Tăng chi ngân sách: Làm nghiêm, không “cho qua” nữa

16/06/2016 10:33 AM | Kinh tế vĩ mô

Quốc hội cho 224.000 tỷ đồng là dứt khoát thực hiện đúng, không cao lên hay thấp xuống được

“Dự toán thu được Quốc hội chấp nhận cho phép thì cơ quan hành pháp phải thực hiện thu đúng, thu đủ, dựa vào căn cứ hệ thống pháp luật thuế, phí, lệ phí. Nhưng dự toán chi lại khác, không mở như dự toán thu mà có giới hạn. Quốc hội cho 224.000 tỷ đồng là dứt khoát thực hiện đúng, không cao lên hay thấp xuống được”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Tăng chi hơn 108 nghìn tỷ đồng so với dự toán

Sáng 15/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 và tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015. Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 1.130.609 tỷ đồng, trong đó thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 877.697 tỷ đồng, tăng 12,1% so với dự toán.

Ngược lại, quyết toán chi cân đối NSNN năm 2014 là 1.350.272 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.114.767 tỷ đồng, tăng 10,7% (108.067 tỷ đồng) so với dự toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải nêu rõ, khi thực hiện nhiều khoản chi vượt dự toán hoặc không đạt so với dự toán, thừa nguồn kinh phí nhưng ngược lại có nhiệm vụ chi cần thiết lại thiếu hoặc không có nguồn kinh phí, giải ngân nguồn vốn ODA tăng cao, gây mất cân đối NSNN.

Việc chi đầu tư xây dựng cơ bản còn hạn chế, sai phạm trong các khâu của quá trình đầu tư vẫn xảy ra nhưng chậm được khắc phục, xử lý chưa kiên quyết, còn để xảy ra thất thoát, lãng phí. Hầu hết các dự án đầu tư được thanh tra, kiểm toán đều phát hiện có sai phạm.

Ủy ban TCNS cho rằng, việc xử lý sai phạm còn chưa nghiêm, áp dụng chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, tính răn đe chưa cao, tái phạm với mức độ lớn. Điển hình, không ít công trình ở nhiều địa phương chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư hạn chế, phải thay đổi quy mô, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, nên không thể giải ngân theo kế hoạch vốn được giao hoặc kế hoạch vốn được giao nhưng chưa phân bổ được, thời gian thực hiện kéo dài gây lãng phí và kém hiệu quả.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, số ứng trước kế hoạch vốn từ ngân sách Trung ương cho các dự án còn phải thu hồi là 81.707,5 tỷ đồng, bằng 50,1% kế hoạch vốn đầu năm 2014 và tăng 14.522,7 tỷ đồng so với năm 2013. Một số địa phương còn tình trạng cho vay, tạm ứng sai quy định hoặc kéo dài nhiều năm chậm thu hồi. Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho hay, Hiến pháp năm 2013 và Luật Ngân sách quy định rõ: Dự toán thu được Quốc hội chấp nhận cho phép thì cơ quan hành pháp phải thực hiện thu đúng, thu đủ, dựa vào căn cứ hệ thống pháp luật thuế, phí, lệ phí. Nhưng dự toán chi lại khác, không mở như dự toán thu mà có giới hạn, Quốc hội cho 224.000 tỷ đồng là dứt khoát thực hiện đúng, không cao lên hay thấp xuống được.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, sự tiến bộ trong công tác ngân sách là đáng ghi nhận, song những hạn chế, tồn tại gần như năm nào cũng có và lặp lại. “Từ hồi nào tới giờ nói rất nhiều nhưng đều cho qua, lần này cần chấp hành nghiêm tinh thần Hiến pháp và pháp luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dự án gây lãng phí: Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu

Báo cáo tình hình thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quản lý, sử dụng NSNN còn xảy ra việc chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính chưa nghiêm.

Tình trạng vi phạm quy định pháp luật, sử dụng kinh phí ngân sách sai mục đích, không đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ còn xảy ra ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc sử dụng tài sản công ở một số nơi còn lãng phí, tiến độ thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt còn chậm, kết quả chưa cao...

Báo cáo thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban TCNS chỉ rõ một số dự án cụ thể gây lãng phí, thất thoát trong lĩnh vực xây dựng cơ bản như: Bảo tàng Hà Nội, qua gần 5 năm đi vào hoạt động, hiệu quả sử dụng rất thấp; dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn “đắp chiếu” sau gần 10 năm thực hiện; ký túc xá sinh viên tại Hà Nội và một số tỉnh thành không có sinh viên sử dụng...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga chỉ ra hàng loạt dự án gây lãng phí lớn được dư luận quan tâm trong thời gian qua, như: Nhà máy tơ sợi Đình Vũ ở Hải Phòng; Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên; Nhà máy Đạm Ninh Bình…

Bà Nga cho rằng, cần báo cáo cụ thể về các dự án này, xem rõ trách nhiệm đơn vị đầu tư, người đứng đầu. Qua đó cần xem những người có trách nhiệm và những người công tác tại các dự án gây lãng phí hiện đã luân chuyển đi đâu, làm gì?

Đề cập đến tình trạng sử dụng xe công, theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, cần công khai hóa về tiêu chuẩn định mức sử dụng đối với cán bộ, công chức để nhân dân giám sát.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cử tri và nhân dân rất quan tâm đến vấn đề sử dụng sai nguyên tắc, trên định mức với những tài sản như xe công và các mức chi tiêu trong hoạt động công vụ.

Tuy nhiên cũng có nhiều đơn vị sử dụng tài sản công vụ dưới định mức. Bà Hải đề nghị cần đề cập đầy đủ để tạo ra bức tranh đầy đủ cho Quốc hội và cử tri rõ.

Theo Thành Nam

Cùng chuyên mục
XEM