TGĐ Lavifood Đặng Ngọc Cẩn: Sau mùa đại dịch Corona, hy vọng kể cả khi giá cao nông dân cũng không rời chúng tôi, vì trong lúc khốn khó chúng tôi đã không bỏ họ!

13/02/2020 09:01 AM | Kinh doanh

Theo suy nghĩ của lãnh đạo Lavifood, nếu doanh nghiệp không bỏ rơi người nông dân khi họ gặp hoạn nạn thì nông dân sẽ không bỏ doanh nghiệp khi gặp thuận lợi. Và muốn thị trường thanh long ổn định, chỉ nên xuất tươi 60% và chế biến 40%, mà muốn vậy cần có sự hỗ trợ về vốn và chính sách từ Nhà nước.

Đại dịch Corona đang làm một cuộc càn quét qua nền kinh tế của nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Người khóc nhiều, người cười ít. Với Lavifood, sự cố này khiến họ vừa khóc vừa cười. Khóc vì mình không có nhiều nguồn lực hơn để hỗ trợ nông dân trồng thanh long tại Long An trong giai đoạn khốn khó, cười là bởi sau đại dịch Corona này, mối quan hệ giữa họ và người nông dân chắc chắn sẽ tốt lên.

Mà một khi mối quan hệ cộng sinh này tốt lên, Lavifood sẽ có được vùng trồng bền vững, có thể thuyết phục được người nông dân làm thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGAP, điều mà họ chưa thành công lắm nếu tính đền thời điểm này. Theo như ông Đặng Ngọc Cẩn - Tổng Giám đốc Lavifood, doanh nghiệp này không thiếu thị trường tốt, nhưng họ lại thiếu vùng trồng chất lượng để có thể đáp ứng đủ những tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường tốt đó.

Thưa ông, hiện tại, Lavifood đã tiêu thụ bao nhiêu tấn thanh long cho bà con ở Long An và mức giá là bao nhiêu?

Ông Đặng Ngọc Cẩn: Cho đến thời điểm này, chúng tôi đã thu mua của bà con khoảng mấy chục ngàn tấn, hầu hết trong kế hoạch và một phần nhỏ ngoài kế hoạch. Sắp tới, chúng tôi sẽ mua thêm vài chục tấn nữa. Như các bạn đã biết, chúng tôi mua tất cả các sản phẩm của người nông dân, từ loại 1 đến loại 2 và 3, 4 đến 5.

Bây giờ, với tiềm lực của mình, chúng tôi chỉ có thể tiêu thụ từ 10.000 tấn đến 15.000 tấn trong khoảng 2 tháng. Thế nên, trừ phi có một biến chuyển đặc biệt, như tự dưng thị trường nước ngoài hút hàng hoặc cả nước biết đến sản phẩm của Lavifood và nhu cầu tăng vọt. Tức là, nếu có đơn hàng thì mới ký kết mua hàng của bà con tiếp.

Với sản lượng chung của Long An, ngày đi ra khoảng 1.000 tấn nếu đúng vụ, thì sức mua của Lavifood không đáng kể. Thế nên, nếu đại dịch Corona vẫn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, có khi người nông dân sẽ bỏ vì người ta thấy cây thanh long không ổn.

Tổng Giám đốc Lavifood – Đặng Ngọc Cẩn: Sau mùa đại dịch Corona, hy vọng sau này kể cả khi giá cao nông dân cũng không rời chúng tôi, vì trong lúc khốn khó chúng tôi đã không bỏ họ - Ảnh 1.

Các sản phẩm khác nhau làm từ nguyên liệu thanh long của Lavifood.

Lavifood mua thanh long cho bà con với mức khoảng 12.000 đồng/kg tại ruộng. Chúng tôi ưu tiên với những nông dân đã đi cùng mình trong thời gian dài. Nói gì thì nói, dù lòng chúng ta bao la đến đâu, chúng ta cũng phải ưu tiên những người đã đi với mình, nhìn vào sức lực của mình và những mối quan hệ của mình. Sau khi chúng tôi mua hết những nông dân đã ký hợp đồng rồi, mới đến lượt những người ngoài.

Đây là đợt “hàng đèn” (trái vụ - PV), thanh long hàng đèn phải bán giá từ 18.000 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg mới huề vốn. Hàng đúng mùa vụ rẻ hơn, khoảng 12.000 đồng/kg đã huề vốn. Chúng tôi cũng đã ngồi thảo luận để nói lên giá vốn, người nông dân nói đi nói lại, chúng tôi ngồi nghe chán rồi, không ai nói với chúng tôi giá vốn của họ thật sự bao nhiêu. Những con số trên là chúng tôi ước chừng!

Xem thêm các tác động kinh tế của dịch bệnh do virus Corona (Covid-19) tại ĐÂY.

Vậy thị trường của thanh long hiện tại như thế nào?

Ông Đặng Ngọc Cẩn: Với thanh long mua về, chúng tôi chủ yếu chế biến chứ ít bán tươi. Chúng tôi đang chào hết tất cả sản phẩm làm từ nguyên liệu trái thanh long cho khách hàng. Sản phẩm của chúng tôi, có những loại bán trong nước - B2C và bán nước ngoài - B2B. Bán ở thị trường nước ngoài có hàng đông lạnh, hàng nước hoa quả đóng chai, hàng sấy dẻo… Chúng tôi đã nhờ nhiều đối tác hỗ trợ bà con nông dân Việt Nam, nên đơn hàng của chúng tôi đã gia tăng khá tốt.

Trong tất cả, những sản phẩm đóng lon/chai đang tiêu thụ số lượng lớn nhất. Tôi hy vọng, trong tương lai, những sản phẩm khác của thanh long như đông lạnh, sấy dẻo cũng sẽ tiêu thụ tốt như thế.

Còn về xuất tươi, sau khi thị trường Trung Quốc đóng băng, thanh long Việt Nam rất khó để xuất khẩu ra nước khác bởi 2 lý do: không có tiêu chuẩn chất lượng quốc tế và chi phí logistics cao.

Xuất khẩu thanh long tươi đi châu Âu có hơi khó, bởi nếu đi máy bay qua bên đó giá sẽ rất đắt, còn đi đường thủy lại mất đến 7 ngày – 10 ngày, ảnh hưởng xấu đến chất lượng của thanh long. Hiện tại, chúng tôi thấy có một thiết bị bảo quản rất tốt cho trái thanh long trong từng đó ngày từ Nhật Bản và chúng tôi vẫn đang nghiên cứu chúng.

Trung Quốc vừa mới mở một con đường giao thương trên sông, nên chúng tôi đi được 50 container gì đó. Nếu trong thời gian ngắn tới, tình hình đại dịch Corona không khả quan hơn, Trung Quốc tiếp tục ‘bế quan, tỏa cảng’, thì kể cả những sản phẩm loại 1, cũng phải chuyển qua để chế biến. Nói chung, chúng ta phải hỗ trợ họ! Đừng nói là tôi chỉ mua loại 1 hay loại 2, 3, không có chuyện đó đâu, với người nông dân, chúng ta phải mua hết cho họ!

Có một vài người trong nghề cho rằng, sở dĩ thanh long gặp khó như thế, thì ngoài thị trường Trung Quốc, những thị trường lớn trên thế giới như châu Âu – châu Mỹ không ưa chuộng loại trái cây này. Thực hư ra sao thưa ông?

Tổng Giám đốc Lavifood – Đặng Ngọc Cẩn: Sau mùa đại dịch Corona, hy vọng sau này kể cả khi giá cao nông dân cũng không rời chúng tôi, vì trong lúc khốn khó chúng tôi đã không bỏ họ - Ảnh 3.

Sản phẩm thanh long cấp đông của nhà máy Lavifood.

Ông Đặng Ngọc Cẩn: Tôi nghĩ việc thanh long ít được những thị trường khác ngoài Trung Quốc ưa chuộng, là do khi chúng ta ra chào thị trường bên ngoài lại chào không lớn, chứ không phải họ không ưa chuộng sản phẩm này. Như bạn thấy, khi khách Tây qua đây, được mời thanh long tươi họ ăn ào ào, không ai chê hết!

Vấn đề là, thanh long của chúng ta vẫn chưa đủ chuẩn chất lượng để xuất tươi cũng như vấn đề logistics khó khăn, nên chúng ta chủ yếu chào sản phẩm đã qua chế biến. Ngay cả nước thanh long đóng lon, chúng tôi cũng vừa mới làm ra trong vòng 1 tháng nay.

Hiện tại, chúng tôi đang chào hàng liên tục và chúng tôi thấy phản hồi của họ với những sản phẩm như cấp đông, sấy dẻo…, có những tín hiệu rất tốt. Nếu chúng ta có những chính sách nhất định để hỗ trợ các nhà máy nghiên cứu, chế biến sâu hơn về thanh long, thì sản lượng thanh long xuất tươi giảm đi, chỉ còn khoảng 60%; 40% còn lại sẽ là sản phẩm đã qua chế biến. Có như thế, chuỗi giá trị chúng ta mới bền vững.

GlobalGAP là một lựa chọn tất yếu nếu muốn xuất tươi sang các thị trường khó tính hơn?

Ông Đặng Ngọc Cẩn: Đúng vậy, nên chúng tôi đang là một trong những đơn vị tiên phong nghiên cứu và đặt vấn đề với nông dân sản xuất sản phẩm theo hướng GlobalGAP.

Hiện cũng có một số đối tác sang đặt vấn đề với chúng tôi, là họ sẵn sàng mua thanh long tươi, nhưng với điều kiện nó phải đạt chuẩn GlobalGAP. Vừa rồi, ở Bình Thuận có 2 cá nhân làm Global Gap, khi chúng tôi ngồi xuống đặt vấn đề, họ cũng thú nhận là họ làm xong rồi bán với giá chả khác gì thanh long thường.

Tức là, có vẻ, người trồng GlobalGAP và người có nhu cầu thu mua GlobalGAP, 2 đơn vị này gần như chưa gặp nhau. Sắp tới, chúng tôi đang có kế hoạch, sẽ đến những vùng giống Đức Hòa – nơi họ bắt đầu trồng thanh long, rộ lên chút xíu khoảng 100ha đến 200ha, để thí điểm làm GlobalGAP ngay từ ban đầu. Chúng tôi sẽ ký hợp đồng chết với họ kèm với mức giá rất cao. Điều đó sẽ giúp chúng ta có được vùng nguyên liệu tốt và người nông dân yên tâm sản xuất.

Vậy khó khăn và thuận lợi của Lavifood trong đợt hỗ trợ người nông dân lần này là gì?

Ông Đặng Ngọc Cẩn: Cái khó lớn nhất hiện nay của chúng tôi là nguồn vốn. Muốn có đơn hàng lớn thì vùng trồng và trữ lượng phải luôn bảo đảm, muốn việc thu mua với mức giá ổn định và tốt cần kho lớn, chế biến sâu phải có công nghệ tốt mà công nghệ tốt thật ra luôn ở đó chỉ là chúng ta thiếu tiền. Muốn kho lớn – công nghệ hiện đại đều cần vốn lớn.

Tổng Giám đốc Lavifood – Đặng Ngọc Cẩn: Sau mùa đại dịch Corona, hy vọng sau này kể cả khi giá cao nông dân cũng không rời chúng tôi, vì trong lúc khốn khó chúng tôi đã không bỏ họ - Ảnh 5.

Ông Đặng Ngọc Cẩn đang tiến hành ký kết hợp tác với các đối tác.

Tôi nghĩ Nhà nước cần có một chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, qua đợt dịch này. Nếu chúng ta chỉ xuất tươi như hiện nay, trước đây chúng ta xuất tươi tới 90% thanh long qua Trung Quốc, vì một lý do nào nó Trung Quốc đóng cửa, sẽ có rất nhiều xe tải xếp hàng ở cửa khẩu. Lối thoát để không lặp lại vấn đề này, là Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp làm nông nghiệp liên quan đến các vấn đề về nguồn vốn, về thuế... thì mới giải quyết được. Tôi nghĩ đó là cái gốc vấn đề!

Thuận lợi thì các bạn biết rồi, ví dụ như hôm nay chúng tôi có sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp khác như Co.op Mart, SCB, Quỹ Khởi nghiệp xanh…

Về phần ngân hàng, chắc chắn qua đợt này, Ngân hàng sẽ ủng hộ cả doanh nghiệp lẫn người nông dân tích cực hơn. Tiếp tới, hàng hóa của chúng tôi sẽ nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng nhiều hơn. Thuận lợi nữa, cả nước sẽ biết đến Lavifood và sự tiên phong của doanh nghiệp trong việc làm chuỗi bền vững trong nông nghiệp.

Sau khi ‘cơn bão’ đi qua, chúng tôi có được sự tin tưởng của người nông dân, bởi khi chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng họ trong thời điểm này, sau này dù giá cao đến đâu đi nữa, họ vẫn sẽ tiếp tục đi với chúng tôi. Người nông dân vẫn có được sự chung thuỷ nhất định.

Vậy theo ông, đâu là cái lợi ích lớn nhất mà lần đại dịch Corona này mang lại cho Lavifood?

Ông Đặng Ngọc Cẩn: Trước đây, có thời điểm giá rất tốt, thị trường Trung Quốc ‘ăn’ hàng thanh long đèn, có lúc lên 45.000 đồng/kg, lúc tuột như bây giờ có khi xuống 4.000 đến 5.000 đồng/kg. Nhưng lúc người nông dân đặt bút ký hợp đồng, người ta quên lúc 4.000 đồng đến 5.000 đồng/kg, chỉ nhớ đến lúc 45.000 đồng đến 50.000 đồng/kg; nên buộc chúng tôi phải đưa ra khá nhiều kiểu chính sách giá.

Chỉ là, người nông dân không chấp nhận mức giá ‘chết’, mà muốn giá theo kiểu ‘nước lên, thuyền lên’. Ví dụ: nếu mức giá trong hợp đồng khoảng 15.000 đồng/kg, khi ‘nước lên’ tầm 40.000 đồng/kg, chênh lệch đó, mỗi người chia ½, còn giá xuống thì mỗi bên cũng chia ½. Kiểu mức giá này này đã được quyết định sau khi chúng tôi làm việc với Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An. Qua đợt này, chúng tôi hy vọng việc ký kết sau này sẽ dễ chịu hơn, người nông dân sẵn sàng đặt bút ký kết với chúng tôi.

Tôi hy vọng, người nông dân sẵn sàng đồng hành với chúng tôi hơn nữa, vì khi khó khăn chúng tôi vẫn bên cạnh họ, thì khi thuận lợi họ vẫn sẽ bên cạnh chúng tôi!

Cảm ơn ông!

Tổng Giám đốc Lavifood – Đặng Ngọc Cẩn: Sau mùa đại dịch Corona, hy vọng sau này kể cả khi giá cao nông dân cũng không rời chúng tôi, vì trong lúc khốn khó chúng tôi đã không bỏ họ - Ảnh 6.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM