Tết Nguyên Đán có thể sẽ biến mất trong 20 năm tới tại Trung Quốc vì một nguyên nhân bất ngờ
“Giới trẻ Trung Quốc giờ đây thích sống cho riêng họ thôi và văn hóa về quê ăn Tết, chúc tết sẽ dần biến mất”.
Theo tờ Business Insider, Tết Nguyên Đán tại Trung Quốc năm nay chứng kiến sự bùng nổ tranh cãi từ một bài đăng trên Weibo.
Cụ thể, bài đăng này cho biết sẽ chẳng có ai còn đi chúc Tết trong 20 năm nữa khi những thế hệ sinh năm 1980-1990 lên làm chủ gia đình. Đây là những thế hệ nằm trong giai đoạn chính sách 1 con của Trung Quốc, nghĩa là sẽ không có anh em ruột, ít họ hàng người thân và chẳng có nhu cầu đi chúc Tết nhiều.
Bài đăng ngày 23/1/2023, tức mùng 3 tết âm lịch này đã nhận được 340 triệu lượt xem cùng 19.000 lượt bình luận trên Weibo, qua đó cho thấy chủ đề gây tranh cãi cực lớn tại Trung Quốc liên quan đến việc có nên bỏ Tết Nguyên Đán hay không cũng như văn hóa chúc Tết, hưởng thụ Tết âm lịch như thế nào.
Tại Trung Quốc, những đợt xuân vận liên quan đến việc người lao động thành phố đổ về quê ăn Tết. Đây là thời điểm cực kỳ áp lực cho ngành giao thông và được vô số gia đình mong chờ khi được đoàn tụ với gia đình sau cả năm bôn ba vất vả làm việc.
Tuy vậy, ngày càng nhiều bạn trẻ Trung Quốc bày tỏ thái độ chán ghét ngày Tết trước áp lực lập gia đình, mừng tuổi, sự tra hỏi của người thân về sự nghiệp cũng như những buổi tiệc tùng, chúc Tết liên miên đầy mệt mỏi.
Trong dịp Tết Nguyên Đán 2023, lượng người dân đổ về quê ăn Tết tại Trung Quốc khá đông với ước tính khoảng 2,1 tỷ chuyến vận tải nội địa được thực hiện trong khoảng đầu tháng 1 đến giữa tháng 2/2023. Khoảng hơn một nửa trong số này được cho là có mục đích trở về đoàn tụ với gia đình.
Dẫu vậy, nhiều người dùng Weibo cho rằng văn hóa xuân vận, về quê chúc Tết tại Trung Quốc trong 20 năm nữa sẽ dần biến mất.
“Trong 20 năm tới, hầu hết người lớn tuổi trong gia đình sẽ qua đời, còn giới trẻ thì chẳng thân quen với nhau lắm do bận đi làm trên thành phố. Bởi vậy nhiều khả năng chúng sẽ chẳng đi chúc Tết nhau đâu”, một người dùng Weibo nhận định.
Hậu quả từ đẻ ít
Những lời nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh dân số Trung Quốc lão hóa nhanh chóng do tỷ lệ sinh thấp, hệ lụy từ chính sách 1 con đã được thực hiện nhiều năm trước.
Đầu tháng 1/2023, dân số Trung Quốc lần đầu tiên suy giảm sau 60 năm khi nền kinh tế đã bùng nổ với chất lượng sống đi lên. Giới trẻ giờ đây có ngày càng nhiều ưu tiên hơn so với việc lập gia đình hay con cái, thế rồi áp lực tài chính, chi phí nuôi dạy cũng khiến nhiều bạn trẻ chán nản cho chuyện kết hôn.
Không dừng lại ở đó, sự bất ổn của nền kinh tế cũng khiến những phong trào như “nằm thẳng” (Lying Flat) trỗi dậy, khiến các bạn trẻ từ bỏ cố gắng và ước mơ, chỉ làm đủ sống cho bản thân, không nghĩ về tương lai hay lập gia đình nữa.
Tỷ lệ kết hôn và sinh con tại Trung Quốc đã giảm mạnh. Số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc cho thấy tỷ lệ kết hôn tại nước này đã giảm 8 năm liên tiếp và hiện ở mức thấp nhất 36 năm qua. Theo nhiều ước tính, quốc gia này sẽ có hơn 400 triệu người trên 60 tuổi vào năm 2040.
Trong cuộc khảo sát của Đoàn thanh niên Trung Quốc (CYL), 44% số phụ nữ trong độ tuổi 18-26 chưa kết hôn cho biết họ không có kế hoạch lấy chồng. Tỷ lệ này là 25% ở nam giới cùng độ tuổi. Phần lớn giới trẻ Trung Quốc hiện nay cho rằng việc lập gia đình là gánh nặng hơn là trách nhiệm, đồng thời cũng là cơ hội để có thể độc lập tài chính và sống vì bản thân hơn.
“Suốt 20 năm qua, ngày càng nhiều phụ nữ độc thân sống một cuộc sống ổn định, chất lượng cao và họ sợ rằng việc lấy chồng sẽ làm tan biến hiện trạng đó. Việc nữ giới được đi học, có sự nghiệp không kém nam giới đã dẫn đến tình trạng nhiều phụ nữ chỉ muốn lấy chồng cho có, họ đã có sẵn nhà và thu nhập nên chỉ cần một tấm chồng về cho bố mẹ xem chứ không muốn sự ràng buộc, kể cả là con cái”, giám đốc marketing Allison Malmsten của hãng tư vấn Daxue Consulting nhận định.
Khảo sát của hãng tuyển dụng Zhaopin Recruiting năm 2021 cho thấy 43,5% phụ nữ độc thân Trung Quốc ngại lấy chồng vì sợ cuộc sống thoải mái hiện tại sẽ biến mất. Trong khi đó, khoảng 53,6% số nam giới độc thân trả lời không lấy vợ vì thiếu tài chính chu cấp cho gia đình.
Độc thân nuôi chó
Bên cạnh đó, việc đô thị hóa quá nhanh, thị trường bất động sản tràn ngập những khu chung cư “nhà ai biết nhà đó” dần biến cuộc sống độc lập trở thành xu thế trong 20 năm nữa.
“Giới trẻ Trung Quốc giờ đây thích sống cho riêng họ thôi và văn hóa về quê ăn Tết, chúc tết sẽ dần biến mất”, một người dùng Weibo nhận định.
Thậm chí, cuộc sống độc thân nuôi thú cưng, có người yêu nhưng không lấy đã trở nên ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc. Nền kinh tế độc thân tại Trung Quốc đang ngày càng phát triển với những bữa ăn cho 1 người dùng, nhà hàng cho người đi 1 mình hay khách sạn cho người độc thân.
Năm 2021, tỷ lệ sinh của Trung Quốc chỉ đạt 7,52 trẻ trên mỗi 1.000 người, mức thấp nhất kể từ năm 1949.
Tất nhiên không phải ai cũng bi quan về tình hình này, một số người dùng Weibo khác cho rằng nhu cầu giao tiếp, tìm kiếm người thân trong dịp năm mới sẽ không thể biến mất và chắc chắn vẫn sẽ có người về quê ăn Tết, chúc Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc, nhất là khi văn hóa này đã tồn tại vô số năm nên khó có thể xóa nhòa.
*Nguồn: Business Insider, Reuters