫu lớn rộng khoảng 30.000 ha.

Trong vụ hè thu 2018, Lộc Trời thậm chí còn thực hiện sản xuất lúa gạo theo đúng bộ tiêu chuẩn của Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế (SRP) trên hơn 11.000ha trong vùng nguyên liệu của mình.

Việc áp dụng bộ tiêu chí sản xuất lúa bền vững do SRP ban hành sẽ hạn chế tối đa việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, tránh dư lượng ở sản phẩm cuối cùng là gạo. Bà con nông dân khi hợp tác sản xuất với Tập đoàn Lộc Trời sẽ được Lực lượng ‘3 cùng’ của Tập đoàn sát cánh, hỗ trợ trong quá trình sản xuất lúa theo quy trình bộ tiêu chí sản xuất lúa bền vững SRP trên cơ sở phối hợp với các khuyến cáo của chính quyền địa phương.

Thách thức tìm lời giải cánh đồng mẫu lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam nhìn từ chuyện trồng mía của Thành Thành Công và trồng lúa ở Lộc Trời - Ảnh 4.

Một cánh đồng lớn của Lộc Trời.

Cho đến nay, Lộc Trời là doanh nghiệp Việt duy nhất đang thực nghiệm SRP. Đội ngũ hơn 1.300 kỹ sư của công ty vừa tập huấn, vừa túc trực ngay tại ruộng để hỗ trợ người nông dân hiểu và thay đổi tập quán canh tác cho phù hợp với tiêu chuẩn.

Những bảo hộ lao động, thùng chứa thuốc bảo vệ thực vật, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật, bảng cảnh báo ngoài đồng ruộng... đều được Lộc Trời giúp người nông dân trang bị. Để tạo động lực, Lộc Trời mua giá cao hơn mức thị trường đối với những ruộng có điểm SRP cao hơn, mức thưởng càng cao khi điểm càng cao.

Còn Thành Thành Công là một trong những doanh nghiệp mía đường tại Việt Nam có nhiều cánh đồng mía lớn nhất.

Hiện nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu của TTC Sugar tại ba nước Đông Dương (Việt Nam – Lào – Campuchia) lên đến 78.000ha. Trong đó, có rất nhiều cánh đồng mẫu lớn, tiêu biểu như HTX Hoàng Thuận An diện tích 750ha; hộ bà Nguyễn Thị Hiệp diện tích 859ha (huyện Dương Minh tỉnh Tây Ninh) và một số cánh đồng mẫu lớn ở Gia Lai…

Khởi đầu thực hiện liên kết sản xuất cánh đồng mía lớn trong niên độ 2015/2016 với 7 nhóm liên kết sản xuất cùng diện tích 45,9ha của 32 hộ dân, tại 2 huyện Ia Pa và Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Vụ thu hoạch đầu tiên, năng suất mía đạt bình quân 86 tấn/ha, nhóm đạt cao nhất là 130 tấn/ha, lợi nhuận bình quân của các nhóm đạt trên 35 triệu/ha. Trong khi các hộ sản xuất nhỏ lẻ lợi nhuận bình quân chỉ đạt khoảng 20 - 25 triệu/ha.

Sau kết quả tích cực trên, TTC Gia Lai tiếp tục nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất trên vùng nguyên liệu, đến vụ 2018/2019 đã có 45 nhóm liên kết sản xuất, diện tích trên 300ha của 359 hộ dân, năng suất đạt cao nhất 96 tấn/ha, lợi nhuận bình quân đạt 25 triệu/ha.

Thách thức tìm lời giải cánh đồng mẫu lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam nhìn từ chuyện trồng mía của Thành Thành Công và trồng lúa ở Lộc Trời - Ảnh 5.

Quá trình xây dựng cánh đồng lớn của TTC Sugar.

Thách thức tìm lời giải cánh đồng mẫu lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam nhìn từ chuyện trồng mía của Thành Thành Công và trồng lúa ở Lộc Trời - Ảnh 6.

Phân công nhiệm vụ của thành viên và trưởng nhóm.

Theo chia sẻ từ Thành Thành Công với chúng tôi, họ đã gặp không ít trở lực lúc thực hiện xây dựng cánh đồng lớn: quá trình liên kết sản xuất gặp nhiều khó khăn do tâm lý người dân còn e ngại sợ mất đất; tư tưởng về sản xuất mía theo kiểu HTX cũ trước đây còn in sâu vào tâm trí nên người dân không muốn tham gia sản xuất chung, muốn tự canh tác nhỏ lẻ để tận dụng công lao động nhàn rỗi trong gia đình; giá đường giảm, ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận của các hộ dân trồng mía.

"Về nguyên nhân khiến cho việc xây dựng cánh đồng lớn gặp khó, theo tôi ở đây không những là câu chuyện chính sách, mà còn là vấn đề lao động phổ thông nữa. Cụ thể, vấn đề hạn điền là nguyên nhân khiến cho việc cơ giới, cũng như thiết kế đồng ruộng ở những cánh đồng lớn gặp khó khăn; ngoài ra, đi thuê lao động phổ thông để làm việc trong ngành mía cũng đang gặp rất nhiều trở ngại, vì hầu hết họ đều muốn làm việc ở các khu công nghiệp hơn là ngoài cánh đồng.

Tuy nhiên, theo tôi, chỉ cần đủ quyết tâm là chúng ta sẽ làm được, giống như thành công của TTC khi xây dựng cánh đồng mía lớn ở Tây Ninh và 2 huyện Ia Pa và Krông Pa – Gia Lai", Chủ tịch Đặng Văn Thành nhắn nhủ.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM