Tenren bắt đầu đóng cửa – Kết thúc buồn nhưng quá không bất ngờ: Khởi đầu đã gặp sự cố, quá nhiều đối thủ mạnh, bất lực tìm lối đi

15/07/2019 15:46 PM | Kinh doanh

Theo tiết lộ từ The Coffee House, lý do khiến họ quyết định đóng cửa Tenren là bởi ‘vẫn chưa tìm ra mô hình kinh doanh đúng’ cho thương hiệu này ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, với những gì diễn ra trong gần 2 năm kinh doanh của Tenren, thì đó không phải là tất cả của vấn đề.

Gần cuối năm 2017, thông tin The Coffee House chính thức đưa thương hiệu trà sữa nổi tiếng nhất nhì Đài Loan – Tenren về Việt Nam, đã gây ra một cơn sốt ở thị trường trà sữa. Lúc đó, thị trường trà sữa đang vô cùng hot cộng với danh tiếng của The Coffee House (TCH) trong việc quản lý chuỗi, ai cũng nghĩ việc Tenren chiếm lĩnh thị trường trà sữa Việt như cách TCH đã làm được với thị trường cà phê là không sớm thì muộn.

"Sau này Ten Ren không chỉ cạnh tranh với các cửa hàng trà sữa mà chúng tôi muốn nhìn đến một thị trường xa hơn của Pepsi và Coca. Cơ hội thì có nhiều, chủ yếu là có đủ sức không thôi", CEO TCH khi đó là Nguyễn Hải Ninh đã chia sẻ như vậy. TCH dự định, Tenren sẽ bán 3 loại sản phẩm cùng lúc là trà sữa, trà đóng gói và nước đóng chai từ trà; song trong thời gian đầu tiên họ sẽ tập trung vào trà sữa.

Năm 2018, TCH cũng chia sẻ rằng, họ sẽ đổ khoảng 100 tỷ đồng để đạt mục tiêu có 30 đến 40 cửa hàng trong năm 2018. Họ cũng hy vọng năm 2018 sẽ tìm cho mình được công thức thành công, nhằm chinh phục khách hàng, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển nhanh từ năm 2019 về sau, trở thành thương hiệu trà – trà sữa được yêu thích nhất Việt Nam.


Nhưng, đời không như là mơ…

Tuy nhiên, chỉ sau chưa tới 2 năm hoạt động, hôm nay 15/7, TCH đã gửi thông cáo báo chí về việc bắt đầu ngừng kinh doanh Tenren tại thị trường Việt Nam và ngày hoạt động cuối cùng sẽ là 15/8/2019, tức là sau 1 tháng nữa.

Qua trao đổi của chúng tôi với ông Võ Duy Phú – Giám đốc Thương mại và Marketing của TCH, thì nguyên nhân chính khiến TCH quyết định đóng cửa Tenren là bởi họ vẫn ‘vẫn chưa tìm ra mô hình kinh doanh đúng’ cho thương hiệu này ở thị trường Việt Nam.

Tất nhiên, những yếu tố như ‘trend’ uống trà sữa trong giới trẻ đang có xu thế bắt đầu thoái trào hay sự bùng nổ của dịch vụ giao thức ăn nhanh như GrabFood, Go-Food dẫn tới việc nhiều khách hàng chuyển từ đến quán uống trà sữa sang đặt hàng về nhà… cũng ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh Tenren, nhưng đó chỉ là thứ yếu.

Tenren bắt đầu đóng cửa – Kết thúc buồn nhưng quá không bất ngờ: Khởi đầu đã gặp sự cố, quá nhiều đối thủ mạnh, bất lực tìm lối đi - Ảnh 1.

Ông Võ Duy Phú – Giám đốc Thương mại và Marketing của TCH (trái).

"Như thỏa thuận của chúng tôi với Tenren Đài Loan, thì trong hai năm đầu tiên, chúng tôi sẽ tập trung mở cửa hàng và tìm ra mô hình kinh doanh đúng cho thị trường Việt Nam.

Nhưng, sau gần 2 năm, chúng tôi vẫn chưa tìm ra được mô hình kinh doanh đúng cho Tenren khi thói quen tiêu dùng của người dùng Việt liên tục thay đổi. Sau khi đóng cửa Tenren, chúng tôi sẽ toàn lực tập trung phát triển TCH. Sắp tới, TCH sẽ có rất nhiều ‘game’ mới mà buộc chúng tôi phải đầu tư rất nhiều nguồn lực và con người.

Nói về doanh thu, thì doanh thu của Tenren không hề bết bát như mọi người tưởng, mà nó luôn dao động giữa lời và lỗ. Việc Tenren dừng lại, đơn giản vì chúng tôi vẫn chưa thể tìm ra mô hình kinh doanh đúng, để có thể scale-up nó thành công như đã làm với TCH. Tuy nhiên, không loại trừ chúng tôi sẽ trở lại ngành hàng này một ngày nào đó", ông Võ Duy Phú cho biết.

Hiện Tenren đang có 23 cửa hàng tại TP. HCM và Biên Hòa – Đồng Nai. Trong 1 tháng tới, một số mặt bằng trong đó sẽ được họ trả lại cho chủ nhà, một số khác thì sang nhượng. Toàn bộ nhân sự và đối tác của hệ thống Ten Ren sẽ được tạo điều kiện để chuyển đổi, sáp nhập vào hệ thống The Coffee House.

Bên cạnh đó, TCH sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng thành viên thông qua app Ten Ren. Thông báo cụ thể sẽ được trực tiếp gửi đến từng thành viên và cập nhập tại fanpage và website Ten Ren Việt Nam.

Đó là câu trả lời của đại diện TCH. Tuy nhiên giới kinh doanh tỏ ra không hề ngạc nhiên khi nghe TCH tuyên bố đóng cửa Tenren; bởi, ngay từ những ngày đầu mở cửa, Tenren đã gặp khá nhiều vấn đề, mà như người ta hay nói là "đầu xuôi, đuôi mới lọt". Hơn nữa, theo quan sát của chúng tôi, trong suốt gần 2 năm qua, trừ những ngày đầu, khách ra vào các cửa hàng của Tenren không nhiều nếu so với các đối thủ cùng phân khúc của họ.


Khởi đầu không suôn sẻ

Tháng 11/2017, Tenren khai trương trong sự chào đón của nhiều tín đồ trà sữa, tuy nhiên, do khâu chuẩn bị của thương hiệu này chưa tốt, khiến ấn tượng đầu tiên của khách hàng với Tenren khá tệ.

Tenren bắt đầu đóng cửa – Kết thúc buồn nhưng quá không bất ngờ: Khởi đầu đã gặp sự cố, quá nhiều đối thủ mạnh, bất lực tìm lối đi - Ảnh 2.

Lượng khách hàng đông đảo như thế này đã khiến Tenren có khởi đầu vô cùng chật vật.

Sau 4 ngày mở bán, fanpage chính thức của Ten Ren đã thông báo cửa hàng đầu tiên của họ tại đường Trần Cao Vân sẽ phải tạm đóng cửa để sửa chữa những vấn đề về điện, dù cửa hàng đang trong thời gian khuyến mãi. Trước đó, Ten Ren đã nhận được rất nhiều phản hồi tiêu cực của khách hàng khi liên tục quá tải, hết nguyên vật liệu và để khách phải chờ rất lâu nhưng vẫn không mua được trà sữa.

Sau đó, Tenren thừa nhận là họ đã chủ quan và thiếu sót khi không đo lường được sức hút của thương hiệu này tại Việt Nam. Ngoài ra, cửa hàng cũng gặp sự cố quá tải trong các thiết bị, đặc biệt là hệ thống điện. Ten Ren đã đã buộc phải huỷ nhiều mẻ trân châu không đạt chất lượng khi sự cố điện xảy ra, dẫn đến việc hao hụt nguyên vật liệu và sự chậm trễ trong khâu phục vụ.

Nếu bạn không phải là kẻ tiên phong trong thị trường, thì ấn tượng đầu tiên mà bạn tạo ra cho khách hàng xấu thì thật khó sửa chữa. Bởi, chỉ khi bạn là người tiên phong hoặc chỉ khi đối thủ của bạn quá tệ; khách hàng mới có đủ kiên nhẫn để thử lại sản phẩm của bạn dù ấn tượng đầu tiên không tốt. Ngược lại, khi khách hàng đã có vô số lựa chọn rất tốt ở sản phẩm/dịch vụ mà bạn có, thì cớ làm sao họ phải dùng bạn khi ấn tượng đầu tiên mà bạn tạo ra khá tệ?! 


Gặp nhiều đối thủ quá mạnh

Theo kết quả nghiên cứu mới đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Q&Me, Top 5 thương hiệu trà sữa có mức độ phổ biến theo thứ tự là Hot&Cold, Hoa Hướng Dương, Phúc Long, Gong Cha và Tiên Hưởng. Ở phân khúc tầm thấp và trung, Hot&Cold, Hướng Dương và Phúc Long đang dẫn đầu bảng.

Nhìn vào những con số thống kê này, có thể thấy khẩu vị của người dùng Việt Nam vẫn ưa chuộng loại trà sữa loại cũ với vị trà đậm và làm từ bột sữa như Hot&Cold, Phúc Long… hơn là loại trà nhạt hơn và làm từ sữa tươi như Gong Cha, Koi hay R&B. Tenren thuộc loại sau.

Ngoài ra, dù Tenren chưa từng trực tiếp đề cập đến đối thủ của mình, nhưng với sản phẩm, mức giá và mô hình kinh doanh; ai cũng biết đối thủ của Tenren chính là Gong Cha và Koi. Và để có thể bứt phá vượt lên 2 kẻ tiên phong này trong phân khúc cao cấp, 100 tỷ đồng dường như vẫn không đủ. Là người đến sau, Tenren phải có sản phẩm/dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh gì đó thật đặc biệt mới có thể "đến sau, về trước". Mà rõ ràng, Tenren không có.


Những vùng vẫy trước khi chấp nhận đóng cửa

Kế hoạch là Tenren sẽ có 40 cửa hàng trong năm 2018, nhưng thực tế là đến hết năm 2018 họ có đúng 23 cửa hàng. Cửa hàng gần nhất mà họ khai trương là Tenren Aeon Mall Tân Phú Celadon vào 11/2018. Từ đó đến nay, họ không khai trương thêm bất cứ cửa hàng nào nữa mà tập trung tìm giải pháp đẩy mạnh kinh doanh.

Ví dụ như địa phương hóa các sản phẩm của Tenren bằng các loại thực phẩm – trái cây đặc trưng ở Việt Nam như thanh long, chanh dây cũng như chạy theo các trend ẩm thực như thêm cheese, giới thiệu món sữa tươi trân châu đường đen… nhưng dường như mọi chuyện vẫn không khả quan.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM