Tăng viện phí khi không có BHYT: Gây khó cho người nghèo hay là động lực mở rộng cho toàn dân?
Thông tư tăng viện phí được thông qua mới đây có thể xem nó là động lực để mục tiêu 'phủ sóng' BHYT đến 90% dân số vào năm 2020 nhanh chóng trở thành hiện thực.
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành thông tư số 02/2017/TT-BYT nhằm điều chỉnh mức viện phí hiện hành tại các hệ thống bệnh viện. Điều đặc biệt, quy định tăng viện phí này được nhắm vào đối tượng ít mong muốn nó xảy ra nhất: những người không có bảo hiểm y tế (BHYT).
Theo đó, việc 1.900 dịch vụ y tế cho bệnh nhân không có thẻ BHYT dự kiến sẽ tăng giá, có dịch vụ tăng đến 3 lần, tại khắp các bệnh viện là câu chuyện đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Theo nhiều chuyên gia, quy định mới này sẽ ảnh hưởng mạnh đến những người nghèo, cận nghèo - những người có thu nhập chỉ đủ 'sinh sống qua ngày'.
Người nghèo vốn đã không có tiền mua BHYT sẽ càng 'khổ'
Trong chương trình truyền hình "Vấn đề hôm nay", ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng Ban Chính sách Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhận định rằng quy định mới về tăng viện phí sẽ tác động trực tiếp đến 20% người dân tại Việt Nam vẫn chưa tham gia BHYT.
"Chúng ta đã có 80% dân số tham gia BHYT, còn lại là 20% chưa tham gia BHYT. Trong số 20% này, có khoảng 10% là những người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Số này cũng bao gồm một số học sinh, sinh viên hiện vẫn chưa tham gia BHYT, và đặc biệt là những người lao động tự do làm việc trong các khu vực phi chính thức như nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp", ông Phúc cho biết.
20% toàn dân số vẫn chưa biết đến những quầy "duyệt BHYT" như thế này
Điều đáng nói, con số 20% này chính là những người đứng ở dưới trong thang đo thu nhập xã hội. Cụ thể, theo ông Phúc thì với những người người làm việc trong các khu vực phi chính thức nói trên thì thu nhập của họ thường rất thấp, chỉ đủ 'sống qua ngày'.
Cộng với tâm lý ngại bỏ số tiền tới 600.000 đồng để mua, những người này thường chấp nhận không có BHYT. Điều đáng nói, số lượng những người này tại nước ta lên hàng chục triệu. Họ thường làm những công việc nặng nhọc, ảnh hưởng đến sức khỏe nhất và vì thể là đối tượng cần sự hỗ trợ của BHYT nhiều nhất trong khám chữa bệnh.
Vì thế, chỉ trong hơn 1 tháng nữa, khi mà Thông tư tăng viện phí trở thành hiện thực, một nghịch lý trong xã hội có thể xảy ra. Đó là tình trạng mà những người nghèo khổ nhất lại phải chi trả tiền chữa bệnh, tiền cứu tính mạng của mình, với giá cao hơn những người giàu có. Mức chênh lệch này có thể lên tới gấp 2 lần, gấp 3 lần nếu so với trước đây.
Động lực để viễn cảnh 'toàn dân có BHYT' thành hiện thực
Điều quan trọng nhất cần để giải quyết nghịch lý, theo như ông Phúc chia sẻ trong chương trình là chính những người nghèo cũng cần thay đổi tư duy về việc 'ngại' mua BHYT của mình: khám BHYT không phải tương đương với thủ tục hành chính rối rắm hơn, dịch vụ khám bệnh kém hơn mà ngược lại, chính cuộc sống họ sẽ được bảo vệ tốt hơn nhờ bàn tay an sinh của Nhà nước.
Một lý do khiến vẫn còn những đối tượng còn chưa tin vào BHYT được chỉ ra là vì những hình ảnh về những hàng dài người chờ đợi để khám bệnh tại các bệnh viện công hay những khoản tiền lót tay phải bỏ ra mới mong có được thuốc tốt vẫn còn ám ảnh nhiều người khám bệnh.
Xếp hàng dài chờ khám bệnh
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Phúc thì giờ đây BHYT đã trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết và những định kiến trên không nên tồn tại trong tâm trí người khám bệnh nữa.
"Việc tiếp cận BHYT hiện nay đang có nhiều thuận lợi. Nếu trước đây, người mua BHYT phải chờ 3 năm mới được hưởng những ưu đãi thì giờ đây họ có thể hưởng ưu đãi ngay sau ngày mua BHYT. Cải cách thủ tục hành chính cũng là một mục tiêu mà Chính phủ đang thực hiện triệt để để làm sao người dân nào cũng được tham gia bảo hiểm về sức khỏe" - ông Phúc phân trần.
Đồng thời, đối với cụ thể đối tượng nghèo, cận nghèo, người lao động trong các khu vực phi chính thức, các hỗ trợ cũng được thực hiện rất sát sao. Ông Phúc lấy ví dụ 100% chi phí được trả bởi BHYT đang được áp dụng cho những đối tượng chính sách xã hội, người nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.
"Các hộ cận nghèo cũng được hỗ trợ tới 70% viện phí. Sắp tới, theo dự thảo thông tư mới, Bộ Y tế sẽ kết hợp với Bộ tài chính hướng dẫn các địa phương chuyển phần ngân sách cấp tiền lương cho các bệnh viện hiện nay thành nguồn kinh phí chi trả nốt 30% phần viện phí còn lại cho những hộ cận nghèo ", ông Phúc chia sẻ.
Ông còn cho biết thêm những người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình cũng được khuyến khích tham gia BHYT. Hiện các đối tượng này đang được hỗ trợ tối thiểu 30%, sắp tới mức hỗ trợ này sẽ được tăng lên.
Từ tất cả những thông tin trên, có thể tin tưởng rằng Thông tư tăng viện phí được thông qua mới đây sẽ không mang lại quá nhiều khó khăn cho những người khám bệnh. Ngược lại, Nhà nước và Quỹ BHYT còn có thể xem nó là động lực để mục tiêu 'phủ sóng' BHYT đến 90% dân số vào năm 2020 nhanh chóng trở thành hiện thực.
"Khí giá dịch vụ y tế tăng thì cách duy nhất để người khám bệnh đảm bảo an toàn, tài chính, an sinh cho mình là tham gia vào BHYT. Tôi tin thông tư này sẽ kích thích nhiều người hơn tham gia BHYT" - ông Lê Văn Phúc nhận định
Không cần phải đến bệnh viên thì cũng có thể biết rằng nếu không có BHYT thì người dân nghèo sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đau ốm. Tuy nhiên, có thể nói, thông tư này ra đời cũng sẽ là động lực để mục tiêu 'phủ sóng' BHYT trên toàn quốc sớm được trở thành hiện thực.