Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ không hứa hẹn một quốc gia hạnh phúc. Đúng rồi! nhưng là khi đã giàu có

21/03/2017 13:14 PM | Xã hội

Báo cáo hạnh phúc toàn cầu 2017 của Liên hợp quốc cho thấy những nước đứng đầu bảng không quá chú trọng vào tăng trưởng nóng.

Sự giàu có đánh giá dựa trên GDP bình quân đầu người rất dễ định lượng và có thể đây là lý do nhiều chính phủ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả những quan điểm chú trọng nhiều vào thương mại, việc làm gần đây của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ứng cử viên Tổng thống Pháp Benoit Hamon đã từng phát biểu rằng ông không tin vào sự thần kỳ trong tăng trưởng kinh tế, ông cho rằng đó là mô hình phát triển dựa quá nhiều vào tiêu dùng, sản xuất mà lãng quên đi những giá trị khác của cuộc sống người dân.

Tuy nhiên, quan điểm này bị nhiều chuyên gia kinh tế phản đối bởi chúng đi ngược lại quá trình toàn cầu hóa và góp phần tăng trưởng nóng cho nhiều nước đang phát triển.

Trớ trêu thay, Báo cáo hạnh phúc toàn cầu năm 2017 (Global Happiness Report 2017) được tiến hành dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc đã chỉ ra rằng có thể luận điểm của ông Hamon là chính xác.

Kể từ 5 năm trước, hầu như các nước nhỏ và giàu có tại Tây Âu luôn dẫn đầu trong top danh sách. Vào năm nay, những nước nhỏ như Na Uy, Đan Mạch hay Iceland lại tiếp tục dẫn đầu.

Tuy nhiên, có một sự thật trớ trêu là những nước nằm trong top đầu đa số có mức tăng trưởng kinh tế không cao, ngoại trừ Iceland với chính sách nới lỏng thuế doanh nghiệp và thu hút các tập đoàn đa quốc gia chuyển doanh thu của họ về đây, qua đó đẩy tăng trưởng trên giấy của nước này cao bất thường.


Tăng trưởng GDP bình quân trong khoảng 2014-2016 của các nước thuộc top chỉ số hạnh phúc cao nhất năm 2017 so với bình quân thế giới.

Tăng trưởng GDP bình quân trong khoảng 2014-2016 của các nước thuộc top chỉ số hạnh phúc cao nhất năm 2017 so với bình quân thế giới.

Trong khi đó, điều thần kỳ tại Châu Á là Trung Quốc với mức tăng trưởng nóng trong những thập niên gần đây lại có chỉ số hạnh phúc không cao như nhiều nước có nhỏ hơn. Theo đó, Báo cáo hạnh phúc toàn cầu năm 2017 chỉ ra rằng thay vì chỉ số hạnh phúc tăng trưởng đồng bộ với đà đi lên của kinh tế, người dân Trung Quốc hiện chỉ hạnh phúc tương đương hồi thập niên 1990.

Báo cáo nhận định sự không tương ứng trong tăng trưởng kinh tế với an sinh xã hội khi Trung Quốc trở thành công xưởng toàn cầu đã góp phần tác động tiêu cực đến chỉ số hạnh phúc. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát đi lên khi nền kinh tế mở cửa khiến niềm tin trong xã hội bị lung lay, qua đó làm xói mòn những lợi ích vật chất có được từ tăng trưởng kinh tế.

Hơn nữa, tình trạng bất bình đẳng thu nhập và ô nhiễm môi trường nặng tại Trung Quốc cũng góp phần khiến chỉ số hạnh phúc của người dân nước này bị đánh giá thấp hơn nhiều nước.

Ngoài ví dụ về Trung Quốc, báo cáo cũng chỉ ra trong số 20 nước có chỉ số hạnh phúc tăng trưởng mạnh nhất trong khoảng 2005-2007 và 2014-2016, có 11 nền kinh tế từng chịu ảnh hưởng nặng nề sau khi Liên Xô tan rã cũng như nhiều biến động địa chính trị. Trái ngược lại, những nước tăng trưởng chỉ số hạnh phúc ít nhất như Italy, Pháp, Ả Rập Xê Út lại hiếm khi gặp phải những cuộc đại khủng hoảng trong nền kinh tế.

Rõ ràng, kinh tế tăng trưởng không phải yếu tố duy nhất khiến người dân hạnh phúc hơn. Các chuyên gia kinh tế Jeffrey Sachs, Richard Layard và John Helliwell trong báo cáo đã nếu ra 6 tiêu chuẩn đánh giá mức độ hạnh phúc của người dân một nước, bao gồm: GDP bình quân đầu người, mức độ bảo trợ an sinh xã hội, tuổi thọ bình quân, tự do cá nhân, tỷ lệ làm từ thiện và nhận thức về tham nhũng.

Sự giàu có đánh giá dựa trên GDP bình quân đầu người rất dễ định lượng và có thể đây là lý do nhiều chính phủ tập trung vào tăng trưởng kinh tế, bao gồm cả những quan điểm chú trọng nhiều vào thương mại, việc làm gần đây của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy nhiên, việc hàng loạt các nước nhỏ nhưng giàu có ở Phương Tây cho thấy khi kinh tế đã phát triển đến một mức độ nhất định, tăng trưởng không còn là thước đo duy nhất cho sự hạnh phúc nữa. Thay vào đó, chỉ cần một mức tăng trưởng ổn định, những yếu tố cơ bản khác sẽ định hình chỉ số hạnh phúc của quốc gia đó.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM