"Tây Ban Nha có Zara, Hàn Quốc có 8 Seconds"

17/05/2017 14:41 PM | Kinh doanh

Nếu có một thương hiệu thời trang nội địa, rẻ hơn Zara, thời thượng hơn Uniqlo và đa dạng, hợp với người tiêu dùng trong nước hơn, liệu bạn có chọn không? Khi một người Hàn Quốc được hỏi như vậy, họ đều suy nghĩ không quá 8 giây để nhắc tới 8 Seconds.

Sujin Yang, biên tập viên tạp chí thời trang Instye Korea đã từng nhận định vậy.

8 Seconds, đây là thương hiệu nào mà sánh ngang với Zara, một cái tên đã ăn sâu bám rễ vào ngành công nghiệp "thời trang ăn liền" (fast fashion) và tại sao nó có thể tồn tại ở một thị trường thời trang cạnh tranh khốc liệt như Hàn Quốc? Ngoài câu chuyện thương hiệu này đã hợp tác với ca sĩ nổi tiếng G-Dragon để cho ra mặt một dòng sản phẩm riêng, còn điều gì về 8 Seconds mà mọi người còn chưa biết?

Trước khi tìm hiểu về 8 Seconds, để tôi kể cho bạn câu chuyện này nghe trước đã:

Khi bình minh vừa hé rạng tại Myeong-dong - một trong những khu phố thời trang sầm uất nhất Seoul, Hàn Quốc ngày 8/3/2012, hàng chục người đã đứng xếp hàng chờ trước một cửa hàng H&M. Trong đó, vài người đã xếp hàng nguyên đêm.

Họ nôn nóng chờ đợi buổi ra mắt bộ sưu tập thời trang mới nhất của H&M và Marni. Dù thời tiết giá lạnh, các cô gái cũng không quan tâm quá nhiều. Bộ sưu tập mới nhất của "Marni at H&M" được bán ra trên toàn cầu và chỉ vài giờ sau khi ra mắt đã hết veo tại Hàn Quốc. Theo số liệu từ công ty, các cửa hàng tại Hàn Quốc đạt lượng tiêu thụ nhanh nhất trên thế giới!

Vào tháng 11/2011, Uniqlo cho khai trương một cửa hàng được đánh giá là lớn nhất châu Á tại khu Myeong-dong. Đã có khoảng hơn 1,000 người xếp hàng đợi giờ mở cửa và họ phải mất tới 50 phút để vào bên trong, dù không gian cửa hàng rộng tới hơn 4,000 m2. Uniqlo đã lập kỷ lục khi đạt doanh số 1,7 triệu USD trong 3 ngày đầu tiên chỉ từ một cửa hàng duy nhất - con số này lớn hơn rất nhiều doanh số năm của nhiều chi nhánh khác.

Ông lớn công nghệ đi buôn quần áo?

Chẳng ai có thể nghĩ rằng, một ông lớn trong ngành công nghệ điện thoại như Samsung lại chuyển hướng sang kinh doanh thời trang. Nhưng nếu tìm hiểu về các tập đoàn lớn trên thế giới, bạn sẽ thấy đây là một điều hết sức bình thường.

Ví dụ, khi thị trường phim máy ảnh bắt đầu tụt dốc thê thảm trước sự tăng trưởng mạnh của dòng máy DSLR, Fujifilm đã buộc phải tìm hướng đi mới cho riêng mình. Và hướng đi mà Fujifilm đã chọn là gì? Đó chính là hóa mỹ phẩm, là các sản phẩm chăm sóc da.

Trên thực tế, Fujifilm đã làm việc này khá tốt khi nhiều sản phẩm làm đẹp của hãng máy ảnh này được đánh giá rất cao.

8 Seconds đã hợp tác với ca sĩ nổi tiếng G-Dragon để cho ra mặt một dòng sản phẩm riêng.

Và Samsung cũng không phải ngoại lệ. Tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc đã dấn thân vào thị trường "thời trang ăn liền" tại một thời điểm được coi là khá muộn màng. Năm 2012, 8 Seconds được Cheil Industries chính thức ra mắt, là thương hiệu thời trang nhanh đầu tiên trong lịch sử hơn 60 năm hoạt động của công ty này. Ở thời điểm đó, hãng thời trang Nhật Bản Uniqlo đã thâm nhập thị trường Hàn Quốc được 7 năm và Zara thì được 4 năm. Không chỉ cạnh tranh với các thương hiệu thời trang nhanh nước ngoài, các nhãn hàng thời trang nhanh nội địa SPAO của tập đoàn E-Land cũng đã có chỗ đứng vững chắc trong thị trường Hàn Quốc và là đối thủ chính của 8 Seconds.

Sự chậm chạp trong việc nắm bắt xu hướng kinh doanh thời trang nhanh thực chất liên quan tới phương châm chiến lược của tập đoàn mẹ Samsung.

Ông Kim Jin-myeon, giám đốc quản lý của Cheil nói về tham vọng của hãng thời trang "8 giây".

Hơn 20 năm trước, chủ tịch Samsung Lee Geon Hee đã thay đổi phương châm từ đề cao số lượng sang tập trung quản lý chất lượng, tức là thay vì kinh doanh đa dạng tại nhiều mảng thì nên tập trung phát triển chuyên sâu chỉ một mảng để nâng cao chất lượng. Cũng vì lẽ đó mà suốt thời gian dài Cheil Industries chỉ tập trung "chăm sóc" các thương hiệu thời trang vốn có như MVIO, Theory, KUHO v.v.

Thế nhưng, cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008-2009 chính là cú hích khiến Cheil Industries cũng như Samsung không thể tiếp tục nhắm mắt làm ngơ với ngành thời trang nhanh đầy tiềm năng đang bị thâu tóm bởi "những kẻ ngoại quốc". Sau hơn 3 năm ấp ủ, cuối cùng thương hiệu thời trang nhanh đầu tiên của hãng - 8 seconds chính thức được đưa ra thị trường.

"Rẻ hơn Zara, thời thượng hơn Uniqlo"

Nghe có vẻ hơi ngoa ngôn nhưng đó chính là tầm nhìn và mục tiêu mà 8 Seconds muốn đạt được khi chinh phục thị trường thế giới.

Trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với những đối thủ trực tiếp lúc bấy giờ như Zara, H&M và Uniqlo, đều đã có chỗ đứng vững chắc trong thị trường Hàn Quốc, "ma mới" như 8 seconds đành phải mon men đặt phương châm cạnh tranh với các thương hiệu lớn sẵn có ở mặt giá cả, thiết kế và hơn cả là việc họ tự tin đem đến thời trang của người Hàn và dành cho người Hàn.

Nếu để đong đếm, giá thành sản phẩm của Zara tại Hàn Quốc khá cao so với mặt bằng chung tại nhiều quốc gia khác. Bởi vây, 8 seconds có lợi thế ở việc đưa ra mức giá êm ái hơn nhiều dành cho người tiêu dùng trong nước. Bình quân, mức tiền các sản phẩm của 8 seconds rẻ hơn của Zara Hàn Quốc khoảng 30%.

Bên cạnh đó, do tính chất đều là những thương hiệu đến từ nước ngoài, một số sản phẩm của các nhãn hàng phương Tây có thiết kế chưa được thân thiện, phù hợp với đặc điểm hình thể người Hàn Quốc, và cũng không có sự thay đổi liên tục nhằm đáp ứng gu thời trang xoay xoành xoạch của tín đồ thời trang nước này.

Uniqlo cũng vậy, mang trong mình tính cách của người Nhật, thế nên mẫu mã của Uniqlo không đa dạng mà nhắm đến phương châm càng đơn giản càng tốt, không quá phù hợp với phong cách xa hoa của người dân xứ sở Kim chi.

Ông Yanai Tadashi, chủ tịch Uniqlo từng chia sẻ rằng: "Quần áo cũng như là cơm ăn hàng ngày hay những nhu yếu phẩm cần thiết của đời sống thường nhật, vậy nên chúng không nhất thiết phải chạy theo mốt". Quan điểm này của chủ tịch Uniqlo được phản ánh qua các thiết kế mang tính tối giản của hãng thời trang này.

Trong khi đó, vì là thương hiệu của người Hàn, dành cho người Hàn, 8 Seconds rất biết cách chiều khách hàng trong nước với rất nhiều bộ sưu tập ra mắt mỗi mùa, đặc biệt đẹp khi người Hàn diện và tránh tình trạng "bơi trong quần áo" như khi mua đồ từ các hãng thời trang phương Tây. Hãng cũng sở hữu tới 190 nhà thiết kế ngay từ thời điểm mới ra mắt, đủ để dân Hàn xoay chiều nào thì hãng cũng ngoặt phắt sang chiều đấy mà không phải lăn tăn.

Chỉ trong 8 giây, bạn sẽ phải lòng 8 Seconds

Đó chính là ý nghĩa của cái tên "8 Seconds". Bất cứ khi nào bước chân vào cửa hàng của 8 Seconds, bạn sẽ phải lòng ngay lập tức khuân về cả một bao tải đồ nếu như túi tiền của bạn đủ khả năng gồng gánh sở thích thời trang khổ chủ.

Đây là điểm mạnh nhất của hang thời trang này khi các sản phẩm 8 Seconds đậm chất Hàn, sản xuất theo thị hiếu và đặc điểm hình thể của người Hàn. Do các số đo cơ thể cũng như chiều cao nhỏ nhắn hơn người phương Tây nên nhiều khi người Hàn khó chọn được size quần áo của các hãng thời trang nước ngoài.

8 Seconds chú trọng giải quyết điều đó để chiều chuộng khách hàng nội địa nói riêng và thị trường châu Á nói chung. Đơn cử như sản phẩm áo hoạ tiết kẻ - 1 món đồ thời trang cơ bản mà hợp thời, gần như xuất hiện trong tủ đồ của bất cứ tín đồ thời trang phong cách Hàn nào. Tại 8 seconds, áo hoạ tiết kẻ có tới... 35 kiểu dáng khác nhau với đầy đủ màu sắc và loại sọc ngang, sọc dọc, khách muốn sọc theo hướng nào là có sọc theo hướng ấy.

8 Seconds xây dựng cửa hàng theo mô hình "concept store", tức là không chỉ là các shop thời trang thuần tuý mà ngay cả cách bài trí cũng phải làm bật lên phong cách riêng độc đáo. Nếu như nhiều thương hiệu thời trang nhanh khác lựa chọn cách bài trí cơ sở vật chất một cách đồng bộ và chú trọng vào việc bày bán các sản phẩm thời trang sao cho được nhiều và nổi bật, thì 8 Seconds dành nhiều tâm huyết vào cả việc thiết kế không gian, bài trí nội thất sao cho độc đáo, đẹp mắt, hoặc làm bật lên màu sắc, tính chất của từng món trang phục bày bán tại từng khu vực.

Nhiều cửa hàng của 8 seconds còn có thang máy và trang bị rất nhiều ghế ngồi xung quanh cửa hàng, cho thấy sự quan tâm tới tiện nghi của khách hàng. Các cửa hàng của 8 Seconds cũng tận dụng từng bậc thềm hay các khu vực sân thượng để cải tiến thành khu nghỉ ngơi cho khách hoặc không gian trưng bày, thể hiện sự linh hoạt và sáng tạo trong thiết kế cửa hàng. Tại cửa hàng ở Garosu-gil, một trong những khu vực sầm uất bậc nhất Seoul và là điểm đến quen thuộc của giới trẻ Hàn, tầng 1 của cửa hàng còn có 1 quán cafe và 1 cửa hàng hoa.

Điều này đem lại các trải nghiệm đa dạng chỉ trong 1 địa điểm cho khách hàng, rất phù hợp với xu hướng các khu giải trí tích hợp bây giờ. Còn tại cửa hàng ở Gangnam, có 1 khoảng không gian rộng tới 165 mét vuông, được gọi là "Quảng trường hò hẹn" để các bạn trẻ tụ tập, gặp gỡ.

Bởi vậy, đến với 8 Seconds không chỉ là để mua sắm, mà còn là để trải nghiệm văn hoá, trải nghiệm cảm giác thoả mãn tinh thần. Việc mua sắm nhờ thế cũng không đơn thuần là chọn đồ, thử đồ rồi rút tiền chi trả một cách nhàm chán nữa. Mà một khi đã không nhàm chán, khách sẽ đến nhiều hơn. Mà khách đến nhiều sẽ mua nhiều, tiền được bỏ ra nhiều và lợi nhuận nhân theo cấp số nhân. Một khía cạnh đầu tư thông minh, hiệu quả đến không ngờ.

Nhiều khách du lịch đi Hàn Quốc về thường rỉ tai nhau: "Tới Hàn Quốc mà không đi mua sắm tại 8 Seconds thì coi như chưa tới". Thật vậy, 8 Seconds đang ngày càng chiếm được sự yêu thích của các tín đồ shopping trong và ngoài nước Hàn Quốc. Điều này được cụ thể hóa qua doanh số ngày càng tăng của hãng thời trang này. Doanh thu năm 2012 của hãng đạt 60 tỷ won, đến năm 2013 tăng lên 130 tỷ won, 130 tỷ won vào năm 2014 và đạt 150 tỷ won trong năm 2016.

Muốn chiếm thị trường nội địa, phải thực sự hiểu rõ tâm lý của khách hàng truyền thống. Khi thị trường Hàn Quốc đang "khát" những mặt hàng giá phải chăng nhưng vẫn thời thượng, bắt kịp xu hướng quốc tế nhưng phù hợp với người dân địa phương, 8 Seconds đã xuất hiện để trả lời cho câu hỏi tìm đâu ra một thương hiệu như vậy.

Theo SKye - Hiccup

Cùng chuyên mục
XEM