Tập làm quen với 10 thói quen buổi sáng đặc biệt quan trọng sau để giữ trí óc tỉnh táo suốt ngày dài làm việc
Buổi sáng là thời điểm lý tưởng nhất trong ngày để bạn “lên dây cót” cho tinh thần khoẻ khoắn, tỉnh táo bắt tay vào công việc. Tuy nhiên, làm thế nào để cơ thể không rơi vào tình trạng uể oải, mệt mỏi sau đó thì không phải ai cũng biết. Những thói quen buổi sáng đơn giản sau bạn sẽ giúp bạn làm việc cả ngày mà vẫn tràn đầy sinh lực.
1. Uống một ly nước chanh ấm ngay sau khi ngủ dậy
Chanh là loại quả chứa nhiều kali, vitamin C và chất chống oxy hoá nên một ly nước chanh ngay sau khi tỉnh giấc sẽ thúc đẩy mức năng lượng của bạn về cả thể chất lẫn tinh thần một cách đáng kể. Khi ngủ, chúng ta mất nhiều nước thông qua việc hô hấp, một cốc nước chanh ấm bổ sung những gì đã mất qua một đêm và để bắt đầu một ngày mới. Không những thế, nó còn cải thiện sự hấp thu chất dinh dưỡng trong hệ thống tiêu hoá.
Cách tốt nhất là uống khi dạ dày còn trống rỗng để đảm bảo hấp thu hoàn toàn và ăn sáng sau đó 15 – 30 phút. Do có hàm lượng axit rất cao nên khi uống bạn phải pha nước cốt chanh với nước, nếu uống trực tiếp, nó có thể tăng nguy cơ viêm loét dạ dày và làm hỏng men răng.
2. Tập thể dục
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bài tập thể dục buổi sáng mang đến nguồn năng lượng dồi dào và vẻ bề ngoài khoẻ khoắn cho cơ thể, cũng là hai yếu tố quan trọng giúp bạn hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Chỉ với 10 phút tập luyện, cơ thể bạn sẽ sản sinh GABA, một chất dẫn truyền thần kinh, làm cho bộ não cảm thấy thư giãn, góp phần cải thiện sự tự chủ và kiểm soát năng lượng của bạn suốt cả ngày.
3. Không sử dụng thiết bị di động trước khi ăn sáng
Có một thực tế là vật dụng đầu tiên mà rất nhiều người trong chúng ta động đến ngay sau khi tỉnh dậy vào buổi sáng là chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng. Đây thực sự là một thói quen xấu cần loại bỏ ngay vì không chỉ có hại cho sức khoẻ, nó còn gây lãng phí thời gian và giảm hiệu quả công việc.
Việc kiểm tra mail, lướt Facebook hoặc đọc tin tức có thể gây nên sự phân tâm lớn. Hơn nữa, sử dụng thiết bị di động trong khi ăn sáng sẽ làm bạn mất kiểm soát xem bao nhiêu lượng thức ăn đã được tiêu thụ. Hệ thống tiêu hoá sẽ trì hoãn gửi tín hiệu đến não bộ rằng cơ thể đã đủ no, kết quả là bạn có thể ăn quá no so với tiêu chuẩn bình thường, gây óc ách, khó chịu cho dạ dày.
Sẽ tốt hơn nếu bạn dành khoảnh khắc đầu tiên trong ngày để làm điều gì đó thật thư giãn, thoải mái, như là thiền định, nghe một bản nhạc du dương hay ngắm chim hót ngoài cửa sổ,… để bắt đầu ngày mới.
4. Không bỏ qua bữa sáng
Nghiên cứu cho thấy rằng những gì bạn ăn vào bữa sáng có tác động đáng kể đến cơ chế hoạt động của cơ thể trong suốt thời gian còn lại trong ngày. Không chỉ duy trì trọng lượng, có còn cung cấp năng lượng cần thiết để hoạt động hiệu quả. Những người ăn sáng đầy đủ ít khả năng mắc béo phì, có mức đường huyết ổn định hơn và có xu hướng ít đói hơn trong suốt cả ngày. Một bữa sáng đủ chất dinh dưỡng còn cải thiện trí nhớ ngắn hạn, giúp bạn tập trung mạnh mẽ hơn trong thời gian dài.
5. Đặt mục tiêu cho ngày mới
Các nghiên cứu cho thấy việc thiết lập mục tiêu mỗi ngày có mối tương quan chặt chẽ với sự gia tăng sự tự tin và năng suất làm việc, đưa mọi việc vào guồng một cách trơn tru.
Hãy lên một danh sách tất cả các mục tiêu mà bạn muốn hướng đến trong tương lai càng cụ thể càng tốt. Nếu đó là những mục tiêu lớn hoặc mang tính lâu dài, cần chia nhỏ chúng thành các bước để thực hiện hàng ngày và không quên đặt ra thời hạn cho chúng.
6. Dọn dẹp bàn làm việc của mình
Một nghiên cứu từ Đại học Princeton phát hiện ra rằng những người làm việc trong một không gian ngăn nắp, sạch sẽ có năng suất làm việc hiệu quả hơn hẳn so với trong môi trường làm việc bừa bãi. Sự hỗn độn ở nơi làm việc có thể gây phân tán tư tưởng, trì trệ tiến độ và làm chúng ta mất động lực làm việc.
7. "Ăn ba con ếch sống" trước khi bắt tay vào công việc
Hãy coi hình tượng "con ếch sống" - một món ăn không thể nuốt nổi là việc khó khăn, vất vả nhất mà bạn phải làm trong ngày, hãy thật tập trung "nuốt chửng" chúng vào ngay buổi sáng, vì đó là cách tốt nhất để tránh trì hoãn và hoàn thành nhiều việc trong thời gian ngắn. Nói cách khác, dành buổi sáng vào thứ gì đó đòi hỏi sự tập trung cao độ mà bạn không muốn làm để được hưởng trọn vẹn một ngày một cách thoải mái, vì việc khó nhằn nhất cũng đã thực hiện xong, còn lại không còn gì khó khăn nữa. Lẩn tránh những công việc trọng yếu, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được thành công như mong đợi.
8. Giữ các cuộc họp buổi sáng đúng tiến độ
Các buổi họp chính là khoảng thời gian bị lãng phí nhất và có thể làm hỏng một buổi sáng năng suất. Những người sử dụng buổi sáng một cách hiệu quả sẽ theo sát lịch trình đã lên sẵn. Điều này đặt ra một giới hạn giúp thúc đẩy mọi người tập trung và làm việc một cách hiệu quả hơn. Giữ cho các cuộc họp buổi sáng của bạn đúng giờ, cả ngày còn lại của bạn sẽ đi đúng hướng.
9. Không làm việc đa nhiệm
Làm nhiều việc cùng một lúc vào buổi sáng – khoảng thời gian mà cơ thể đang hừng hực năng lượng, nghe có vẻ mang lại hiệu quả cao, nhưng thực tế nó sẽ kéo năng suất cả một ngày của bạn đi xuống. Nghiên cứu được tiến hành tại Đại học Stanford đã xác nhận rằng làm việc đa nhiệm ít hiệu quả hơn so với làm tuần tự từng việc một. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người thường xuyên trong tình trạng tiếp thu nhiều luồng thông tin cùng một lúc sẽ khó chú ý, gặp nhiều rắc rối trong việc lọc, xử lý dữ liệu hay chuyển từ công việc này sang công việc khác như những người hoàn thành từng nhiệm vụ một.
10. Học cách nói "Không"
"Không" chính xác là ngôn từ mạnh mẽ nhất để bảo vệ một buổi sáng quý giá của bạn. Tuy nói không với ai đó luôn luôn là điều khó khăn, tuy nhiên lại thường là điều "phũ phàng" cần thiết khi mà bạn không được hưởng lợi ích gì trong khi làm việc chăm chỉ đến kiệt sức. Một nghiên cứu được tiến hành tại Đại học California Berkeley cho thấy càng khó nói "không", bạn càng có nhiều khả năng bị căng thẳng, mệt mỏi thậm chí trầm cảm. Học cách nói "không" chính là công cụ nâng tâm trạng cũng như năng suất làm việc của bạn.