Chân dung cô gái lừa JP Morgan Chase mua lại startup của mình với giá 175 triệu USD, lọt cả vào Forbes 30 Under 30 trước khi bị vạch trần

01/02/2023 13:47 PM | Kinh doanh

Chỉ hơn 1 năm sau khi mua lại Frank, CEO Jamie Dimon của JP Morgan đã bị chỉ trích vì thương vụ hớ hênh này, để lại bài học đau đớn về đạo đức nghề nghiệp trong thị trường startup.

Chân dung cô gái lừa JP Morgan Chase mua lại startup của mình với giá 175 triệu USD, lọt cả vào Forbes 30 Under 30 trước khi bị vạch trần - Ảnh 1.

“Những lão già đó chẳng hiểu gì đâu”

Năm 2021, nhà khởi nghiệp trẻ Charlie Javice hoàn thành thương vụ lớn nhất đời mình, đó là bán lại startup Frank, chuyên cung cấp công cụ giúp các nhà khởi nghiệp xây dựng doanh nghiệp, cho JP Morgan Chase với giá 175 triệu USD. Nhờ startup này mà Javice từng lọt vào danh sách “Forbes 30 Under 30” năm 2019.

“Không phải lúc nào cũng có một nhà khởi nghiệp trẻ kiếm được số tiền lớn để bắt đầu các dự án mới khác như vậy”, cô Javice hồ hởi viết trên LinkedIn.

Thế nhưng chỉ hơn 1 năm sau khi mua lại Frank, CEO Jamie Dimon của JP Morgan đã hứng chịu vô số chỉ trích vì thương vụ hớ hênh này, qua đó gây tổn thất cho công ty. Số liệu khách hàng mà Javice vẽ lên sai lệch so với thực tế và JP Morgan đã kiện nhà khởi nghiệp này ra tòa với cáo buộc lừa đảo họ thực hiện thương vụ. Phía JP Morgan cho biết Javece đã tạo nên 4 triệu người dùng không có thực để ngụy tạo cho startup của mình.

Trong biên bản kiện cáo, JP Morgan cáo buộc Javice đã nhờ đến sự trợ giúp của một giáo sư công nghệ thông tin nhằm giả tạo số liệu khách hàng, qua đó gây ấn tượng để tập đoàn này mua lại startup của mình. Trên thực tế, Frank chỉ có chưa đến 300.000 khách hàng sử dụng dịch vụ.

Chân dung cô gái lừa JP Morgan Chase mua lại startup của mình với giá 175 triệu USD, lọt cả vào Forbes 30 Under 30 trước khi bị vạch trần - Ảnh 2.

Phía Javice, vốn trở thành một giám đốc của JP Morgan sau khi startup được mua lại theo thỏa thuận nhưng bị đuổi ngay sau đó vì vụ việc trên, đã kiện ngược lại tập đoàn này với lý do vi phạm hợp đồng cũng như từ chối công nhận những thành tựu mà cô xây dựng nên.

Bất chấp những lời biện minh, hàng loạt ngân hàng và nhà đầu tư bắt đầu tẩy chay nhà khởi nghiệp này khi có hành vi lừa đảo. Sau khi JP Morgan đóng cửa trang web Frank, nhiều ngân hàng khác cũng có động thái tương tự. Ngân hàng đầu tư Lion Tree đã chấm dứt hợp đồng với startup này, dỡ bỏ nhãn podcast Javice ra khỏi website của mình. Tập đoàn Ground Up Ventures, nhà đầu tư thiên thần từng rót vốn đầu tiên cho Frank cũng đã gỡ bỏ các thông tin của startup này khỏi website.

Vô số những bài đăng vinh danh, những cuộc phỏng vấn, những lời khen của người trong giới về Frank và Javice đã bị gỡ bỏ và chẳng ai ngạc nhiên khi nhà khởi nghiệp lâm vào tình cảnh này.

“Đây chính là những gì cô ấy đã làm suốt thời gian qua và bây giờ cô ấy bị phát hiện”, nguồn tin thân cận với Javice nói với Forbes.

Nguồn tin xin được giấu tên này cho biết ngay cả khi Frank chưa hề xây dựng được bất cứ sản phẩm nào thì Javice đã đi thuyết trình với các nhà đầu tư rằng họ đã có hàng nghìn khách hàng sinh viên đăng ký dịch vụ.

“Chúng tôi nhìn nhau như kiểu: ‘Điều này thật điên rồ’. Bạn không thể đi nói phét với các nhà đầu tư kiểu như vậy được. Chúng tôi đều hiểu nghệ thuật bán hàng và gọi vốn là như thế nào nhưng có những thứ mà Javice nói hoàn toàn không đúng sự thật”, một nguồn tin khác nói với Forbes.

Khi những nhân viên này bày tỏ sự lo ngại về những lời “chém gió” của Javice thì cô luôn nhắc lại cùng một luận điệu rằng: “Nghe này, những lão già đó chẳng hiểu gì đâu, đây là cách mọi thứ hoạt động, bạn sẽ phải giả vờ cho đến khi nó trở thành sự thực (Fake it until you make it)”.

Trong một bài thuyết trình (Podcast) năm 2021, Javice đã thừa nhận rằng với tư cách là một nhà khởi nghiệp, cô luôn có tư tưởng tích cực vượt bậc và điều này đôi khi đem lại lợi thế cũng như bất lợi cho bản thân.

“Chắc chắn đã có những thời điểm mà tôi vẽ lên một viễn cảnh tươi sáng hơn thực tế đang có”, Javice thừa nhận trong chương trình Planet Economics.

Chân dung cô gái lừa JP Morgan Chase mua lại startup của mình với giá 175 triệu USD, lọt cả vào Forbes 30 Under 30 trước khi bị vạch trần - Ảnh 3.

Cô Charlie Javice

Thấy sang bắt quàng làm họ

Charlie Javice lớn lên tại New York trong một gia đình trung lưu, bố làm cho một quỹ đầu tư còn mẹ là giáo viên, anh trai làm giám đốc kỹ thuật tại Popeyes. Nhà khởi nghiệp này theo học trường đại học Pennsylvania chuyên ngành tài chính và luật.

Một cựu sinh viên cùng lớp của Javice cho biết người phụ nữ này khá tốt tính nhưng đôi khi hay “thấy sang bắt quàng làm họ” và thường vẽ lên những viễn cảnh viển vông xa rời thực tế.

Năm 2011, Javice thành lập PoverUp, một nền tảng trực tuyến kêu gọi quyên góp để làm từ thiện. Kể từ đây, Javice bắt đầu con đường “chém gió” của mình. Tờ Forbes cho biết trong những dòng email nội bộ của PoverUp, nhà khởi nghiệp này khoe mình đã ăn tối tại New York với những nhà đầu tư lớn như Bobby Turner, gặp nhà sáng lập Josh Kopelman của First Round Capital tại Philadelphia, đi thăm viện Harvard Leadership Institute.

Thậm chí Javice còn khoe mình được vinh danh trên tờ Fast Company và lọt vào danh sách những nhà khởi nghiệp sáng tạo nhất của tờ báo này. Ngoài ra cô còn tự hào khi được tham gia chương trình Thiel Fellowship về khởi nghiệp. Trong bài đăng trên Medium năm 2022 của JP Morgan Chase, Javice được cho là đã tham gia Thiel Fellowship nhưng bỏ cuộc vì muốn dành thời gian đi học ở trường.

Tuy nhiên ông Michael Gibson, người giám sát chương trình cho Thiel Foundation thì nói điều hoàn toàn khác: “Cô ta chưa bao giờ được chương trình mời tham gia cả và tôi thấy bực mình khi cô ta cứ đi nói với người xung quanh rằng mình được tham dự. Với nhân cách ba hoa của con người này, chúng tôi không tin rằng cô ta sẽ làm được cái gì thực tế cả. Bản tính của cô ta là thấy sang bắt quàng làm họ, thế rồi giả vờ như biết về ngành công nghệ nhưng thực tế thì nông cạn”, ông Gibson nói với tờ Forbes.

Tương tự, nhiều tổ chức từ thiện cũng xác nhận chưa bao giờ nhận được vốn tài trợ từ PoverUp cũng như nhà sáng lập Charlie Javice.

“Grameen America chưa bao giờ nhận được nguồn vốn nào từ PoverUp và Charlie Javice hoặc ngược lại. Chúng tôi không có bất cứ dữ liệu hợp tác nào với startup này sao lưu trên hệ thống của mình”, một tổ chức từ thiện từng được PoverUp nhắc tới cho biết.

“PoverUp chỉ là một ý tưởng hão huyền và nó thậm chí còn chẳng thể đi vào hoạt động chính thức”, luật sư Howard Finkelstein, người từng giúp thành lập nên PoverUp nói với Forbes.

Chân dung cô gái lừa JP Morgan Chase mua lại startup của mình với giá 175 triệu USD, lọt cả vào Forbes 30 Under 30 trước khi bị vạch trần - Ảnh 4.

CEO Jamie Dimon của JP Morgan Chase

Con đường chém gió

Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2013, Javice dấn thân vào con đường khởi nghiệp ngành công nghệ với dự án Frank được thành lập vào năm 2015. Tiền thân của startup này là Tapd, với ý tưởng ban đầu là xây dựng một công cụ tìm kiếm việc làm cho sinh viên đi kèm với những khoản vay nhỏ để họ khởi nghiệp.

Những người từng làm trong Tapd cho biết thời gian đầu cực kỳ khó khăn khi công ty hết tiền và Javice chẳng thể trả lương cho nhân viên.

“Mọi thứ trở nên trầm trọng rồi đấy, cô đang đùa giỡn với cuộc sống của nhiều người đấy”, một người cùng khởi nghiệp Tapd với Javice đã phải ngồi lại nói chuyện với vị giám đốc trẻ này.

Năm 2017, Javice tái cấu trúc Tapd thành Frank và hùng hồn tuyên bố: “Cái tên Frank đại diện cho sự ‘trung thực’”.

Mục tiêu của Javice là biến Frank thành “một Amazon trong mảng giáo dục”. Thế nhưng vào cùng năm đổi tên, Bộ giáo dục Mỹ đã cảnh báo Frank rằng những lời quảng bá của họ có thể gây hiểu nhầm startup này có hợp tác với chính phủ, trong khi thực tế không phải vậy. Đến năm 2018, Frank bị buộc phải đổi địa chỉ website cũng như giải thích rõ rằng họ không có liên hệ gì với chính phủ Mỹ.

Năm 2020, nhiều nghị sĩ thậm chí đã đề nghị điều tra Frank vì lo ngại startup này sẽ tạo nên sự bối rối và những hy vọng hão huyền trong giới sinh viên về khởi nghiệp lẫn vay vốn.

Tờ New York Times thậm chí cho biết cam kết giúp sinh viên nhận được hỗ trợ tài chính từ liên bang nhanh hơn của Frank thực tế là không chính xác khi bỏ qua phần hỏi đáp quan trọng.

Bất chấp những dấu hiệu đó, các nhà đầu tư vẫn quan tâm đến startup này trong trào lưu khởi nghiệp của thế giới.

Trả lời tờ Forbes vào cuối năm 2018, Javice cho biết Frank đã trợ giúp 300.000 sinh viên kiếm được 7 tỷ USD tiền hỗ trợ tài chính.

Đầu năm 2021, trang web của startup này cập nhật từ 350.000 sinh viên thành 4,25 triệu người và vào cuối năm đó, JP Morgan Chase quyết định mua lại Frank. Để qua mắt được ngân hàng này, Javice đã nhờ một giáo sư về mảng công nghệ thông tin xây dựng danh sách giả gồm 4,25 triệu người dùng vào tháng 8/2021.

Quay trở lại hiện tại, sau khi bị phát hiện lừa dối và lâm vào cuộc kiện cáo với JP Morgan Chase, cô Javice vẫn sống thảnh thơi tại Miamo trong căn biệt thự 1,4 triệu USD dù chưa đến 30 tuổi.

Điều đáng buồn cười hơn là nhà khởi nghiệp mua căn biệt thự bằng vốn vay thế chấp bất động sản từ chính JP Morgan Chase.

*Nguồn: Forbes

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM