Temu vừa tạm dừng hoạt động, một sàn giao dịch xuyên biên giới “Made by Vietnam” lại rục rịch gia nhập cuộc đua TMĐT
Thông tin Temu tạm dừng hoạt động, Viettel Post sắp ra mắt sàn giao dịch xuyên biên giới cho thấy “cuộc đua” TMĐT ngày càng trở nên gay gắt vào thời điểm cuối năm 2024.
“Cuộc đua” không có hồi kết!
Thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực là nhận định chung được Metric công bố trong Báo cáo quý 3/2024.
Theo đó, tính đến hết tháng 9/2024 thị trường đạt mức tổng doanh thu 227.700 tỷ đồng, tăng 37,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong quý 3 doanh thu cán mốc 84.700 tỷ đồng chứng tỏ dư địa phát triển của ngành này còn rất lớn.
Cuối tháng 9/2024 sự hiện diện của Temu - Nền tảng TMĐT xuyên biên giới thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc PDD Holdings, đã thu hút được sự chú ý của toàn thị trường.
Tuy nhiên tới ngày 4/12 sàn này đã thông báo tạm dừng hoạt động với lý do “Temu đang làm việc với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Việt Nam và Bộ Công Thương để đăng ký cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam".
Hầu hết các giao dịch, chính sách thưởng hoa hồng đối với Affiliate Marketing đã bị Temu xóa bỏ, các nền tảng online đồng loạt ngừng hiển thị tiếng Việt và cũng chưa có thêm thông tin nào về thời điểm sàn hoạt động trở lại.
Trong một diễn biến khác, Viettel Post tiết lộ thông tin về việc sắp ra mắt thị trường nền tảng mua sỉ trực tuyến toàn trình, kết nối hai chiều giữa khách hàng trong nước với các nhà cung cấp quốc tế không qua trung gian có tên VIPO Mall.
Được biết VIPO Mall được thiết kế như một sàn TMĐT mini trên ứng dụng Viettel Post với giao diện tiếng Việt và cho phép thanh toán bằng tiền đồng Việt Nam.
Tương tự như một số sàn TMĐT phổ biến hiện nay, VIPO Mall sẽ tích hợp toàn bộ quy trình từ tìm kiếm, đặt hàng, thanh toán đến vận chuyển trong một nền tảng duy nhất.
Từ việc tận dụng được lợi thế về logistic từ công ty mẹ, thời gian giao hàng trên VIPO Mall dự kiến sẽ rút ngắn từ 3-7 ngày so với các dịch vụ khác.
Sự ra đời của VIPO Mall đánh dấu bước tiến lớn của doanh nghiệp nội địa trên thị trường TMĐT khi là sàn bán sỉ xuyên biên giới đầu tiên của Việt Nam có kết nối hai chiều. Ngoài việc mua hàng từ Trung Quốc, các sản phẩm Việt Nam cũng được bán trên VIPO Mall để tiếp cận tới khách hàng toàn cầu.
Mở rộng mạng lưới logistic xuyên biên giới hay công cuộc chuẩn bị cho sự xuất hiện của VIPO Mall
Tháng 3/2024 Viettel Post đầu tư triển khai xây dựng 2 trung tâm logistics lớn tại Trung Quốc.
Tại TP. Nam Ninh Viettel Post hình thành nên Trung tâm logistic, hợp tác cùng các doanh nghiệp bản địa phát triển ứng dụng công nghệ AI, Big Data, hệ thống cửa khẩu thông minh.
Tại TP. Bằng Tường, Viettel Post đã đạt được thỏa thuận với các doanh nghiệp phát triển Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc – ASEAN; Khai thác hiệu quả tuyến giao thông liên vận Yên Viên - Đồng Đăng - Bằng Tường - Nam Ninh; Trao đổi công nghệ để cùng thúc đẩy dự án cửa khẩu thông minh.
Việc Viettel Post hoàn thiện mạng lưới hạ tầng vận chuyển xuyên biên giới không chỉ gia tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam tại thị trường tỷ dân, mà còn thúc đẩy logistic tăng tốc kết nối với các quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.
Tới tháng 4/2024 Viettel Post đã ký kết hợp tác với Laizanbao – 1 doanh nghiệp TMĐT xuyên biên giới của Trung Quốc, từng bước chuẩn bị cho sự ra đời của VIPO Mall. Xét về bản chất VIPO Mall vận hành giống dịch vụ mua hộ từ các trang TMĐT Trung Quốc.
Trước đó các công ty Trung Quốc đã triển khai dịch vụ này trên thị trường quốc tế thông qua việc thiết lập các văn phòng đại diện, hợp tác với các đơn vị logistic, phát triển nền tảng giao dịch đa ngôn ngữ, xây dựng hệ thống thanh toán quốc tế.
Những thương hiệu có thể kể đến như Superbuy, Basetao chuyên mua hộ hàng hóa trên Taobao cho khách hàng toàn cầu; Buyandship tập trung vào thị trường châu Á với dịch vụ chuyển tiếp đa quốc gia; EZBuy phát triển từ thị trường Singapore rồi mở rộng ra khu vực Đông Nam Á…