Tân Tổng thống Pháp với chiến lược tránh ''gây shock và sợ hãi''

09/05/2017 09:42 AM | Xã hội

Giải pháp “mưa dầm thấm lâu” của Macron có thể sẽ giảm được nguy cơ các cuộc biểu tình trên đường phố đầy nguy hiểm...

Tân tổng thống Pháp 39 tuổi, từng làm trong ngành ngân hàng, hứa sẽ vực dậy thị trường lao động, đơn giản hóa hệ thống thuế khóa và hưu trí, đồng thời, loại bỏ đi những quy tắc cản trở các phát minh, sáng tạo.

Nước Pháp vừa trải qua một thập kỷ nền kinh tế lao dốc, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, sức cạnh tranh kém.

Tuy nhiên, theo Reuters, bước chân vào Điện Elysee sau khi đánh bại ứng viên cánh tả Marine Le Pen, tổng thống Pháp vốn là cựu Bộ trưởng kinh tế sẽ phải đối mặt rất nhiều rào cản.

Tổng thống sẽ phải đưa ra chương trình cải cách vào thời điểm nước Pháp bị chia cắt hơn bao giờ hết, ngõ hầu tìm cách phản ứng trước các lực lượng toàn cầu hóa vốn đã bị phân rẽ.

Chiến dịch bầu cử đã cho thấy rằng gần một nửa nước Pháp ưa chuộng nền kinh tế chỉ huy hơn là nền kinh tế mà ở đó, vai trò của một nước Pháp mở rộng hơn là co hẹp lại như đề xuất của ông Macron.

Để có cơ thực hiện những kế hoạch của mình, tổng thống mới phải đảm bảo có được sự hậu thuẫn từ quốc hội.

Ngay cả nếu tân tổng thống dành được đa số phiếu thì có thể nhiều chính sách cải cách của ông phải mất hàng tháng, hay thậm chí hàng năm mới có kết quả.

“Macron đưa ra giải pháp mà thành công sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận với các liên đoàn”, Gilles Moec, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu của Ngân hàng America Merrill Lynch nhận định. Đây không phải là chiến lược mang lại kết quả ngay. Phải mất nhiều thời gian”, ông Gilles Moec.

Chương trình kinh tế của Macron phối hợp thực hiện cùng cựu chuyên gia cố vấn liên minh Châu Âu Jean-Pisani Ferry là tránh đưa ra giải pháp “gây shock và sợ hãi” của đối thủ Francois Fillon. Đó là kế hoạch cắt giảm đáng kể việc làm ở khu vực kinh tế công và kéo dài tuần làm việc hợp pháp.

Thay vào đó, tổng thống vạch ra một quy trình phù hợp hơn, nói rõ nguyên nhân gốc rễ của những khó khăn trong nền kinh tế Pháp. Nhiều nhà kinh tế độc lập đồng tình với kế hoạch này.

Ông Macron sẽ không loại bỏ hẳn quy định 35 tiếng làm việc trong tuần gây nhiều tranh cãi. Ông cho phép các doanh nghiệp tự thỏa thuận với người làm công về số giờ làm việc và thu nhập.

Tổng thống Pháp ra tín hiệu rằng ông có thể đưa ra nhanh cải cách luật lao động thông qua quốc hội nhờ sắc lệnh đã được chính phủ thông qua.

Về chính sách hưu trí, Macron chưa có kế hoạch tăng độ tuổi về hưu chính thức lên 62. Thay vào đó, ông muốn thống nhất mạng lưới chính sách hưu trí rối rắm thời gian qua bằng cách chuyển sang hệ điểm theo kiểu Thụy Điển, trong đó, lương hưu sẽ gắn liền với mức độ đóng góp của người hưởng trong thời gian còn đang công tác.

Tổng thống muốn tiết kiệm 60 tỷ euro trong năm năm đồng thời thực hiện cắt giảm dần tỷ lệ thuế doanh nghiệp từ 33% xuống 25%.

Sylvie Goulard, thành viên của Quốc hội Châu Âu, từng là cố vấn của Macron trong chiến dịch tranh cử, đã ví giải pháp này như kiểu việc tập thể thao nửa tiếng mỗi ngày. “Có vẻ không mất nhiều thời gian nhưng nếu thực hiện với kỷ luật cao và đúng thì sẽ được đền đáp. Kiểu tập này còn tốt hơn là chạy marathon”.

Giải pháp “mưa dầm thấm lâu” của Macron có thể sẽ giảm được nguy cơ các cuộc biểu tình trên đường phố đầy nguy hiểm – vốn gây không ít phiền toái cho các tổng thống Pháp, từ đó không làm suy yếu chương trình nghị sự của ông.

Tuy nhiên, giải pháp này cũng khiến ông bị nhận không ít chỉ trích từ giới bảo thủ bởi họ cho rằng nền kinh tế Pháp cần phải có cuộc cải cách táo bạo hơn sau một thập kỷ “thất bại”.

Theo Mai Quyên

Cùng chuyên mục
XEM