‘Tắt đèn bật ý tưởng’: Dự án phi lợi nhuận có tham vọng cứu cả thế giới của một startup Việt
Theo CEO Đỗ Việt Anh của hãng thời trang Boo, dự án “tắt đèn bật ý tưởng” không có rào cản cả về biên giới lẫn tuổi tác.
Theo Liên Hiệp Quốc (UN), thời trang là ngành đứng thứ 2 về mức độ gây ô nhiễm môi trường, chỉ đứng sau dầu mỏ và chiếm từ 8-10% lượng khí thải nhà kính, nhiều hơn cả lượng phát thải từ máy bay lẫn tàu thủy cộng lại.
Trong khi các hãng thời trang hầu như “bó tay” trước những con số này và chỉ dùng các chiến dịch bảo vệ môi trường như công cụ marketing thì tại Việt Nam, một startup nhỏ đã dùng 14 năm kiên trì trả lời: Chúng ta có thể đưa thứ bậc này xuống thứ 6-7 và thấp hơn nữa cho ngành thời trang.
Không có rào cản
Trong buổi chia sẻ gần đây với truyền thông, CEO Đỗ Việt Anh của hãng thời trang Boo đã có những lời bộc bạch thẳng thắn về hành trình “xanh hóa” suốt 14 năm đầy chông gai của mình.
Đồng thời vị CEO này cũng cảm thấy hứng thú về việc nhân rộng mô hình ra ngoài biên giới Việt Nam khi dự án “tắt đèn bật ý tưởng” được đánh giá là phù hợp tổ chức tại nhiều quốc gia bởi vấn đề môi trường đang là vấn đề mà toàn cầu cần quan tâm.
“Hiện tại Việt Anh cần kiên trì, đạt được mục tiêu trước mắt là dịch chuyển 80% sản phẩm có liên quan đến làm xanh, tiếp theo đó sẽ là câu trả lời cho câu hỏi này”, CEO của hãng thời trang Boo nói về việc nhân rộng mô hình ra toàn cầu.
Theo nhiều chuyên gia, dự án “tắt đèn bật ý tưởng” được xây dựng dựa trên thực trạng quốc gia và phát triển dựa vào nguồn lực sẵn có chính là cộng đồng. Vì thế nó hoàn toàn có tiềm năng nhân rộng tại bất kỳ quốc gia, điều kiện, văn hóa nào.
Như tinh thần thể hiện trong tên dự án "Tắt đèn bật Ý tưởng", ý tưởng sáng tạo là không giới hạn để giới trẻ hay mọi cá nhân, tổ chức có thể cùng chung tay thực hiện, ở mọi không gian, thời gian, hoàn cảnh.
Chỉ cần nỗ lực và quan tâm, mọi người đều có những ý tưởng sáng tạo để bảo vệ môi trường sống của mình. Tất cả mọi người đều có tham gia đóng góp sáng kiến, góp phần lan tỏa thông điệp dự án và chung tay thực hiện từ những điều nhỏ nhất đến những dự án quy mô lớn.
Bên cạnh việc vượt ra khỏi rào cản biên giới thì CEO Đỗ Việt Anh cũng cho rằng tuổi tác là thứ không thể ngăn cản được ý thức bảo vệ môi trường.
Dù dự án “tắt đèn bật ý tưởng” tập trung vào thay đổi nhận thức của giới trẻ nhưng thực tế bất kỳ cá nhân nào có cùng tinh thần, giá trị quan thì tuổi tác không phải là rào cản.
“Cũng giống như sản phẩm của Boo vậy, không chỉ dành riêng cho giới trẻ mà là cho những khách hàng có tinh thần trẻ, không có rào cản về tuổi tác”, CEO Đỗ Việt Anh chia sẻ.
Xây dựng với tinh thần tôn trọng
Cũng trong buổi phỏng vấn, nhà sáng lập hãng thời trang Boo thừa nhận hành trình bảo vệ môi trường sẽ không thể dựa vào cá nhân mà cần cả một tập thể.
“Một con người không thể thay đổi cả thế giới nên mỗi người hãy tập trung vào nhiệm vụ của mình, làm tốt phần việc của mình còn những người khác sẽ hoạt động trong chuyên môn của họ. Đây là sự cộng hưởng mà một xã hội cần phải có. Bởi vậy từng cá nhân đều quan trọng, bất kể là người nổi tiếng hay không”, CEO Đỗ Việt Anh nói.
Chính vì lý do này mà theo nhà sáng lập Boo, việc chuẩn bị sẵn tâm lý cho những ý kiến trái chiều là điều cần thiết. Đồng thời khẳng định Boo sẽ đi trực diện nhưng gợi mở cho người tiêu dùng, không ép buộc và áp đặt nhưng sẽ kiên trì theo đuổi ý tưởng đúng đắn đem lại sự thay đổi cho môi trường.
“Mỗi người có cách tiếp cận vấn đề ở thời điểm khác nhau, với trình độ và nhận thức khác nhau. Bởi vậy không thể bắt mọi người tiếp cận vấn đề như một tổ chức đã tiếp cận vấn đề làm xanh suốt 14 năm. Do đó, nền tảng của cách tiếp cận này là tôn trọng sự khác biệt, đồng thời dựa trên sự chân thành để thay đổi nhận thức một cách từ từ. Bảo vệ môi trường không phải là điều có thể giải quyết trong ngắn hạn mà là cả một sự nỗ lực trong dài hạn để thay đổi dần dần nhận thức của xã hội”, CEO Đỗ Việt Anh chia sẻ.
Nói nhiều, làm nhiều hơn
Cách đây 14 năm, dự án “tắt đèn bật ý tưởng” và Boovironment được thành lập khi ý thức bảo vệ môi trường trong giới trẻ còn khá mơ hồ và nặng tính hô hào. Tuy nhiên phía Boo đã kiên trì thực hiện dự án theo cách bài bản, nặng về thực tiễn hơn là hô hào khẩu hiệu.
Giai đoạn đầu tiên, dự án tăng cường nhận thức của giới trẻ thông qua xây dựng tuyến nội dung nêu lên các con số thực trạng theo hướng tiếp cận sáng tạo, dễ đọc, gần gũi, không nặng về chuyên môn, học thuật.
Giai đoạn 2 sẽ bao gồm các hoạt động offline, mini event, song hành cùng các hoạt động online kêu gọi sự đồng hành của giới trẻ và người nổi tiếng.
Tiếp đến là giai đoạn lan tỏa-duy trì bao gồm hoạt động họp báo, Big event.
Trong đó nổi bật nhất là chương trình “Tắt Điện hưởng ứng Giờ Trái Đất” trong “Lễ hội Tắt Đèn”. Các bạn trẻ được trực tiếp trải nghiệm những ý tưởng xanh, thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường cùng người nổi tiếng.
Kể cả sau khi sự kiến hưởng ứng giờ trái đất chấm dứt, dự án “tắt đèn bật ý tưởng” vẫn tiếp tục hiện thực hóa các ý tưởng mới, trồng rừng từ nguồn gây quỹ trong dự án.
Dự án là phi lợi nhuận, vì thế, cho tới năm 2023 dự án vẫn đứng độc lập và không lồng ghép các yếu tố branding thương hiệu.
Mỗi năm, dự án “tắt đèn bật ý tưởng” đều xây dựng những sáng kiến/phát kiến mới dựa trên vấn đề và thực trạng tại Việt Nam.
Ví dụ năm 2017, mọi người còn xa lạ với những khái niệm liên quan đến ô nhiễm không khí thì dự án đã mang những sáng kiến mới về chủ đề này đến với cộng đồng thông qua các hoạt động cải tạo khu nhà tập thể, tuyên truyền thay thế bếp than tổ ong...
Ngoài ra dự án cũng cung cấp các thiết bị khẩu trang hiện đại với màng lọc ô nhiễm khói bụi, sử dụng các phương tiện công cộng và phương tiện xanh chạy bằng điện.
Năm 2018 khi các vấn đề về rác thải nhựa tại Việt Nam cũng chưa được quan tâm. Tắt Đèn Bật Ý Tưởng đã hình thành một mạng lưới các quán cafe, trà sữa tạo thành những điểm đến xanh, nơi mà mọi người có thể mang bình và cốc cá nhân tới mua hàng sẽ được giảm giá...
Những phát kiến này đều dựa trên tình hình thực tế tại Việt Nam tuy nhiên chưa được quan tâm hay báo động để cộng đồng có một cái nhìn đúng nhất về nó và từ đó tạo nên sự thay đổi mỗi ngày.
Không chỉ dừng lại ở việc đưa sáng kiến mới, hữu ích, dự án từng bước kiên trì lan toả hành động để mọi người góp phần thay đổi thói quen, tạo nên sự chuyển biến tích cực về môi trường.